Kinh tế Nga suy thoái:

Các biện pháp trừng phạt không phải là điều đáng sợ nhất

VietTimes --  Nền kinh tế Nga bắt đầu chững lại và suy thoái từ cuối 2012. Người ta hay viện dẫn lý do chính là do phương Tây, đặc biệt là Mỹ cấm vận. Tuy nhiên, gần đây, ngày càng nhiều ý kiến cho rằng kinh tế Nga suy thoái là do những nguyên nhân nội tại, xuất phát từ mô hình kinh tế “méo mó”. Và trên thực tế, đối với nước Nga, các biện pháp trừng phạt chưa phải là điều đáng sợ nhất.

Hiện trạng công nghệ khai thác dầu khí ở Nga
Hiện trạng công nghệ khai thác dầu khí ở Nga

Kinh tế Nga bắt đầu chững lại và suy thoái từ cuối 2012

Nói đến chất lượng phát triển kinh tế Nga trong 16 năm cầm quyền của TT Putin, về cơ bản, có thể đánh giá một cách khách quan, dựa vào một vài số liệu sau đây. Tháng 10/2000 khi TT Putin bắt đầu cầm quyền, giá dầu hỏa là 34.5 USD/thùng. Còn tỷ giá ngoại tệ 1USD=27.8 rúp. Đồng thời lúc đó, dầu khí chiếm khoảng 35% giá trị hàng hóa xuất khẩu. Còn khu vực kinh tế nhà nước chiểm 30% GDP Nga.

Đến tháng 01/2016, giá dầu hỏa là 34.7 USD/thùng. Còn tỷ giá ngoại tệ đã là 1USD=76.5 rúp. Dầu khí đã chiếm đến gần 65% giá trị hàng hóa xuất khẩu. Còn khu vực kinh tế nhà nước đã chiếm đến 70% GDP Nga (để so sánh khu vực kinh tế tư nhân ở Trung Quốc hiện đã chiếm đến 60% GDP và tạo ra 80% công ăn việc làm mới).

Nghĩa là trong 16 năm Putin cầm quyền, nước Nga ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu và thu nhập từ dầu khí. Khu vực kinh tế tư nhân, trước hết là khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng teo tóp.

Một chính sách kinh tế như vậy, đã dẫn đến việc hình thành ở nước Nga ”Một chế độ tư bản nhà nước độc quyền”. Đây là kết luận của ông Igor Artemiev - Tổng Cục trưởng Cục Phòng chống Độc quyền Liên bang trong một báo cáo đầu 2016, về tình trạng độc quyền thương mại trong kinh tế Nga.

Tại các nhà máy lọc dầu Nga hiện nay, phần lớn là công nghệ của những thập niên 1970-1980. Hiệu suất lọc dầu chỉ đạt 70%, so với chỉ tiêu này là từ 95-98% tại các cơ sở lọc dầu Mỹ.
Tại các nhà máy lọc dầu Nga hiện nay, phần lớn là công nghệ của những thập niên 1970-1980. Hiệu suất lọc dầu chỉ đạt 70%, so với chỉ tiêu này là từ 95-98% tại các cơ sở lọc dầu Mỹ. 

Đồng thời trong thời gian gần 20 năm qua, nước Nga cũng đánh mất rất nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng kinh tế toàn cầu. Cũng như “để vuột” cơ hội đa dạng hóa nền kinh tế Nga, sử dụng những khoản thu nhập rất lớn từ xuất khẩu dầu khí (xấp xỉ 1000 tỷ USD thu được từ việc giá dầu khí tăng đột biến những năm đầu 2000).

