|
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cảnh báo: nếu Nga tấn công Ukraine, 15 Nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine sẽ lâm vào tình trạng nguy hiểm (Ảnh: QQ). |
Sau khi “Cuộc gặp gỡ Biden-Putin” ngày 7/12 kết thúc, tình hình quan hệ Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, thay vào đó, Ukraine đã phát hiện thấy những dấu hiệu có vẻ họ sắp bị phương Tây bỏ rơi. Trong lúc khẩn cấp, Ukraine gần đây đã thường xuyên tìm kiếm sự hỗ trợ từ Mỹ và châu Âu, thậm chí sử dụng các nhà máy điện hạt nhân và người tị nạn như một con bài để ép buộc châu Âu.
Theo một tin trên trang web Politico của Mỹ ngày 13/12, trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại cuối tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói với phóng viên Paul McClary rằng nếu quân đội Nga "xâm lược" Ukraine, sẽ dẫn đến việc 5 triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa của họ đi tị nạn và 15 nhà máy điện hạt nhân ở nước này cũng sẽ ở trong tình trạng nguy hiểm.
|
Ông Oleksii Reznikov, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine (Ảnh: QQ). |
Ông Reznikov cho rằng hiện có khoảng 100.000 quân Nga được triển khai ở biên giới Ukraine, rải từ Crimea ở phía nam đến biên giới Belarus ở phía tây bắc, mục đích là để phân tán sự chú ý của quân đội Ukraine. Ông nói: “Đây là một cách bố trí phân tán lực lượng để họ có thể sử dụng pháo binh, xe tăng và sức mạnh không quân áp đảo để tấn công từ nhiều mặt trận cùng một lúc", " buộc chúng tôi phải cùng lúc ứng phó với nhiều trường hợp khẩn cấp."
Nhưng ông Reznikov cho rằng cuộc tấn công của Quân đội Nga sẽ không thuận buồm xuôi gió. Ông nói rằng “bất kỳ cuộc xâm lược nào đều là một thảm họa cho cả hai bên, không chỉ sẽ tạo ra tới 5 triệu người tị nạn Ukraine, mà gây thương vong số lượng lớn cho cả hai bên”.
Ông cũng cảnh báo Tổng thống Nga Putin rằng “đây sẽ là máu của người Ukraine, cũng sẽ là máu của người Nga. Rất nhiều binh sĩ Nga sẽ về nhà trong quan tài. Facebook và các trang mạng xã hội khác sẽ cho thấy tình trạng này”.
Bài viết của Politico đề cập rằng chính quyền Kiev đặc biệt quan tâm đến sự an nguy của 15 nhà máy điện hạt nhân của Ukraine vì chúng cung cấp khoảng một nửa năng lượng của Ukraine. Về vấn đề này, ông Reznikov chỉ ra rằng bất kỳ vụ giao tranh nào ở trên lãnh thổ Ukraine cũng sẽ khiến các nhà máy điện hạt nhân này ở trong tình trạng nguy hiểm. Ông mô tả “mỗi nhà máy này giống như một quả bom hạt nhân, có thể khiến người dân châu Âu đối mặt với thảm họa giống như Chernobyl hay Fukushima”; “Một khi các nhà máy điện hạt nhân này phát nổ đồng thời, châu Âu sẽ trở thành hoang mạc”.
|
Mỹ xác nhận đã viện trợ 180 tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine (Ảnh: Sina). |
Ông Reznikov cũng cảnh báo với châu Âu rằng Ukraine không phải là "mục tiêu cuối cùng của Putin" mà là "một ô vuông trên bàn cờ cho những tham vọng lớn hơn của Nga". Với tư cách là “trung tâm địa lý của châu Âu”, nếu Ukraine bị Nga “xâm lược” thì chiến tranh sẽ lan rộng ra toàn châu Âu chứ không chỉ ở Ukraine. Ông cho rằng “Putin không quan tâm lắm đến bản thân Ukraine, mục tiêu của ông ấy là thể hiện sức mạnh của Nga với châu Âu”.
Đây không phải là lần đầu tiên một quan chức Ukraine đưa ra những lời lẽ tương tự. Vào ngày 10/12, đại sứ Ukraine tại Vương quốc Anh, Vadym Prystaiko, khi trả lời phỏng vấn chương trình GB News của Hãng truyền hình Anh BBC đã cảnh báo rằng: "Cuộc xâm lược của Nga có thể dẫn đến thảm họa hạt nhân như Chernobyl. Hậu quả của nó sẽ vượt rất xa ngoài Ukraine”.
