Khi nước Mỹ vừa trải qua những ngày băng giá với những trận bão tuyết dữ dội, các quan chức Lầu Năm Góc có thể an tâm rằng phi đội chiến đấu cơ của mình trên đường băng vẫn có thể hoạt động tốt. Đó là vì những cỗ máy này trước khi được bàn giao cho quân đội đã phải trải qua một "buồng tra tấn" độc đáo của không quân: Phòng thí nghiệm Thời tiết McKinley.
Cơ sở thí nghiệm có diện tích hơn 5.000 mét vuông này được xây dựng từ năm 1947, trong một nỗ lực nhằm tiến hành các thí nghiệm kiểm tra khả năng chịu đựng mọi điều kiện thời tiết của các máy bay quân sự Mỹ. Cơ sở này được xây dựng tại căn cứ không quân Eglin, một trong những vùng ấm áp nhất của nước Mỹ, ngay bên cạnh thành phố biển nổi tiếng Destin của Florida.
Phòng thí nghiệm này được đặt tên theo người đã đề xuất xây dựng nó, đại tá Ashley McKinley. Suốt 50 năm đầu tiên sau khi ra đời, phòng thí nghiệm này là buồng cách nhiệt lớn trên thế giới, nơi kiểm nghiệm 300 mẫu máy bay khác nhau, từ máy bay ném bom B-29 cho tới F-22, F-16, cùng 2.000 loại khí tài, trang bị, đạn dược, phương tiện khác của quân đội.
Phòng thí nghiệm sắp bước sang tuổi 70 này cũng thường xuyên được cải tạo, nâng cấp để có thể thực hiện các bài kiểm tra khác nhau, từ khả năng sinh tồn của binh sĩ trong thời tiết lạnh giá, cho tới các ngưỡng chịu nhiệt của các khí tài quân sự.
Nhiệt độ bên trong phòng thí nghiệm McKinley có thể dao động từ -51 độ tới 71 độ C, nhờ các máy làm lạnh công nghiệp công suất lớn và các buồng đun dùng gas. Với nhiều thiết bị hiện đại khác, các kỹ sư có thể mô phỏng bất cứ điều kiện thời tiết nào, từ mưa gió và độ ẩm cực cao ở vùng nhiệt đới, bão bụi ở sa mạc cho đến băng giá, tuyết rơi ở vùng ôn đới.
Máy tạo tuyết kiểm nghiệm khả năng chịu nhiệt độ cực thấp của máy bay.Ảnh:Militarynews |
Tùy thuộc vào các điều kiện thử nghiệm, các nhà sản xuất vũ khí Mỹ sẽ phải thuê phòng thí nghiệm này để kiểm nghiệm khả năng chịu đựng thời tiết của sản phẩm với giá 10.000-30.000 USD mỗi ngày. Mặc dù chi phí kiểm nghiệm cao, đây là bước không thể thiếu được để phát hiện các lỗi trên máy bay chiến đấu và phương tiện quân sự trước khi đem ra vận hành.
Các thử nghiệm tại đây có thể cho thấy động cơ máy bay có gặp nguy hiểm khi hút vào một chùm băng tuyết trong điều kiện rất lạnh, hay hệ thống điều khiển của chiến đấu cơ có gặp trục trặc trong thời tiết rất nóng hay không.
Những máy bay này sẽ thực hiện các hoạt động khác nhau, chẳng hạn như vận hành dưới luồng hơi cực nóng để kiểm tra hệ thống kiểm soát nhiệt độ và khả năng làm nguội của các bộ phận.
Kevin Cogan, kỹ sư cấp cao tại phòng thí nghiệm, giơ ra bức ảnh một chiếc tiêm kích F-16 phủ đầy băng giá cùng một cánh quạt động cơ bị cong khi bị "tra tấn" bằng băng tuyết nhân tạo. "Đó là lý do chúng tôi phải tiến hành những thí nghiệm này", Cogan nói.
Các máy bay chiến đấu hiện đại khác của Mỹ như tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35, Chim ăn thịt F-22 Raptor hay Chim ưng biển V-22 Osprey đều phải trải qua những cuộc kiểm tra thời tiết tương tự. Phòng thí nghiệm McKinley là nơi duy nhất họ có thể thực hiện những bài kiểm nghiệm này vào bất cứ thời điểm nào trong năm.
Bài kiểm tra khả năng chịu giá lạnh của chiến đấu cơ Mỹ.Ảnh:Militarynews |
Các nhà sản xuất vũ khí nước ngoài cũng mang chiến đấu cơ của mình tới kiểm nghiệm ở McKinley, và các hãng sản xuất máy bay dân dụng cũng vậy. Trong 10 năm qua, các mẫu máy bay hiện đại như Boeing 787 Dreamliner hay Airbus A350 đều phải trải qua các màn "tra tấn" trong căn phòng khổng lồ này.
Ngoài phòng thử nghiệm chính, McKinley còn có các phòng nhỏ để thử nghiệm sức chịu đựng của các loại động cơ và các phương tiện quân sự như xe tăng, xe bọc thép, cùng khả năng hoạt động của các loại đạn dược trong điều kiện nhiệt độ khác nhau.
Theo các chuyên gia, những phòng thí nghiệm như McKinley đã giúp Mỹ duy trì vị thế là nhà sản xuất các hệ thống vũ khí đáng tin cậy nhất thế giới, có thể hoạt động một cách bền bỉ trong dải nhiệt độ và điều kiện thời tiết rộng.
Theo Vnexpress