Bộ trưởng Công Thương thừa nhận khó quản lý livestream bán hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các cá nhân livestream bán hàng có doanh thu hàng chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng. Đại biểu Quốc hội đã chất vấn về giải pháp quản lý của Bộ Công Thương.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 4/6, 107 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Nhiều đại biểu dành sự quan tâm về việc nhiều cá nhân livestream bán hàng có doanh thu hàng trăm tỷ, Bộ Công Thương sẽ quản lý như thế nào?

"Các cá nhân livestream bán hàng có doanh thu hàng chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng, Bộ Công Thương có biết thông tin này không? Bộ Công Thương có giải pháp quản lý như thế nào để bảo đảm chất lượng sản phẩm và quyền lợi người tiêu dùng?" - đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) đặt câu hỏi.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cũng nêu thực tế đơn hàng giao dịch qua zalo, mạng xã hội, livestream ngày càng phổ biến. Trong khi đó, hàng hóa được đặt từ bên kia bên giới, khi vận chuyển vào Việt Nam không có sự kiểm tra, quản lý, Bộ Công Thương có giải pháp quản lý ra sao?

NHD.jpeg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: “Quản lý hoạt động bán hàng trên thương mại điện tử nói chung và livestream nói riêng là thật sự khó khăn".

Trước lo ngại của các đại biểu về thương mại điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thừa nhận: “Quản lý hoạt động bán hàng trên thương mại điện tử nói chung và livestream nói riêng là thật sự khó khăn. Đây không chỉ là trách nhiệm của ngành Công Thương mà còn của nhiều ngành khác, như Thông tin truyền thông”.

Ông Diên cho biết Bộ Công Thương sẽ sử dụng lực lượng quản lý thị trường để đấu tranh, tìm ra những điểm tập kết hàng hóa, thường xuyên giao dịch, siết chặt kiểm tra, truy xuất nguồn xuất xứ. Ngoài ra, bộ này sẽ kiến nghị rà soát sửa đổi bổ sung các luật, quy định để thích ứng kịp thời quản lý hiệu quả hình thức thương mại mới này.

“Bộ Công Thương sẽ yêu cầu các chủ phòng livestream đóng cửa nếu có dấu hiệu vi phạm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Trong trường hợp nghiêm trọng, bộ sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Còn thất thu thuế thương mại điện tử

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Minh Đoàn (TP.HCM) cho rằng thương mại điện tử đang thúc đẩy kinh doanh, tuy nhiên nhiều nhóm đối tượng xấu đã lợi dụng hình thức này để có hành vi lừa đảo. Đại biểu Nguyễn Minh Đoàn hỏi về giải pháp của Bộ Công Thương về tình trạng trên và việc thu thuế trên sàn thương mại điện tử.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết thương mại điện tử đang đối mặt với các thách thức lớn, gồm: nguy cơ xâm phạm an toàn dữ liệu cá nhân; hàng giả, hàng kém chất lượng; thất thu thuế. Bộ Công Thương đã trình Quốc hội Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có hiệu lực từ 1/7/2024. Bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ Công an và các Bộ/ngành khác để tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, yêu cầu các sàn thương mại điện tử phải công khai chính sách bảo vệ dữ liệu khách hàng.

Bên cạnh đó, các giải pháp về truyền thông, đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhất là trên các sàn thương mại điện tử cũng được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu ra.

Về vấn đề chống thất thu thuế, người đứng đầu ngành Công Thương cho biết, giao dịch qua thương mại điện tử năm 2023 ước đạt gần 21 tỷ USD, nộp thuế 2023 gần 100.000 tỷ đồng, tăng 16,1% so với 2022, nhưng không thể phủ nhận còn thất thu thuế trong lĩnh vực này.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với ngành thuế, chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website và hơn 300 ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử để rà soát, quản lý thuế.

Về nội dung chất vấn có 69,99% doanh nghiệp mất 2 tháng để hoàn tất thủ tục pháp lý trong kinh doanh và hơn 70% doanh nghiệp cho biết thủ tục của thương mại điện tử còn rườm rà ở tất cả các khâu, ông Diên nói: "Bộ Công Thương đã cung cấp thủ tục thương mại điện tử thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến. Năm 2023, Bộ đã xử lý hơn 10.000 hồ sơ, cho thấy con số khổng lồ của khối lượng dịch vụ này, gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm và chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm, nên không thể nói bộ chậm trễ trong tiếp nhận giải quyết thủ tục hồ sơ cho khách hàng”.

Còn khoảng trống pháp lý trong quản lý kinh doanh thuốc lá điện

Một vấn đề khác được đại biểu nêu ra tại phiên chất vấn là kinh doanh thuốc lá điện tử.

“Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa được thừa nhận ở Việt Nam nhưng đang được rao bán công khai trên thị trường qua không gian mạng đến mức đáng báo động, gây ảnh hưởng đến người dân, nhất là giới trẻ. Như vậy, các sản phẩm thuốc lá điện tử hiện nay là hàng nhập lậu, chưa có nguồn gốc xuất xứ, xin được hỏi trách nhiệm quản lý nhà nước và cam kết của Bộ trưởng về vấn đề này”, Đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) nêu vấn đề.

Trước tình trạng kinh doanh thuốc lá điện tử tràn làn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và được điều chỉnh bởi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.

Sản phẩm thuốc lá thế hệ mới bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng chưa được quy định cụ thể trong luật hiện hành, do vậy, đang có một khoảng trống pháp lý trong công tác quản lý nhà nước về loại hình sản phẩm này.

Trên thực tế, tuy chưa có chính sách quản lý, nhưng tới thời điểm này, Bộ Công Thương chưa cấp phép kinh doanh hay đăng ký website kinh doanh thuốc lá điện tử cho bất kỳ doanh nghiệp nào.

Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các địa phường tăng cường đấu tranh, kiểm tra, xử lý nhiều vụ vi phạm với số lượng lớn: Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam đã thu giữ trên 108.000 sản phẩm; lực lượng Quản lý thị trường Bắc Ninh thu giữ trên 103.000 sản phẩm; Hà Nội thu giữ hơn 11.000 sản phẩm…

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành hữu quan do Bộ Y tế chủ trì sẽ tham mưu các cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách quản lý chặt chẽ đối với thuốc lá điện tử để khắc phục khoảng trống pháp lý, tạo cơ sở để các ban ngành địa phương có căn cứ thực hiện đồng bộ.

Bộ Công thương cũng sẽ tham mưu cho chính quyền các địa phương bố trí nguồn lực thỏa đáng để thực hiện hiệu quả Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Ngoài ra, Bộ tiếp tục chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với cơ quan chức năng địa phương xử lý nghiêm các trường hợp, tổ chức, cá nhân vi phạm.