Với các máy bay dưới âm, Mi-24 giao chiến khá tự tin. Ở Nicaragua, Mi-24 đã bắn hạ các tiêm kích Mỹ đồ cổ F-86 vốn từng đối địch với MiG-15 từ thời chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953, cũng như các cường kích hạng nhẹ А-37. Có tin (dĩ nhiên là không được xác nhận) Mi-24 của Iraq đã bắn rơi một cường kích А-10 của Mỹ tấn công đoàn xe tăng mà trực thăng Mi-24 bảo vệ.
Năm 1992, ở Abkhazia, Mi-24 đã dùng tên lửa chống tăng có điều khiển Shturm bắn rơi một cường kích Su-25 của Gruzia, còn vào tháng 12/1994, trong cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất, một chiếc Mi-24 đã dùng tên lửa R-63 bắn hạ một máy bay vận tải An-12 chở vũ khí và tiền bạc cho phiến quân.
Sự khủng khiếp đối với các máy bay vi phạm biên giới
Nhờ tốc độ của mình, Mi-24 bắt đầu được Liên Xô sử dụng để ngăn chặn các máy bay động cơ hạng nhẹ vi phạm biên giới. Mi-24 được huy động tích cực vào nhiệm vụ này sau vụ hạ cánh đầy tai tiếng của Mathias Rust trên Quảng trường Đỏ ngày 28/5/1987. Có thông tin về ít nhất 5 trường hợp Mi-24 đã buộc các máy bay vi phạm biên giới phải hạ cánh. Một lần, khi vào hạ cánh, một máy bay vi phạm tìm cách bỏ trốn, nhưng chiếc Mi-24 đã đuổi kịp, bay vượt lên trên và ép chiếc máy bay vi phạm xuống đất.
Tháng 5/2015, phóng viên kênh truyền hình Zvezda bay trên chiếc Cessna cùng loại như Rust đã tìm cách bay từ tỉnh Kaliningrad qua biên giới phía Tây của Nga về hướng Moskva để lặp lại “chiến công” của Rust. Nhưng chưa được một phút thì bên cạnh đã xuất hiện một chiếc Mi-24 và bằng dòng khí từ các cánh quạt đã thổi chiếc máy bay vi phạm mấy chục mét xuống phía mặt đất và buộc nó phải hạ cánh. “Giá như Rust mà gặp phải áp lực như thế thì anh ta chả chắc dám bay tiếp”, người phóng viên chia sẻ ấn tượng về chuyến bay.
Không dành cho kẻ yếu bóng vía
Một bảo bối khác của Mi-24 là tác động tâm lý đối với đối phương. Sự kết hợp của kích thước, tốc độ, bề ngoài dữ dằn và tiếng động đặc trưng tạo ra ấn tượng khó tả bằng lời. Những cảnh nổi tiếng trong phim Ngày tận thế (Apocalypse now) với chuyến bay của một tốp trực thăng UH-1 Iroquois trong nền nhạc của Wagner trông như điệu van-xơ của những con bướm khi so với cuộc tấn công của Mi-24. Không phải ngẫu nhiên mà các phiến quân Afghanistan đã nói: “Chúng tôi không sợ người Nga. Chúng tôi sợ trực thăng của họ”.
Thủy quân lục chiến Mỹ đã mua Mi-24 chỉ để huấn luyện binh sĩ điều trị “bệnh sợ trực thăng”. Ở Fort Polk, bang Lousiana, Mỹ có cả một đơn vị sử dụng Mi-24 để huấn luyện binh sĩ đối phó với cuộc tấn công của trực thăng. Người Mỹ thú nhận rằng, ngay cả những đơn vị đã qua huấn luyện với các trực thăng Mỹ trong những ngày huấn luyện đầu tiên cũng không có khả năng chịu nổi Mi-24. “Thứ này tấn công không giống các trực thăng Mỹ. Tất cả diễn ra bất ngờ. Sau đó, các bạn thậm chí ngạc nhiên là họ đã kinh hãi đến thế”, vị lãnh đạo các “khóa học” nói.