Nền kinh tế Nga hiện nay mang đầy đủ đặc trưng của một nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nguyên liệu thô, công nghệ lạc hậu (trừ lĩnh vực quốc phòng, phần nào đó là các lĩnh vực hàng không vũ trụ và công nghệ hạt nhân). Công nghệ lạc hậu thể hiện ngay chính trong lĩnh vực chủ yếu của kinh tế Nga là dầu khí, kim loại đen mầu và các vật liệu khác.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực chế biến dầu lửa. Tại các nhà máy lọc dầu Nga hiện nay, phần lớn là công nghệ của những thập niên 1970-1980. Hiệu suất lọc dầu chỉ đạt 70%, so với chỉ tiêu này là từ 95-98% tại các cơ sở lọc dầu Mỹ. Trong lĩnh vực khai thác dầu đá phiến đầy triển vọng, hiện nay ở Nga cũng chỉ mới bắt đầu có một vài khai thác thử nghiệm qui mô rất nhỏ, không có giá trị thương mại.

Còn về khu vực sản xuất các nguyên liệu khác. Nếu chuẩn mực giá trị gia tăng từ 1 USD nguyên liệu ở Úc là 6, Canada là 8, EU là 11 và Mỹ là 13 USD, thì ở Nga chỉ là 1.5-1.6 USD. Nghĩa là ngay cả so với những quốc gia sản xuất nguyên liệu tiêu biểu như Úc và Canada, Nga còn thua xa về chất lượng khai thác tài nguyên.

Một trong những hậu quả của chính sách kinh tế này là tăng trưởng năng suất lao động (NSLĐ) ở Nga rất thấp. Theo Cục Thống kê Liên bang, NSLĐ thực tế không tăng trong 5 năm qua: năm 2013 tăng 1,8%, năm 2014 giảm 0,7%, năm 2015 giảm 2,2%; năm 2016 giảm 0,2%. Nhìn chung, NSLĐ của Nga thấp hơn Phương Tây từ 2-3 lần và thuộc loại thấp nhất Châu Âu.

Một hậu quả trực tiếp khác nữa là, tốc độ phát triển kinh tế Nga thuộc loại thấp. Và gần đây kinh tế Nga đã chững lại và suy thoái . Cụ thể tốc độ tăng trưởng GDP Nga trong những năm gần đây như sau: 2007 (8.5%); 2008 (5.2%); 2009 (giảm 7.8%); 2010 (4.3%); 2011 (4.3%); 2012 (3.4%); 2013 (1.3%); 2014 (0.7%); 2015 (giảm 3.7%); 2016 (giảm 0.8%). Trong giai đoạn 10 năm từ 2007-2016, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Nga là 1,72% (so với Ba Lan là 3.55% và thế giới là 2.48%).

Giá dầu hỏa (USD/thùng) tương ứng của thời kỳ này: 2007 (72.7); 2008 (98.4); 2009 (62.8); 2010 (82.2); 2011 (110.9); 2012 (109.5); 2013 (108.8); 2014 (99.5); 2015 (53.7); 2016 (41.9).

Như chúng ta thấy qua so sánh các số liệu trên, kinh tế Nga bắt đầu chững lại và suy thoái từ cuối 2012, do những nguyên nhân nội tại, xuất phát từ mô hình kinh tế “méo mó” (thực ra thì ngay từ cuối 2012, các nhà kinh tế Nga đã chỉ ra việc mức độ tiêu thụ điện năng và khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng tàu hỏa ở Nga bắt đầu giảm).

Hình 1. Đồ thị thể hiện tăng trưởng GDP danh định trung bình/người của Nga và thế giới (tính bằng USD), từ 1990 đến 2016. (Nguồn : Makroekonomika)
 Hình 1. Đồ thị thể hiện tăng trưởng GDP danh định trung bình/người của Nga và thế giới (tính bằng USD), từ 1990 đến 2016. (Nguồn : Makroekonomika)

Lưu ý: Đường mầu vàng - Nga; đường mầu trắng - thế giới.

Biến thiên GDP danh định trung bình/ người (tính bằng USD) của Nga giai đoạn 1990-2016 được trình bầy trong Hình 1. Theo ý kiến khá thống nhất của giới kinh tế. Biểu đồ này thể hiện tương đối chính xác tình trạng kinh tế Nga những năm qua. Còn tăng trưởng GDP của Nga so với thế giới giai đoạn 1990-2016 (lấy mốc GDP 1990 là 100%), được thể hiện trong biểu đồ ở Hình 2.

