Căn cứ vào sức mua (PPP) và theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong năm 2014, Trung Quốc tạo ra nhiều của cải hơn Mỹ để trở thành siêu cường kinh tế số 1 của thế giới.
Không một ai nghi ngờ là Trung Quốc đang trên đà qua mặt nước Mỹ để trở thành nền kinh tế số 1 toàn cầu. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian. Các dự báo trước đây nêu lên những cột mốc cho sự thay ngôi đổi vị đó là vào năm 2017, 2019 hay 2025, 2030. Nhưng bất ngờ, theo phương pháp tính toán của IMF dựa trên sức mua PPP, năm 2014 là “năm lịch sử”: Trung Quốc giàu hơn Mỹ, với tổng sản phẩm nội địa GDP toàn năm lên tới 17,6 ngàn tỷ USD. Trong lúc GDP của Mỹ trong năm 2014 chỉ đạt 17,4 ngàn tỉ USD. Tính về trọng lượng, Trung Quốc chiếm 16,5% GDP toàn cầu, Mỹ chỉ là 16,3%.
Việc Trung Quốc tạo ra nhiều của cải nhất, dù là tính theo sức mua tương đương, nhưng điều đó cũng đủ để phản ánh sức mạnh của kinh tế Trung Quốc, và kèm theo đó là sức mạnh chính trị của nước đông dân nhất hành tinh. Thực tế cho thấy châu Âu và Mỹ không còn đủ trọng lượng để làm mưa làm gió trên bàn cờ kinh tế và thương mại thế giới.
|
Bên cạnh chỉ số này còn phải xét đến sức mạnh của một quốc gia về phương diện tài chính, tiền tệ, khả năng kỹ thuật, về sức mạnh của các doanh nghiệp. Mà sức mạnh của các doanh nghiệp luôn được đo lường qua năng suất lao động, qua khả năng sáng tạo.
Theo Boillot, Trung Quốc chưa hội tụ được tất cả những điều kiện vừa nêu. Trung Quốc hiện có một đội ngũ nhân công khoảng 800 triệu người mà không sản xuất ra nhiều của cải hơn so với 160 triệu người lao động ở Mỹ. Năng suất lao động của Trung Quốc chỉ bằng từ 20 đến 25% so với Mỹ.
Tuy nhiên cách tính theo PPP có những giới hạn. Trong báo cáo gần đây nhất được công bố từ tháng 10-2014, IMF quy định rõ phương pháp tính toán của mình. Theo đó, khi đo lường GDP bằng sức mua tương đương, có nghĩa là IMF xem xét xem, cùng với một số tiền, một người Mỹ mua được những gì và một người tiêu dùng ở Trung Quốc mua được nhiều hơn hay ít hơn so với một công dân ở Mỹ.
Đơn giản là vì giá cả ở Trung Quốc và Mỹ không như nhau. Điều đó có nghĩa là thu nhập của một công nhân Trung Quốc tuy thấp hơn so với của một người lao động ở Mỹ nhưng chưa chắc là mãi lực của người dân ở Trung Quốc thấp hơn so với một công dân ở Mỹ.
Thứ nhì, nếu không tính theo sức mua PPP mà chỉ căn cứ vào tổng sản phẩm nội địa danh nghĩa – gồm giá thị trường của tất cả các khoản hàng hóa, dịch vụ cùng được sản xuất ra trong phạm vi của một quốc gia trong một năm, và dựa vào tỷ giá hối đoái của thời điểm năm 2014 thì GDP của Mỹ còn cao hơn so với của Trung Quốc đến 70%.
Thứ ba là thu nhập bình quân đầu người, dù với GDP gần xấp xỉ như nhau nhưng dân số của Trung Quốc lại đông gấp 4 lần so với Mỹ. Do vậy thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc chỉ bằng 1/4 so với ở Mỹ. Nhìn từ góc độ thu nhập bình quân đầu người, Trung Quốc tuột xuống hạng thứ 89 trên thế giới, trong lúc Mỹ đứng hàng thứ 10 trong bảng xếp hạng mà Qatar là nước dẫn đầu.
Tăng trưởng kinh tế đi xuống trong hai quý liên tiếp. Nhiều nhà bình luận coi đây là một thất bại của thuyết Abenomics, thế nhưng theo phân tích của nhà nghiên cứu Evelyne Dourille Feer thì đánh giá như vậy là bất công. Bằng chứng rõ rệt nhất là ông Abe dễ dàng đắc cử trong đợt bầu cử Quốc hội trung tuần tháng 12/2014.
Trong hai năm qua, tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản đã giảm từ 8 xuống còn 5%. Không những thế, 820.000 phụ nữ đã gia nhập thị trường lao động kể từ khi ông Abe lên cầm quyền. Đối với bà Dourille Feer, chính sách Abenomics khá thành công, khó khăn năm nay xuất phát từ “hiệu ứng VAT” khi chính phủ tăng thuế trị giá gia tăng từ 5 lên thành 8%.