Ông Prystaiko chỉ ra rằng xung đột sẽ gây ra số người chết rất lớn và sẽ tạo ra một số lượng lớn người tị nạn có thể lan sang các nước khác. Trên thực tế, vì cuộc xung đột đang diễn ra với Nga, 1,5 triệu người đã phải di dời ở trong nước Ukraine. "Tất cả mọi người đều có thể thấy điều này". Tổng dân số của Ukraine hiện có khoảng 40 triệu người, nếu nổ ra chiến tranh thì thảm họa sẽ rất lớn.
Ông Prystaiko cũng tuyên bố rằng: “Số lượng lò phản ứng hạt nhân của Ukraine chỉ đứng sau nước Pháp và những lò phản ứng này có thể tạo ra nhiều điện hơn tổng sản lượng điện hiện tại của Ukraine. Vì vậy, nếu có bất cứ điều gì bất trắc xảy ra, thì tất cả chúng ta đều sẽ nhớ đến Chernobyl. Tôi không muốn sử dụng những từ ngữ cường điệu như ‘Thế chiến III’". Ông nói thêm: "Nhưng nếu có chuyện lớn xảy ra, chúng tôi sẽ chiến đấu đến chết."
Giới phân tích chỉ ra rằng Ukraine hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vũ khí trầm trọng, thậm chí Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cũng không nín chịu được khi công khai chỉ trích chính sách cấm vận vũ khí mà cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel áp đặt. Đồng thời, Tổng thống Mỹ Joe Biden liên tiếp bày tỏ “Mỹ không có nghĩa vụ gửi quân đến bảo vệ Ukraina” và cũng sẽ không gửi quân đến Ukraina để ngăn chặn sự “xâm lược” của quân đội Nga. Những yếu tố này khiến chính quyền Kiev rất lo sợ, vì vậy họ hy vọng sẽ dọa nạt cử tri ở các nước phương Tây bằng cách cường điệu các vấn đề như người tị nạn, thảm họa hạt nhân và "sự hy sinh dũng cảm" của người Ukraine, đồng thời thúc giục họ gây áp lực lên chính phủ nước mình để cung cấp cho Ukraine viện trợ quân sự nhiều hơn.
Cách đây không lâu, một số tướng lĩnh Ukraine thậm chí còn tung hô rằng sẽ chiến đấu với quân đội Nga đến giọt máu cuối cùng, thậm chí vào giờ phút cuối cùng, họ sẽ để những người dân thường cầm vũ khí quyết chiến. Dưới sự tuyên truyền của các nước phương Tây, chủ đề “Nga muốn xâm lược Ukraine” được lan truyền rộng rãi, nhưng thực tế Nga đã nhiều lần lên tiếng phủ nhận, nói rằng họ không có ý định đe dọa các nước khác, nhưng sẽ không chấp nhận NATO phát triển về phía Đông.
|
Thảm họa do vụ nổ Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl được Ukraine sử dụng để dọa nạt cử tri các nước châu Âu (Ảnh: Sina). |
Tình hình miền Đông Ukraine gần đây liên tục căng thẳng, quan hệ giữa Nga và Ukraine lại rơi vào mức đóng băng, hai bên đều cáo buộc nhau tăng quân ở khu vực biên giới. Tình hình khu vực hiện nay rất phức tạp, ngoài mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine, các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, nhiều lần lấy "viện trợ" làm cớ cung cấp vũ khí cho Ukraine. Theo quan điểm của một số cơ quan truyền thông nước ngoài, khả năng Nga và Ukraine có thể “cướp cò” bất cứ lúc nào, nhưng khả năng cao là một cuộc chiến quy mô lớn sẽ không nổ ra giữa hai bên, vì một khi tình thế mất kiểm soát, cục diện sẽ rất bất lợi cho cả Nga và NATO. Theo các phương tiện truyền thông đưa tin, tình hình biên giới căng thẳng đã bắt đầu gây áp lực lên một số lượng lớn binh sĩ Ukraine, 140 phi công đã chọn cách từ chức để giữ mạng sống và khoảng 100 người khác đang cân nhắc từ chức. Nếu tình hình này tiếp diễn sẽ không còn phi công chiến đấu ở Ukraine.
Có thể nói, người Ukraine hiểu rõ khoảng cách giữa đất nước mình và Nga, những người lính Ukraine cũng biết rằng trước những vũ khí, trang bị mạnh mẽ và tối tân của quân đội Nga, về cơ bản họ không có nhiều sức đề kháng. Trong những ngày gần đây, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh các chiến dịch đặc biệt Ukraine Sergey Krivonos đã thẳng thừng tuyên bố trong một chương trình truyền hình rằng một khi nổ ra chiến tranh, quân đội Nga có thể tiếp cận Kiev trong vòng 6 giờ. Trước khoảng cách quá lớn, quân đội Ukraine đơn giản là không đủ dũng khí để chiến thắng quân đội Nga, dù Mỹ có viện trợ bao nhiêu cũng không thể lật ngược tình thế.