Hình 2. Đồ thị tăng trưởng GDP của Nga và thế giới từ 1990 đến 2016 (lấy GDP năm 1990 = 100%). (Nguồn : Makroekonomika)
Hình 2. Đồ thị tăng trưởng GDP của Nga và thế giới từ 1990 đến 2016 (lấy GDP năm 1990 = 100%). (Nguồn : Makroekonomika)

Rõ ràng điều này xảy ra từ lâu, trước khi giá dầu trên thị trường thế giới bắt đầu tụt dốc (2015). Và khá lâu trước khi Nga chiếm đóng Crimea, can thiệp vào Ukraina và bị Phương Tây trừng phạt (2014). Việc nước Nga bị Phương Tây trừng phạt và giá dầu hỏa tụt dốc, chỉ làm bộc lộ rõ hơn những nhược điểm cốt tử và thúc đẩy nhanh quá trình khủng hoảng tất yếu của mô hình kinh tế này.

Mặc dù đây mới là nguyên nhân cốt lõi, dẫn đến việc kinh tế Nga chững lại và suy thoái trong những năm gần đây (bắt đầu từ cuối 2012). Nhưng lại rất ít được đề cập đến, trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội Nga. Để giải thích việc kinh tế Nga suy thoái gần đây. Người ta thường chỉ viện dẫn đến yếu tố giá dầu tụt dốc và việc Nga bị Phương Tây trừng phạt.

Tuy nhiên, nếu việc giá dầu tụt dốc dẫn đến kinh tế Nga suy thoái và đồng rúp mất giá, được coi là một lý do “xác đáng nhưng không dễ chịu” (vì thể hiện sự yếu kém của mô hình và năng lực quản lý nền kinh tế). Thì ngược lại, việc nước Nga bị Phương Tây trừng phạt, luôn được các phương tiện truyền thông chính thức Nga nhấn mạnh và diễn giải như một lý do “xác đáng duy nhất”. Để giải thích việc kinh tế suy thoái và đồng rúp mất giá.

Đồng thời, một mô hình kinh tế “méo mó” như vậy, tuy thuận lợi cho việc kiểm soát từ phía nhà nước, cho sự phát triển tư bản thân hữu (crony capitalism). Nhưng mặt khác, lại rất dễ bị tổn thương từ các biến động bên ngoài (nhu cầu nhiên liệu và nguyên liệu giảm, trừng phạt và chiến tranh thương mại, xung đột vũ trang, thiên tai ...).

Tại sao các biện pháp trừng phạt không phải là điều đáng sợ nhất?

Gần đây, các chuyên gia và nhà kinh tế Nga đang tập trung chú ý vào những gói trừng phạt Nga mới của Mỹ, cũng như vào những câu trả lời rõ ràng là thiếu cương quyết của Kremlin đối với chúng, cho thấy Moskva đã cạn kiệt khả năng trả đũa. Tuy nhiên, phát biểu gần đây, GS Vladislav Inozemtsev (Giám đốc Trung tâm các vấn đề xã hội hậu công nghiệp”, một nhà kinh tế danh tiếng ở Nga và nổi tiếng cả ở Phương Tây) cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây không phải là điều đáng sợ nhất. Ông phân tích một xu hướng khác, đặc trưng cho tình trạng kinh tế Nga và Mỹ.

Đồng rup Nga Nga mất giá so với đồng đô la.
Đồng rup Nga Nga mất giá so với đồng đô la. 

Về đường lối phát triến kinh tế, phần lớn thời đại V. Putin được đánh dấu bằng luận điểm, rằng “những dịch chuyển kiến tạo" đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu. Rằng điều này đang mang lại một “hơi thở mới” cho các ngành công nghiệp nền tảng. Và vai trò của nguyên liệu thô và các nguồn dự trữ tài nguyên chiến lược ngày một gia tăng. Rằng không nên đầu tư vào những nền kinh tế "hậu công nghiệp" với thực tế ảo của chúng. Mà nên đầu tư vào các quốc gia theo mô hình kinh tế truyền thống.

