Tham dự lễ ký có Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT&TT: Nguyễn Minh Hồng và Hoàng Vĩnh Bảo, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền Trương Ngọc Nam, cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ TT&TT và Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Theo đó, Bộ TTTT và Học viện Báo chí sẽ hợp tác trên 3 lĩnh vực:
Thứ nhất là về đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng chương trình tài liệu bồi dưỡng chuyên ngành báo chí và xuất bản; trao đổi học thuật, kinh nghiệm và hợp tác trong giảng dạy; xây dựng các chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.
Thứ hai là hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, phối hợp tham gia nghiên cứu các đề tài, chương trình, dự án trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.
Cuối cùng là về cung cấp dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng, phối hợp tổ chức triển khai các hội nghị, hội thảo, bồi dưỡng trong nước và quốc tế trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên; hỗ trợ và hợp tác với Học viện trong việc tổ chức, quản lý các khóa đào tạo cử nhân chính trị, ngoại ngữ tin học.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định: Trong bối cảnh hiện nay, quản lý nhà nước về hoạt động báo chí – truyền thông, xuất bản cũng như thông tin đối ngoại đòi hỏi phải nâng cao tính chủ động và theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các loại hình truyền thông xã hội.Nhận thức được điều đó, trong những năm qua, Bộ TT&TT đã xây dựng Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 và đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua.
Bộ trưởng nhận định, mặc dù đội ngũ phóng viên, biên tập viên báo chí, xuất bản nước ta hiện nay ngày càng trẻ hóa và được đào tạo chính quy và nhiều người yêu nghề, luôn có ý thức phấn đấu vươn lên không ngừng để trở thành những nhà báo vững vàng về chính trị, có chuyên môn giỏi, đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng cao. Tuy nhiên, hạn chế phổ biến nhất của đội ngũ cán bộ, phóng viên báo chí, xuất bản nước ta hiện nay là tỷ lệ thành thạo ngoại ngữ chưa cao, số phóng viên giỏi chưa nhiều, phần nhiều số phóng viên giỏi có tiếng đã chuyển sang làm công tác quản lý bên cạnh đó một số phóng viên trẻ nhiệt tình, xông xáo lại chưa đủ sắc sảo, vốn sống còn hạn chế nên thường gặp một số trở ngại và khó khăn khi tác nghiệp.
Vì vậy, theo Bộ trưởng, việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại cũng như đội ngũ làm công tác thông tin cơ sở và đội ngũ tác nghiệp trực tiếp trong các lĩnh vực này là hết sức quan trọng và cần thiết.
Vậy nên thỏa thuận khung về hợp tác giữa Học viện Báo chí và Tuyên truyền với Bộ TT&TT trong lĩnh vực báo chí và xuất bản giai đoạn 2016 – 2018 sẽ là cách tận dụng mọi nguồn lực và điều kiện tốt phục vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phóng viên, biên tập viên.Việc ký kết thỏa thuận hợp tác này sẽ tận dụng thế mạnh của hai bên, đồng thời cũng tạo ra một động lực mới thúc đẩy hơn nữa trong hoạt động nghiên cứu và giảng dạy của các cơ sở đào tạo của hai bên
Về phía học viện, GS. TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ: Thỏa thuận được ký kết giữa hai đơn vị không chỉ là sự hợp tác nhằm hỗ trợ, giúp đỡ trong công tác đào tạo những người làm báo mà chính là trách nhiệm của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.Tôi mong rằng quá trình hợp tác sẽ mang lại hiệu quả thực sự, đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển hợp tác đã đi vào chiều sâu giữa Bộ TT&TT với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Tại buổi lễ, hai bên cũng đã nhất trí cao trên cơ sở khung chung của Biên bản Thỏa thuận hợp tác này, các đơn vị thuộc Bộ và Học viện Báo chí và Tuyên truyền sẽ tiếp tục cùng trao đổi và thỏa thuận để chi tiết hóa các hoạt động hợp tác chuyên sâu hơn nữa trên nguyên tắc hiểu biết lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi.