|
Hé lộ bức tranh lợi nhuận ngân hàng 2024 |
Loạt ngân hàng về đích sớm
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) mới đây đã công bố lợi nhuận trước thuế 11 tháng năm 2024 đạt hơn 7.100 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, cả năm 2024, lợi nhuận của ngân hàng sẽ tăng 34% so với năm trước, đạt gần 5.600 tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank, HoSE: NAB) cũng cho biết lợi nhuận 11 tháng năm 2024 của ngân hàng này đã đạt hơn 4.100 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm.
Với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB), kết quả còn ấn tượng hơn. Ước tính quý IV/2024, lợi nhuận trước thuế đã đạt khoảng 4.600 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ. Cả năm 2024, lợi nhuận ước đạt hơn 12.700 tỷ đồng, không chỉ cao hơn kế hoạch kinh doanh năm mà còn lập đỉnh lịch sử.
Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank, HoSE: HDB) cũng công bố tới các nhà đầu tư rằng kế hoạch lợi nhuận 15.852 tỷ đồng của năm 2024 sẽ được vượt qua, dự kiến có thể trên 16.000 tỷ đồng. Trước đó, HDBank đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế tới 12.655 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2024, tăng 47% so với cùng kỳ và hoàn thành 80% kế hoạch năm.
Với nhóm “Big 4”, các kết quả ước đoán cũng khá ấn tượng. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng trưởng 8% so với năm trước.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) ước tính tổng tài sản sẽ vượt mức 2,6 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2024. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) dự kiến tổng tài sản đạt gần 2 triệu tỷ đồng, quy mô tín dụng vượt 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước.
Còn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) ước định quy mô tài sản sẽ là hơn 2,3 triệu tỷ đồng khi hết năm 2024, tăng gần 15% so với năm trước.
Hiện chưa tới kỳ báo cáo kết quả kinh doanh 2024 nhưng tính tới quý III/2024, cả hai nhà băng BIDV và VietinBank đều có những tín hiệu tích cực về kết quả kinh doanh.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý III/2024 của BIDV đạt 6.498 tỷ đồng, tăng 10% so với quý 3/2023. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế ngân hàng đạt 22.047 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Trong khi VietinBank, lợi nhuận trước thuế quý III/2024 đạt 6.553 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận ngân hàng là 19.513 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Đây được xem là tiền đề để kỳ vọng về kết quả kinh doanh tích cực của BIDV và VietinBank trong năm 2024.
Theo ước tính của Công ty Chứng khoán MB (MBS), năm nay lợi nhuận ngành ngân hàng dự báo tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Đơn vị nghiên cứu dự báo một số ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng như OCB, TPBank và VPBank, một phần do mức nền so sánh thấp của năm trước khi chịu tác động bởi trích lập dự phòng cao. VietinBank và Techcombank là hai ngân hàng có quy mô lớn được kỳ vọng sẽ có mức tăng khả quan hơn so với các ngân hàng cùng quy mô.
Lợi nhuận ngân hàng có tiếp tục đi lên trong 2025?
Năm 2025, các đơn vị nghiên cứu đánh giá lợi nhuận ngân hàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng do tác động của nhiều yếu tố.
Cụ thể, tín dụng 2025 được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp. Tín dụng bán lẻ tăng tốc với lực đẩy từ hoạt động kinh doanh, tiêu dùng và vay mua nhà nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản. Trong khi đó, tín dụng bán buôn duy trì ổn định nhờ hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
Biên lãi thuần (NIM) được kỳ vọng sẽ gia tăng. Tiềm năng mở rộng NIM lớn nhất thuộc về các ngân hàng tư nhân có thế mạnh về bán lẻ và CASA (tiền gửi không kì hạn), có chất lượng tài sản tốt, tệp khách hàng có khả năng trả nợ và phục hồi nhanh chóng.
Mặt khác, tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/doanh thu) được dự báo sẽ giảm nhẹ so với năm 2024, do tác động của chuyển đổi số, đổi mới quản trị. Điều này sẽ củng cố cho khả năng sinh lời của ngành ngân hàng.
Ngoài ra, điểm tích cực khác là bức tranh nợ xấu có dấu hiệu tốt. Theo đó, nợ xấu được cho là đã đạt đỉnh ở giai đoạn hiện tại và khó lòng tăng thêm do 3 yếu tố.
Một là tín dụng thường tăng đột biến vào cuối năm, trong khi nợ xấu hình thành trong quý IV thường thấp. Hai là các ngân hàng thường đẩy mạnh trích lập xoá nợ xấu trong quý IV. Ba là Thông tư 53 cùng Quyết định 1510/QĐ-TTg cho phép giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khách hàng chịu thiệt hại do bão Yagi giúp giảm mức độ gia tăng nợ xấu và áp lực trích lập cho các ngân hàng.
Đó là chưa kể tỷ lệ nợ tái cơ cấu chuyển thành nợ xấu hậu Thông tư 02 cũng được cho là sẽ ở mức thấp. Những diễn biến này đồng nghĩa với việc nợ xấu có thể cải thiện đáng kể trong năm 2025, dù cho áp lực trích lập dự phòng với một số ngân hàng vẫn còn ở mức cao.
Bởi vậy, các bên nghiên cứu tỏ ra khá lạc quan khi đánh giá triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng năm 2025. Chẳng hạn như Công ty Cổ phần Chứng khoán Á Châu (ACBS) nhìn nhận lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng 14,9% trong năm 2025. Trong đó, các ngân hàng tư nhân năng động có thể tăng trưởng tới 20%, theo sau là nhóm “Big 4” với khả năng tăng trưởng 12%, còn các ngân hàng quy mô nhỏ sẽ tăng trưởng 8%.
Các chuyên gia của Maybank Investment Bank thậm chí còn dự đoán tổng lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết sẽ tăng tới 19% trong năm 2025. VPBank, Techcombank, HDBank, MBank, Sacombank được đánh giá là các ngân hàng có hiệu suất tốt nhất về tăng trưởng lợi nhuận 2025.
Tất nhiên, năm 2025 vẫn còn những biến số có thể tác động tới lợi nhuận của ngành ngân hàng. Nhưng về cơ bản, các biến số ấy chỉ có thể làm giảm bớt mức tăng chứ hầu như không thể tạo ra một kết quả trái ngược.