|
Bom FAB-500M-62 trang bị bộ công cụ UMPC. Ảnh: Topwar. |
"Bom lượn thông minh" là loại bom trọng lực cũ do Liên Xô sản xuất, được lắp đặt thêm mô-đun điều chỉnh đường bay và lập kế hoạch chung (UPMC), bao gồm hệ thống dẫn đường, cánh lượn, vây điều khiển, cho phép máy bay chiến đấu Nga thả bom từ khoảng cách xa để tấn công các vị trí quân sự của Ukraine.
Những loại bom này được gọi là FAB-250, FAB-500 và FAB-1500, con số hiển thị trọng lượng bom tương ứng tính bằng kilogram.
Thông tin từ các nguồn mở trên truyền thông Nga cung cấp những dữ liệu chưa được xác nhận về mô-đun UPMC. UMPC bao gồm một bộ cánh gấp, hệ thống điều khiển đường bay Comet-M, thân thiết bị, vây lái, các điểm và phụ kiện gắn vào bom, một số bộ phận phụ trợ khác.
Mô-đun UMPC, kết hợp với thiết bị ngắm phóng bom chuyên dụng SVP-24 "Hephaestus" cho phép lập trình tự động đường bay và điểm phóng bom. Đường bay của bom được điều chỉnh bằng hệ thống dẫn đường quán tính (INS), kết hợp hiệu chỉnh bằng hệ thống định vị vệ tinh Glonass/GPS.
Mô đun UMPC cung cấp đường bay của bom đạt từ 35 đến 85 km. Độ chính xác trong bán kính 10 mét. Mô-đun UMPC có sải cánh 2 mét đối với bom FAB-500. Độ cao thả bom từ 200−10.000 mét. Tốc độ của máy bay từ 900−1100 km/h.
Oleh Synyehubov, thống đốc khu vực Kharkov của Ukraine cho biết Nga đang tập trung sử dụng bom lượn trong các cuộc không kích vào vùng tiền tuyến này. Ông Synyehubov nói: “Nếu lấy tình huống cách đây 10 tháng, đối phương hiếm khi sử dụng bom dẫn đường. Hiện nay, vũ khí này được ưu tiên".
Theo Viện nghiên cứu chiến tranh Mỹ (ISW), phát ngôn viên Nhóm Chiến binh Lực lượng Tavriisk Ukraine, đại úy Dmytro Lykhovyi nói rằng, Nga đã sử dụng bom dẫn đường hạng nặng FAB-1500 trong hàng loạt cuộc không kích gần đây.
ISW lưu ý, các thành viên cộng đồng blog quân sự Nga bình luận, bom lượn cho phép không quân Nga tiến công vào sâu trong hậu phương chiến trường của đối phương. Hiện nay Nga đang sản xuất bom lượn dẫn đường FAB-1500-M54 với quy mô lớn và tăng cường sử dụng loại bom này trên tiền tuyến.
Konrad Muzyka, giám đốc công ty tư vấn quốc phòng Rochan, có trụ sở tại Ba Lan, trong một cuộc nói chuyện với Washington Post nhấn mạnh, Nga hiện tiến hành tới 100 cuộc không kích bằng bom lượn dẫn đường chính xác mỗi ngày. Theo ông, kho vũ khí của Liên Xô trước đây rất lớn và Nga có thể sử dụng những loại bom cũ này trong thời gian dài.
Ukraine cũng có trong biên chế bom lượn thông minh, loại JDAM do Mỹ sản xuất, nhưng có thông tin cho biết, các đơn vị tác chiến điện tử của Nga có thể đánh chặn được loại bom này và làm lệch hướng bay của chúng.
Các nhà phân tích quân sự Mỹ trong cuộc phỏng vấn với trang Thời báo New York nhận định, các hệ thống phòng không hiện nay rất khó đánh chặn bom lượn của Nga vì thời gian bay trên không tương đối ngắn và kích thước nhỏ.
Valery Romanenko, chuyên gia về không quân và các hệ thống vũ khí trang bị đường không của Học viện Hàng không Kyiv, trả lời phỏng vấn trang Tiếng nói mới của Ukraine giải thích: “ Bom cũ do Liên Xô sản xuất sẽ được lắp đặt thêm mô-đun UPMC với hệ thống Comet-M, được sử dụng để hiệu chỉnh đường bay bằng tín hiệu vệ tinh Glonass/GPS, cho phép tấn công mục tiêu với độ chính xác cao”.
Các chuyên gia phân tích của trang Defense Express lưu ý, khi được trang bị các mô-đun UMPC, bom được thả trên khoảng cách đến mục tiêu là 60-65 km. Tầm xa tối đa có thể đến 70-80 km với hai loại bom FAB-250 và FAB-500.
Nhóm bình luận quân sự của Defense Express lưu ý, FAB-1500 là loại bom lượn lớn nhất của Nga, có sức công phá đặc biệt lớn. Đây là loại bom có lượng thuốc nổ lên tới 675 kg, vụ nổ tạo ra các hố bom có bán kính 20-25 mét, sâu 6 mét. Bom FAB-1500 khi phát nổ sẽ tạo ra vùng sát thương phá hủy rộng lớn, bán kính mức sát thương phá hủy nghiêm trọng đạt xấp xỉ 70 mét, mức sát thương trung bình 140-150 mét, sát thương nhẹ 300-350 mét.
Kênh Telegram Fighterbomber của Nga đưa tin, Nga đã phát triển bộ UMPC với tầm bay của FAB-1500 tăng lên và đạt được sai số vòng tròn CEP là 5 mét.
Theo Business Insider