Có những lý do rất xác đáng, tạo cơ sở cho những nhận định chiến lược như vậy. Đó là sự sụp đổ của thị trường Nasdaq, bong bóng công nghệ IT vỡ vào năm 2000; sự tăng giá nguyên liệu, bắt đầu từ những năm 2001-2003; sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc, kèm với nhu cầu nguyên liệu khổng lồ. Tất cả mọi thứ dường như là bằng chứng hiển nhiên cho luận điểm này.

"Tuy nhiên, từ sau 2008 ngay trước mắt chúng ta, một xu hướng ngược chiều đang diễn ra. Hay đúng hơn, là ngày càng trở nên khá rõ nét. Thời đại của các quốc gia "nguyên liệu" kết thúc nhanh chóng đang trở thành một thực tế. Một điều tuyệt đối không dựa trên cơ sở những tuyên bố hùng hồn của các chính trị gia Mỹ. Mà dựa trên những biến động dễ thấy các định giá trên thị trường chứng khoán Mỹ"- GS Inozemtsev nhấn mạnh.

Vào đêm trước của cuộc khủng hoảng năm 2008. Theo danh sách của Financial Times 500, trong số 10 tập đoàn xếp hạng thị trường hàng đầu thế giới, có 5 tập đoàn đại diện cho ngành năng lượng, lần lượt là PetroChina, ExxonMobil, Gazprom, Royal Dutch Shell và Sinopec. Giá trị vốn hóa thị trường của Gazprom đạt 360 tỷ USD vào tháng 02 – 03/2008, cao hơn nhiều so với giá trị của Microsoft lúc đó. Trong số 10 các tập đoàn có doanh thu hàng đầu thế giới, theo đánh giá của Fortune Global 500, cũng có 4 tập đoàn thuộc về ngành năng lượng. Hiện nay bức tranh thị trường chứng khoán quốc tế đã hoàn toàn khác.

Giá trị vốn hóa thị trường của Gazprom đạt 360 tỷ USD vào tháng 02 – 03/2008, cao hơn nhiều so với giá trị của Microsoft lúc đó.
Giá trị vốn hóa thị trường của Gazprom đạt 360 tỷ USD vào tháng 02 – 03/2008, cao hơn nhiều so với giá trị của Microsoft lúc đó. 

Tính đến giữa năm nay, tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới ExxonMobil chỉ đứng thứ 10, trong số những tập đoàn xếp hạng thị trường cao nhất thế giới. Và dường như ExxonMobil sẽ sớm tuột ra ngoài top 10, bởi vì cách đây nửa năm tập đoàn này vẫn chiếm vị trí thứ 5 một cách tự tin. Ngoài ra, các tổ chức tài chính và ngân hàng hàng đầu thế giới cũng đã tuột ra khỏi top 10 một cách dứt điểm (trong gần như tất cả những năm 2000, họ luôn tự tin chiếm hai hoặc ba dòng trong top 10).

Danh sách top 10 vào đầu năm 2017, thực tế đã đưa chúng ta quay lại những năm cuối thập niên 1990. Lần đầu tiên kể từ thời gian đó, trong top 10 lại hầu như chỉ toàn các tập đoàn Mỹ. Đồng thời cũng lần đầu tiên, các tập đoàn công nghệ khổng lồ thống trị tuyệt đối.

Chỉ có điều, nếu những năm 2000 vai trò chính còn thuộc về các tập đoàn chuyên hardware, dẫn đầu là General Electric, Cisco và Intel. Thì hiện nay, những tập đoàn IT lớn nhất chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất software, công nghệ thông tin và kinh doanh mạng. Hàng đầu là Alphabet (Google), Microsoft, Amazon và Facebook. Tháng trước (07/2018) Alibaba và Tencent Trung Quốc “đột kích” thành công vào top 10, và tạo nên ưu thế áp đảo cho kinh tế Internet, so với kinh tế công nghệ truyền thống, tỷ lệ đã là 6/4.

Còn tiếp....