Trong chính sách kinh tế của ông Abe có 3 mũi tên: mũi tên thứ nhất là dùng ngân sách nhà nước để tiếp sức cho guồng máy kinh tế. Mũi tên thứ nhì là huy động Ngân hàng Trung ương tiếp tay để chấm dứt tình trạng giảm phát tai hại. Mũi tên thứ ba là cải tổ sâu rộng cơ cấu của cả một nền kinh tế Nhật Bản.
Chính mũi tên thứ ba này mới là khâu quan trọng nhất, vì nó sẽ tạo ra nền tảng để kinh tế Nhật được phát triển một cách ổn định và tăng trưởng lâu bền. Nhưng đây cũng là khâu khó thực hiện nhất. Nói đúng hơn, mũi tên này đòi hỏi thời gian từ 3 đến 5 năm mới đem lại kết quả mong muốn. Nhìn trong ngắn hạn phải công nhận là chính sách kinh tế của ông Abe đã thành công vượt bậc trong năm tài khóa 2013, tức là cho đến hết tháng 3/2014.
Trong thời gian từ cuối tháng 3/2013 đến cuối tháng 3/2014, GDP của Nhật tăng 2%. Tỷ lệ đó đủ để khiến nhiều nước công nghiệp phát triển phải ganh tị. Trong cùng thời kỳ, Nhật Bản đã thoát khỏi giảm phát. Nhưng đúng là trong tài khóa 2014 – tức là kể từ đầu tháng 4/2014 kinh tế Nhật bắn đi nhiều tín hiệu trái ngược nhau. Tác động do việc Nhật Bản tăng thuế VAT ảnh hưởng mạnh đến tăng trưởng của quốc gia này.
Các nhà sản xuất trong thế chờ đợi, và họ dời lại các dự án đầu tư. GDP giảm liên tục trong hai quý và nhiều người nói tới một sự suy thoái. Nhưng cũng phải nói là bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi, xuất khẩu bị chựng lại. Sau cùng, nếu chúng ta nhìn vào tỷ lệ tăng trưởng thực sự, tức là không tính đến yếu tố lạm phát trong đó, thì kinh tế Nhật Bản không giảm sụt như báo chí thường nói.
Vào những tuần lễ cuối của năm 2014, kinh tế Nga càng thêm khó khăn. Đồng rúp có lúc mất giá chỉ còn có 50% so với hồi đầu năm. Lạm phát lên tới gần 12%. Hàng nhập thậm chí tăng giá 30%. Trong lúc giá dầu hỏa đang từ 100 USD rơi xuống còn khoảng 60 USD một thùng. Dầu hỏa chiếm đến 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga. Thêm vào đó là tác động từ các biện pháp trừng phạt kinh tế do Âu Mỹ áp đặt.
Theo chuyên gia kinh tế Julien Vercueil, đây là một cuộc khủng hoảng tài chính và tiền tệ. Đồng rúp mất giá ảnh hưởng trước tiên tới các ngân hàng, tới các hoạt động và thị trường tài chính của nước Nga. Tức là toàn bộ hệ thống tài chính của Nga bị tác động. Đồng thời, đồng rúp mất giá ảnh hưởng trực tiếp tới mãi lực của các hộ gia đình, của tư nhân, tới chính sách đầu tư của khu vực sản xuất… tức là ảnh hưởng tới cỗ máy kinh tế, tới tỷ lệ tăng trưởng của Nga.
Bên cạnh đó thì từ nhiều năm nay, bản thân nền kinh tế của Nga đã có nhiều bất cập về mặt cơ cấu. Một trong những vấn đề chính của Nga là thiếu đầu tư vào khu vực sản xuất. Từ năm 1999 đến 2008, kinh tế Nga đã ổn định và tăng trưởng một cách khá ngoạn mục.
Thế nhưng, Nga đã không nắm bắt lấy cơ hội đó để hiện đại hóa guồng máy sản xuất, không đầu tư để nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh. Do vậy khi vấp phải những khó khăn nhất thời như hiện tại thì rất dễ bị động.
Các dự đoán kinh tế cho thấy Nga sẽ suy thoái trong năm 2015 và khi kinh tế Nga rơi xuống thấp như trong những tháng cuối năm nay, thì không khó để bật dậy. Và nếu như kinh tế Nga khởi sắc trở lại trong hai năm nữa, như điều Tổng thống Putin đã hứa hẹn, thì phép lạ đó có được là nhờ vào những yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như giá dầu tăng vọt, dòng tiền đổ vào nước Nga…
Tựu trung lại, kinh tế thế giới trong năm 2014 đã bắn đi một vài tín hiệu khả quan nhưng vẫn còn đầy rẫy những lo âu.