|
Kiều Thiên, Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch tập đoàn rượu Kiếm Nam Xuân (Tứ Xuyên) |
Trang Thanh niên Trung Quốc ngày 8.3 đưa tin, danh sách các chủ doanh nghiệp Trung Quốc “bị mất tích" mới đây đã có thêm một cái tên mới. Đó là Kiều Thiên, Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch tập đoàn rượu Kiếm Nam Xuân (Tứ Xuyên).
Theo xác nhận của nhiều nhân viên công ty, từ tháng 5.2015, Chủ tịch Kiều đã thường xuyên "mất tích" vài ngày và bỏ nhiều cuộc họp quan trọng. Tháng 12.2015, ông Kiều đột ngột trở về, xuất hiện ở thị xã Miên Trúc (Tứ Xuyên) và ký vào các văn bản ủy quyền, sau đó biến mất đến nay. Trước đó cùng tháng, ông còn xuất hiện với tư cách đại biểu của đoàn doanh nghiệp Tứ Xuyên tại khách sạn Quốc Nghị (Bắc Kinh) và trả lời phỏng vấn báo chí.
Về vụ mất tích của Chủ tịch Kiều, giới truyền thông Trung Quốc đồn đoán là có liên quan đến thông tin tranh giành quyền sở hữu cổ phần trong công ty xảy ra năm 2012.
Trong năm 2012, tập đoàn Kiếm Nam Xuân chuẩn bị cho việc phát hành đợt cổ phiếu đầu tiên (IPO) nên các công việc về tái cơ cấu cổ phần và tranh chấp chức vụ trong nội bộ đều tạm lắng xuống. Tuy nhiên, cuối cùng tập đoàn không thể lên sàn, việc làm ăn cũng như nội bộ tập đoàn vì vậy mà ngày một rối ren, chủ tịch Kiều Thiên có lẽ cũng vì vậy mà “mất tích”. Hiện nay, nguyên nhân mất tích cũng như kết cục của ông Kiều đang là vấn đề mà dư luận rất quan tâm.
Theo điều tra của trang tin Thanh niên Trung Quốc, hầu hết các chủ doanh nghiệp sau khi “mất liên lạc” đều có 3 kết cục sau: bị bắt điều tra, trốn chạy và tệ nhất là đã chết. Trong 3 kết cục này, “bị bắt điều tra” là mô tuýp thường gặp nhất, mà tiêu biểu là trường hợp của Lưu Hán, cựu Chủ tịch tập đoàn Kim Lộ (Tứ Xuyên).
Lưu đã không đến công ty và hoàn toàn mất liên lạc trong 4 tháng liền, sau đó đến tháng 3.2013, Sở Công an Bắc Kinh mới công bố đã tiến hành bắt giam Lưu vì tội chứa chấp tội phạm, tham gia các hoạt động phạm pháp, cố ý giết người và hối lộ quan chức. Đến ngày 9.2.2015, Lưu đã bị tòa tuyên án tử hình.
Ngày 26.10.2015, người phát ngôn công ty bảo vệ môi trường Đông Giang (Thẩm Quyến) trong buổi họp báo quý 3 đã công bố thông tin rằng trong 3 tháng qua, công ty đã không thể liên lạc với ông Trương Duy Ngưỡng, Chủ tịch công ty. Hai ngày sau họp báo, người thân của Chủ tịch Trương mới tiết lộ ông đang bị điều tra.
Ngày 22.2.2016, các trang tin Trung Quốc đồng loạt đưa tin Trương Tuấn, Chủ tịch tập đoàn bảo hiểm nhân thọ Phú Đức mất liên lạc. Phóng viên trang Sina sau khi liên hệ với người nhà ông Trương mới biết, chủ tịch Trương đang bị bắt điều tra. Cũng theo trang Sina, Trương từ lâu đã bị đồn đoán có dính líu với án tham nhũng của Lưu Chí Canh, cựu Phó chủ tịch tỉnh Quảng Đông, và đã bị bắt điều tra vào ngày 5.2.
Ngoài các trường hợp bị bắt điều tra, cũng có nhiều chủ doanh nghiệp trốn chạy trước khi bị cơ quan công an “sờ gáy”.
Tháng 6.2014, thông tin Dương Định Quốc, Chủ tịch tập đoàn Trung Đô (Hàng Châu) bỏ trốn được công bố. Trước đó, Dương đã mất liên lạc gần 4 tháng. Qua điều tra, Dương trong nhiều năm đã dùng danh nghĩa cá nhân lẫn danh tiếng công ty để mượn nợ của bên ngoài và của người trong công ty. Sau khi Dương trốn chạy, công ty đã phải ôm khoản nợ lên đến 2 tỉ nhân dân tệ.
Cuối năm 2014, Mạnh Khải, ông chủ của chuỗi cửa hàng thức ăn nổi tiếng Tương Ngạc Tình, đã trốn sang nước ngoài; công ty không tài nào liên lạc được với Mạnh. Ngay từ tháng 12.2014, chuỗi cửa hàng này đã lọt vào tầm ngắm của Ủy ban kiểm tra - kỷ luật trung ương (CCDI). Cơ quan này phê bình chuỗi cửa hàng là “nơi tụ tập ăn uống xa xỉ của quan chức”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng “may mắn” như vậy. Vào tháng 1.2015, Vương Hóa Nghĩa, Chủ tịch tập đoàn Triều Dương (Từ Châu) bị phát hiện đã chết sau khi mất tích 2 tháng trước. Theo kết luận điều tra của Công an Bắc Kinh, Vương đã tự sát.
Hiện nguyên nhân Vương tự sát vẫn đang được điều tra làm rõ, nhưng theo tiết lộ của trang Sina, Vương không hề có dấu hiệu dính líu tham nhũng, hay phạm tội như các trường hợp trên, mà nguyên nhân tự tử có thể là do áp lực công việc và chứng trầm cảm lâu năm.
Theo DW News, Một thế giới