|
Trụ sở Ngân hàng trung ương Nga tại thủ đô Moscow (Ảnh: Bloomberg) |
Trong suốt nhiều tháng, Nga đã phải tìm nhiều cách để chống chịu sức ép từ các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ mà phương Tây áp đặt sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nhưng đến cuối ngày Chủ nhật vừa qua, giai đoạn ân hạn để trả khoản lãi 100 triệu USD đã trôi qua, đồng nghĩa với vỡ nợ, theo Bloomberg.
Đây được xem là một dấu ấn đen tối đối với Nga, trong bối cảnh nước này đang chịu nhiều sức ép về kinh tế, tài chính và chính trị. Lượng dự trữ ngoại tệ trong ngân hàng trung ương của nga đã bị đóng băng, và các ngân hàng lớn nhất nước này bị ngắt kết nối khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
Nhưng dù cho nền kinh tế và các thị trường hứng chịu tổn thất, tình trạng vỡ nợ hiện tại chủ yếu chỉ mang tính tượng trưng, và chưa thấm vào đâu so với việc Nga phải đối phó với mức lạm phát 2 con số cùng sự thu hẹp của nền kinh tế trong nhiều năm.
Có thật "Nga vỡ nợ"?
Nga đã bác bỏ thông tin về việc vỡ nợ, cho rằng họ có đủ nguồn vốn để thanh toán mọi khoản nợ, nhưng bị đẩy vào thế không thể trả nợ. Trong lúc cố gắng giải quyết vấn đề này, tuần trước Nga tuyên bố rằng họ sẽ thanh toán khoản dư nợ nước ngoài trị giá 40 tỉ USD bằng đồng rúp, đổ lỗi cho phương Tây đã gây ra tình trạng bất khả kháng này.
“Đây là sự việc rất, rất hiếm, khi một chính phủ có đủ điều kiện thanh toán lại bị một chính phủ nước ngoài đẩy vào thế vỡ nợ,” Hassan Malik, chuyên gia phân tích đến từ hãng Loomis Sayles & Company LP, nhận định.
Tuyên bố vỡ nợ chính thức thường đến từ các hãng xếp hạng, nhưng các đòn trừng phạt của châu Âu đã dẫn tới việc các hãng này ngừng xếp hạng các tổ chức của Nga. Theo các tài liệu liên quan tới khoản nợ đã quá thời gian ân hạn, các chủ nợ có thể tuyên bố vỡ nợ nếu những người sở hữu 25% khoản nợ đồng ý rằng “sự kiện vỡ nợ” đã xảy ra
Khi thời hạn chót đã qua, hướng chú ý tập trung vào điều tiếp theo mà các nhà đầu tư sẽ làm. Họ không cần phải đưa ra hành động tức thì, mà có thể lựa chọn tiếp tục quan sát diễn biến chiến sự ở Ukraine với hy vọng rằng các lệnh trừng phạt cuối cùng sẽ được giảm nhẹ.
“Phần lớn những người nắm giữ trái phiếu sẽ tiếp tục chờ đợi,” Takahide Kiuchi, nhà kinh tế học đến từ Viện Nghiên cứu Nomura ở Tokyo, nói.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính ở Nga và đồng rúp sụp đổ năm 1998, chính phủ của Tổng thống Boris Yeltsin đã vỡ nợ đối với khoản nợ 40 tỉ USD ở trong nước. Lần gần đây nhất mà Nga không thể thanh toán khoản lãi đối với các khoản nợ nước ngoài là cách đây hơn một thế kỷ.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã đưa phản ứng trước thông tin Nga vỡ nợ, cho rằng đây là một sự “khôi hài.” Ông nói rằng, với hàng tỉ USD tiền thu được từ xuất khẩu năng lượng vẫn đổ vào ngân khố hàng tuần, Nga hoàn toàn đủ khả năng, và sẵn sàng, thanh toán nợ.
“Ai muốn tuyên bố gì thì tùy họ,” ông Siluanov nói. “Nhưng bất cứ ai cũng hiểu điều đang diễn ra đều biết rằng không có vỡ nợ ở đây.”
Bộ Tài chính Nga khẳng định đã hoàn thành nghĩa vụ khi thanh toán qua Trung tâm lưu ký thanh toán quốc gia (NDS) bằng đồng euro và USD. Nhưng số tiền này không đến được tài khoản của các chủ nợ.
Theo ông Siluanov, việc các chủ nợ đòi tuyên bố vỡ nợ thông qua các tòa án là không hợp lý vì Nga vẫn giữ quyền miễn trừ chủ quyền của mình. Do đó, sẽ không có tòa án nước ngoài nào có thẩm quyền xét xử vụ việc.
Thổ Nhĩ Kỳ công khai lý do mà họ không áp lệnh trừng phạt Nga liên quan tới chiến sự ở Ukraine
Tiết lộ lực lượng bí mật nhất của Nga trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine
[ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN] Đảo Rắn: Kích thước nhỏ, vai trò lớn trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine
Theo Bloomberg