|
Trong tháng 10/2018, giá xăng dầu đã tăng 3,45%, tác động tới chỉ số CPI chung tăng 0,14% so với tháng trước (Ảnh: Nguyên Hồng) |
Theo đó, chỉ tính riêng trong tháng 10/2018, chỉ số CPI đã tăng 3,89% so với tháng 10/2017, và tăng 0,33% so với tháng 9/2018. Tính trung bình giai đoạn 10 tháng năm 2018, chỉ số CPI đã tăng 3,6%.
So với mục tiêu lạm phát 4% cả năm, do Quốc hội đề ra hồi đầu năm nay, có thể nói, dư địa cho 2 tháng cuối năm là đảm bảo.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, so với tháng trước, nhóm giao thông có tốc độ tăng cao nhất với 1,55% do ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm ngày 6/10/2018; mặc dù, đến ngày 22/10/2018 đã điều chỉnh giảm. Nhìn chung, trong tháng 10/2018, giá xăng dầu đã tăng 3,45%, tác động tới chỉ số CPI chung tăng 0,14%.
Tương tự, nhóm giáo dục tăng 0,58%, do trong tháng 10/2018, có 7 địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí. Tiếp đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,31%; hàng hóa và dịch vụ ăn uống tăng 0,22%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,15%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; văn hóa, giải trí và dịch vụ du lịch tăng 0,09%.
Chỉ có riêng nhóm ngành bưu chính viễn thông giảm 0,04% so với tháng trước.
Nếu xét trong giai đoạn 10 tháng năm 2018, so với cùng kỳ năm 2017, nhóm ngành thuốc và dịch vụ y tế có tốc độ tăng trung bình cao nhất với 12,66% (trong đó dịch vụ y tế tăng 16,34%).
Bên cạnh đó, mức lạm phát cơ bản tháng 10/2018 tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 1,67% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân giai đoạn 10 tháng năm 2018 tăng 1,43% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Về dự báo lạm phát trong thời gian tới, trong Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam Quý 3/2018, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết trong các tháng cuối năm 2018 lạm phát có khả năng sẽ vượt quá mốc 4% khi không còn các yếu tố thuận lợi hỗ trợ như năm 2017.
Mặc dù vậy, VEPR cho rằng chỉ tiêu lạm phát bình quân dưới 4% nhiều khả năng sẽ đạt được trong năm nay nếu không có sự đột biến nào về giá nguyên liệu trong Quý 4/2018.
VEPR cũng bày tỏ lo ngại với việc giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng, thông thường sẽ kéo theo nhiều loại mặt hàng khác tăng theo do chí phí vận chuyển tăng lên. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát sẽ gia tăng trong thời gian tới trong bối cảnh giá năng lượng thế giới liên tục phục hồi trong thời gian qua và việc áp kịch trần thuế bảo vệ môi trường bắt đầu tư năm sau.
Báo cáo của VEPR dự báo mức lạm phát năm 2019 có thể sẽ vượt mức mục tiêu 4% mà Chính phủ và Quốc hội đặt ra cho những năm gần đây./.