Ca sĩ Long Nhật nổi tiếng những năm cuối thập niên 90 với các ca khúc gắn cùng tên tuổi của anh như: Mấy nhịp cầu tre, Tóc em đuôi gà, Ở hai đầu nỗi nhớ, Gần lắm Trường Sa, Tình ca mùa xuân… Nhưng sau đó, vào năm 1999 Long Nhật gặp biến cố đời sống, anh cùng một ca sĩ nổi tiếng khác, bị nghi là có dính líu tới pháp luật, bị công an bắt (nhưng thực chất, theo Long Nhật cho biết, khi ấy anh đang ở Sài Gòn còn người bạn kia đang biểu diễn tại Mỹ). Long Nhật đã không vượt qua được búa rìu dư luận, anh phải từ giã sự nghiệp ca hát, lấy vợ và kinh doanh nhà hàng ăn uống.
Với niềm đam mê ca hát cháy bỏng, năm 2010 Long Nhật trở lại làng giải trí và nhanh chóng trở thành cái tên được giới truyền thông săn đón. Ngay sau đó Long Nhật ra tự truyện online dài kỳ và tên anh trở thành từ khóa “hot” ở thời điểm đó. Các số đăng tải về tự truyện của Long Nhật cũng được các báo lấy lại đều đặn và có nhiều bài quan tâm tới sự kiện này.
Long Nhật trong vai diễn "Dưới ánh đèn"
|
Vào Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc 2018 vừa bế mạc thành công vừa qua một bất ngờ lớn đã đến với Long Nhật khi vở kịch viết về cuộc đời anh có tựa đề “Dưới ánh đèn” do tác giả Chu Thơm- nguyên Phó trưởng phòng Phòng Quản Lý Nghệ thuật (Cục Nghệ thuật Biểu diễn), Giải thưởng Nhà nước về VHNT 2016 chắp bút đã đoạt giải bạc tại Liên hoan và ca sĩ Long Nhật đoạt HCB cho vai diễn nam chính: ca sĩ Bảo Long, hiện thân cuộc đời Long Nhật trên sàn diễn.
Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ca sĩ Long Nhật để nghe anh “bật mí” về những bí mật xung quanh vở kịch cũng như sự thành công của nó.
Chuyện đời nghiệt ngã hơn chuyện kịch
Thưa anh, phải chăng vì “độ hot” của cuốn tự truyện online mà anh đã ấp ủ đưa câu chuyện đời mình một lần nữa đến với công chúng bằng một loại hình nghệ thuật khác và anh đã chọn sân khấu?
-Thực ra tôi đã ấp ủ in tự truyện online thành sách thay vì mơ mộng sẽ chuyển thể nó ra một loại hình nghệ thuật khác. Nhưng hiện tại, như tôi đã từng trả lời vấn đề này trên báo giới: những gì tiết lộ trên tự truyện online chỉ được 70%, còn khi ra sách nó phải là 100% mà bây giờ chưa phải là thời điểm thích hợp. Còn với kịch bản sân khấu, có lẽ nhờ cơ duyên đưa đẩy mà câu chuyện cuộc đời tôi lại được chuyển thể để đưa lên sân khấu và có được những thành công như bạn đã biết.
Anh có thể tiết lộ cơ duyên đã đưa đẩy anh đến với quyết định đưa chuyện đời mình lên sân khấu kịch?
-Câu chuyện bắt đầu hết sức tình cờ và hoàn toàn không liên quan tới ý định nào về việc sẽ đưa chuyện đời tư của tôi lên sân khấu. Tôi nhớ, lần đó là vào dịp tôi đi dự một chương trình và nhận bằng khen của Quỹ Tấm Lòng Việt do Hội Doanh nhân VN tổ chức. Vốn mến mộ NSND Trần Nhượng từ lâu, hôm đó được gặp ông tôi vô cùng mừng rỡ! Tôi đã bày tỏ chân thật tình cảm này với ông và ngỏ ý rằng: tôi chưa từng được biểu diễn trên sân khấu phía Bắc và mơ ước một lần đạt được ước muốn này. Hôm đó, NSND Trần Nhượng chỉ nói rằng: cứ biết thế đã, nếu có dịp ông sẽ nhớ tới điều này. Và sau đó không ngờ tôi lại được làm việc với ông.
Vợ chông Long Nhật
|
NSND Trần Nhượng hiện là Chủ Nhiệm CLB Sân khấu Thử nghiệm- Hội NSSK VN, hẳn nhiênanh sẽ là đối tác phù hợp nếu anh muốn đầu tư cho một vở diễn mà mình sẽ là vai chính?
-Không, người gọi trước đặt vấn đề là NSND Trần Nhượng. Ông gọi cho tôi nói rằng ông muốn có một vở diễn kết hợp các loại hình nghệ thuật mà trong đó diễn viên chính phải hát được, diễn xuất được và có thể dành thời gian cho việc tập luyện và ông nhớ ra tôi. Ý tưởng của ông khiến tôi vô cùng sung sướng vì như tôi đã nói tôi đang mong ước được đứng trên sân khấu của thủ đô để thử sức mình. Và trong cuộc gặp gỡ với ông tại Hà Nội, ông đã gọi cho nhà viết kịch Chu Thơm. Ba anh em gặp nhau, các anh hỏi tôi có ý tứ gì cho ý tưởng của anh Nhượng không. Tôi kể cho các anh nghe về những biến cố trong sự nghiệp của tôi và các anh đã đọc qua tự truyện online và thống nhất sẽ viết kịch bản về giai đoạn sóng gió trong sự nghiệp mà tôi đã trải qua. Ngay hôm đó Nhà biên kịch Chu Thơm đã viết kịch bản văn học sau đó chuyển sang kịch bản sân khấu gồm bảy cảnh.
