|
Mức lương bình quân hàng tháng tại Việt Nam là 197 USD vào năm 2013, thấp hơn 391 USD của Thái Lan và 613 USD của Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg |
Chỉ số nhà quản trị mua hàng sản xuất của Việt Nam liên tục vượt mức 50 điểm kể từ tháng 8/2013, theo số liệu của ngân hàng HSBC và Markit Economics.
Chưa một quốc gia nào khác tại châu Á mà HSBC và Markit Economics theo dõi đạt được thành tích trên.
Không những vậy, chỉ số PMI của Trung Quốc đã giảm trong 8 tháng cùng kỳ. Ngành sản xuất Thái Lan cũng o ép trong 22 tháng tính đến tháng 1/2015.
Nhân tố chính giúp cải thiện tình hình kinh doanh của Việt Nam là sản lượng và đơn hàng cùng tăng trưởng, HSBC và Markit Economics nhận xét.
Các doanh nghiệp Việt Nam thu hút mới nhiều đơn đặt hàng từ cả thị trường nội địa và quốc tế. Bên cạnh đó, giá hàng hóa đi xuống cũng giảm chi phí đầu vào.
Năm 2014, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Mỹ trong 10 nước Đông Nam Á.
Với vị trí chiến lược, dân số trẻ và chi phí thấp hơn Trung Quốc, Việt Nam là thỏi nam châm thu hút các nhà sản xuất như Samsung Electronics, Intel và Siemens, ngoài các công ty may mặc, giày dép...
Một trong những ưu điểm nữa của Việt Nam là tiền lương thấp. Mức lương bình quân hàng tháng tại Việt Nam là 197 USD vào năm 2013, thấp hơn 391 USD của Thái Lan và 613 USD của Trung Quốc, theo số liệu của Tổ chức lao động quốc tế.
Việt Nam cũng là nước có dân số trẻ, chỉ 6% dân số có độ tuổi trên 60, thấp hơn tỷ lệ 10% của Trung Quốc và Thái Lan, hay mức 13% của Hàn Quốc.
Tất nhiên, phần lớn hoạt động sản xuất tại Việt Nam áp dụng công nghệ kỹ thuật thấp như may mặc, dệt, đồ nội thất và thiết bị điện tử. Tình hình này có thể sẽ thay đổi khi các doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo nhân lực và nghiên cứu phát triển.
Vấn đề thực sự đáng lo ngại là tình trạng bất ổn trong thành phần công nhân viên, xuất phát từ các mâu thuẫn nổi lên từ hệ thống lương hưu thay đổi. Đây có thể là một trong những vật cản đà vươn mình trỗi dậy thống lĩnh địa hạt sản xuất trong khu vực của Việt Nam.
Theo Bizlive