Trong con mắt kẻ thù
Vào giữa thập niên 1980, tình báo Mỹ đã kiếm được Mi-24 sau một điệp vụ bí mật. Phi công Mỹ Jeff Slayton đã nghiên cứu nó. Ông nhớ lại giây phút lần đầu tiên trông thấy chiếc trực thăng Liên Xô không phải trên trời mà ở mặt đất, trong chiếc hăng-ga tranh tối tranh sáng: “Đầu gối tôi run lên Ý nghĩ đầu tiên của tôi là: trông cũng ngon đây!”
“Nó bền bỉ như một máy kéo. Để nó vào nhà kho một năm, sau đó nạp điện cho các acquy, thế là các vị có thể bay. Với các trực thăng của chúng ta (Mỹ) thì không thể làm thế được. Còn khi bay, nó trầm ổn như một chiếc Cadillac đời 1962”, Steve Davidson, một phi công Mỹ khác từng bay Mi-24 kể lại.
“Nếu như tôi muốn bay trực thăng chỉ để giải trí thì không còn nghi ngờ gì nữa, Mi-24 sẽ ở đầu danh sách của tôi”, Slayton khẳng định.
Vẫn kiêu hãnh trong đội ngũ
Nga hiện đã có những trực thăng hiện đại hơn người lính già Mi-24. Ví dụ như Mi-28 là trực thăng chiến đấu có khả năng bảo vệ tốt hơn và hiệu quả hơn. Các động cơ của nó được tách rời và được che chắn bởi các bộ phận của cấu trúc trực thăng nên gần như không thể bắn hỏng đồng thời 2 động cơ. Mi-28 áp dụng nhiều cải tiến mới, ví dụ như khung càng hấp thụ va chạm để bảo toàn sinh mạng cho tổ lái khi hạ cánh gắt.
Buồng lái bọc giáp với kính chống đạn chịu được đạn 20 mm. Các lá cánh composite tiếp tục hoạt động kể cả sau khi trúng đạn 30 mm. Nhưng dù sao thì Mi-24 vẫn không bị loại khỏi trang bị mà tiếp tục được sản xuất ở Rostov trên sông Đông ở biến thể mới nhất của nó là Mi-35.
Vấn đề là ở chỗ Mi-28 là trực thăng hiện đại, đắt tiền và dành để tác chiến chống tăng. Nhưng đa số các nước phát triển không đủ tài lực để mua trực thăng dành cho chiến tranh hiện đại, mà đơn giản là cũng không cần. Còn để làm vũ khí cho các chiến dịch chống các đơn vị phiến quân thì không gì có thể hơn Mi-24 vừa tin cậy, hợp túi tiền và đã được kiểm nghiệm.
Vì thế mà nhiều nước trên thế giới tiếp tục quan tâm đến trực thăng này. Năm 2015, Nga đã ký các hợp đồng mới cung cấp Mi-24 cho Iraq, Syria, Afghanistan và Pakistan. Hơn nữa, chính Cơ quan An ninh liên bang Nga FSB cũng mua các trực thăng này. Bộ Quốc phòng Nga cũng tiếp tục mua sắm Mi-35.
Trực thăng của tương lai
Ngày 23/12/2015, tại trạm bay thử nghiệm của Nhà máy trực thăng Moskva mang tên M.L. Mil ở Tomlino, ngoại ô Moskva, trực thăng cao tốc thử nghiệm lần đầu tiên cất cánh. Đây không phải là sản phẩm mới và thậm chí không phải là mẫu chế thử của trực thăng tương lai mà là phòng thí nghiệm bay dùng để thử động cơ, hệ thống truyền động và các rotor dùng cho tốc độ bay khoảng 400 km/h. Maket của trực thăng này với tên gọi “Mẫu trình diễn trực thăng cao tốc tương lai” đã được giới thiệu tại triển lãm hàng không MAKS-2015. Và nay thì trực thăng này đã thực hiện chuyến bay đầu tiên.
Dưới bề ngoài mềm mại có nó dễ nhận thấy dáng vóc gồ ghề của Mi-24. Chính trên cơ sở Cá sấu huyền thoại đã chế tạo ra mẫu trực thăng có đặc tính khí động tuyệt vời này. Tiềm năng của chiếc trực thăng bay lần đầu tiên hơn 35 năm trước đến nay vẫn cho phép chế tạo dựa trên nó loại trực thăng thử nghiệm mới.
Theo VND