Chuyện kịch chủ yếu nhấn nhá vào tình tiết tạo ra sự gãy đổ sự nghiệp của anh và dừng lửng lơ ở đó có vẻ như mọi người đã chú trọng tới yếu tố gây… “hot” cho vở kịch, không rõ chuyện kịch có khác nhiều so với tự truyện online và đời sống thực mà anh đã trải qua?
-Để tạo tình huống cho kịch và đẩy các tình tiết đến mâu thuẫn cao trào tác giả đã thêm vào một số tình huống dẫn dắt chuyện kịch còn so với thực tế đời sống thì có nhiều chuyện còn kinh khủng và khắc nghiệt hơn nhiều so với những điều tôi đưa vào tự truyện online hay tác phẩm sân khấu. Tuy nhiên, cốt lõi của vở kịch thì vẫn giữ nguyên như việc tôi đam mê nghệ thuật, từ bỏ gia đình đi theo nghiệp cầm ca, bị hãm hại và gãy đổ sự nghiệp. Các tình tiết xúc động khác như được mẹ cho tiền vặt, cuộc chia ly với người yêu… đều đúng với thực tế đời sống nên tôi đã khóc nhiều trong khi diễn. Còn kết cục thì để ngỏ với sự yêu thương và niềm tin gia đình dành cho cùng sự vững vàng của nhân vật chính khi nói với bố và gia đình: “Con sẽ đứng dậy tại nơi con ngã”.
Cát- xê đặc biệt: có nhiều lấy nhiều, ít lấy ít không có thì thôi…
Một số bài báo bình luận rằng: anh đã khóc rất nhiều. Đó là cảm xúc thực sự mà anh không kìm giữ được hay anh phải rất vất vả với những màn diễn như vậy?
-Nếu bình thường trong cuộc sống tôi ít khi nhớ lại chuyện cũ mà khóc lóc nhưng khi lên sân khấu lại khác hẳn và tôi thường có cảm xúc rất mạnh, đặc biệt với những tình tiết có thực trong đời sống như cuộc chia li với người yêu hay tình cảm sâu nặng dành cho ba mình…Tuy vậy tôi đâu có được bộc lộ hết cảm xúc, đạo diễn đã chỉ cho tôi cách tiết chế bản thân và phải diễn xuất thế nào cho gần gũi và đúng như đời sống.
Là ca sĩ nổi tiếng, lại “bén duyên” sân khấu kịch từ lâu, ở vở diễn về cuộc đời mình anh đã gặp những khó khăn gì trong diễn xuất?
-Khó khăn nhất lại nằm ở chi tiết… tôi là một ca sĩ đã có bề dày về diễn xuất. Chính vì thế khi lên sân khấu kịch tôi hay có kiểu đi đứng và diễn xuất chau chuốt của một ca sĩ trong khi đạo diễn liên lục nhắc nhở đi đứng, diễn xuất sao cho đời nhất. Khi diễn lời thoại không được ngân nga do ảnh hưởng từ việc đi hát. Bộc lộ cảm xúc thì khóc nhiều quá cũng không được mà khóc ít quá cũng không được. Vở diễn lại kết hợp các loại hình biểu diễn nên tôi phải học diễn hình thể, phải học cách ngã mà ngã làm sao cho thật tự nhiên, ngã như ngã thật ngoài đời… Tuy vậy tôi vẫn luôn háo hức với từng đêm diễn. Tôi thích cảm giác được ngồi ở bàn trang điểm, được mọi người giúp hóa trang thay đồ trong khi bên ngoài khán giả đã đến đông nghẹt và tôi bị mọi người giục giã trở ra sân khấu…
Ca sĩ Long Nhật
|
Đạo diễn cho biết ông vẫn còn nợ tiền anh em do kinh phí của CLB dựa vào sự huy động đầu tư xã hội hóa, với vở kịch về cuộc đời mình anh sẽ đóng góp đầu tư thế nào hay sẽ nhận tiền cát- xê ra sao?
-Khi nhận lời ra Bắc tập kịch tôi đã gác các xuất diễn trong nam lại và nhận nhiều lịch ngoài Bắc hơn. Nhưng vì việc tập đòi hỏi sự tập trung nên ngay cả việc tập kịch ban ngày, tối đi hát tôi cũng không thực hiện được, mọi người nói: thôi, dẹp mấy việc hát hò lại để tập trung cho diễn xuất. Vì ai cũng muốn làm cho tốt để đi Liên hoan sân khấu nên có thể chưa ai nghĩ đến tiền thù lao nhưng nếu đi biểu diễn thì tùy vào từng đêm: nếu vở đông người xem, có nhiều tiền thì lấy nhiều, có ít lấy ít mà nếu không có thì thôi… (cười). Chúng tôi chỉ mong được mang vở đi phục vụ bà con, được khoe khả năng diễn xuất sau khi đoạt giải ở Liên hoan. Một tác phẩm, bên cạnh giải thưởng phải có đời sống trong lòng khán giả. Tôi nghĩ rằng, mối quan hệ giữa nhà hát, tác phẩm nghệ thuật, nghệ sĩ và công chúng là mối quan hệ gắn bó không thể tách rời.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!