|
Một người lính Ukraine ngồi sau xe trên đường ra mặt trận ở Donetsk (Ảnh: Getty) |
Trong các cuộc phỏng vấn với hãng Business Insider, những người lính Ukraine đã nói về cả những hy vọng và lo ngại của họ sau khi ông Donald Trump tái đắc cử. Điều này có thể dẫn đến việc Ukraine mất đi bên ủng hộ lớn nhất, đồng thời trao cho Nga thêm động lực trên chiến trường và có thể gây áp lực buộc Ukraine phải từ bỏ lãnh thổ để đổi lấy một thỏa thuận hòa bình.
Nhưng một số người cũng bày tỏ sự lạc quan một cách thận trọng về việc ông Trump trở lại Nhà Trắng, cho rằng điều này có thể mang ý nghĩa nào đó với một cuộc chiến đã kéo dài gần 3 năm.
Tình hình khó lường mới
Những người lính và cựu chiến binh Ukraine nhận thức sâu sắc về những tuyên bố trước đây của ông Trump, cho rằng ông có thể cắt viện trợ cho Kiev và cố gắng thúc đẩy nước này đạt được một thỏa thuận hòa bình với Nga.
Khi được hỏi liệu Ukraine có thể tự vệ hiệu quả nếu ông Trump cắt giảm viện trợ của Mỹ hay không, Oleh Holubenko, đại úy Lực lượng phòng vệ lãnh thổ Ukraine, trả lời: "Có, chúng tôi có thể. Câu hỏi đặt ra là 'cái giá' sẽ như thế nào".
“Chúng tôi sẽ phải trả giá bằng mạng sống của mình”, ông nói thêm.
Ở Kiev, có một làn sóng mới lo ngại về tình hình bất trắc trong tương lai, đặc biệt là về những động thái tiếp theo của ông Trump, Dan Rice, cựu sĩ quan pháo binh của Quân đội Mỹ, người từng là cố vấn đặc biệt cho giới lãnh đạo quân sự Ukraine, cho hay.
“Tôi tin rằng một tuyên bố mạnh mẽ từ chính quyền mới ủng hộ Ukraine sẽ giúp ích ngay lập tức cho tình hình ở Ukraine”, ông Rice nói từ thủ đô của Ukraine.
Bất kỳ sự cắt giảm viện trợ nào từ Mỹ cũng sẽ được cảm nhận sâu sắc ở Ukraine.
Các nước ở khu vực châu Âu đã viện trợ nhiều hơn cho Ukraine, nhưng Mỹ mới là nước đóng góp lớn nhất cho nỗ lực chiến tranh của nước này.
“Ông Trump là người rất khó đoán, hoàn toàn không thể đoán trước được ý tưởng của ông ấy về cuộc chiến”, ông Holubenko nói, thêm rằng ông Trump sẽ ít khoan dung hơn với hành động gây hấn gần đây của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump không đưa ra kế hoạch chi tiết về những gì ông sẽ làm đối với viện trợ của Mỹ cho Ukraine. Tuy nhiên, cho đến nay, ông Trump vẫn chỉ trích sự hỗ trợ của Mỹ, mặc dù phần lớn số tiền đó cuối cùng sẽ rơi vào tay các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ.
Phó Tổng thống đắc cử J.D. Vance cũng đã chỉ trích sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine và nói: "Tôi thực sự không quan tâm điều gì sẽ xảy ra với Ukraine theo cách này hay cách khác".
Đảng Cộng hòa tại Quốc hội trước đây đã chặn viện trợ cho Ukraine.
Ông Trump cũng có thể quyết định không cắt viện trợ cho Ukraine. Sự bất trắc này khiến cho nhiều binh sĩ Ukraine ngại đưa ra suy đoán của mình.
Vitaliy Kryukov, một cựu chỉ huy đơn vị vũ khí của Ukraine, nói rằng "tại thời điểm này, tôi nghĩ không có ý nghĩa gì khi nói về các kịch bản giả định".
Kỳ vọng về sự thay đổi
Ngoài sự không chắc chắn về chính quyền sắp tới, các binh sĩ Ukraine cũng chỉ trích kiểu viện trợ từng phần do Nhà Trắng của Tổng thống Joe Biden cung cấp.
Oleksandr Pleskov, một binh sĩ Ukraine, cho biết vào Ngày bầu cử rằng chiến thắng của Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ chỉ dẫn đến việc tiếp nối các chính sách của chính quyền cũ mà ông mô tả là: "Đây là một chút hỗ trợ cho bạn". “Và sự giúp đỡ đó là chưa đủ”, ông nói thêm.
Pleskov cho biết ông mong đợi "những hành động kiên quyết hơn" trong việc hỗ trợ Ukraine từ nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump.
Olga Bigar, một nữ sĩ quan Ukraine, cũng có chút lạc quan về ông Trump: “Tôi thực sự thích sự quyết tâm và kiên định của ông ấy trong việc đưa ra các quyết định”.
Bigar cho biết cô nhận thức được về mối quan hệ giữa ông Trump và ông Putin, nhưng cho biết cô đặt niềm tin vào ý tưởng rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể tách ông Trump khỏi “hệ thống truyền bá của Nga”.
Trước đây, ông Trump từng nói rằng ông có thể đạt được một thỏa thuận và chấm dứt chiến tranh trong một ngày, ám chỉ rằng điều đó có thể liên quan đến việc trao một số lãnh thổ của Ukraine cho Nga, điều mà Ukraine cho là không thể chấp nhận được.
Cựu sĩ quan quân đội Mỹ, ông Rice, nói rằng nhiều người ở Kiev vẫn tỏ ra lạc quan "bởi Tổng thống Trump đã tuyên bố rằng ông sẽ nhanh chóng kết thúc chiến tranh". Nhưng những người khác lại tỏ ra hoài nghi.
Phát biểu với tờ Kyiv Independent, binh sĩ Ukraine Yurii nói: "Tôi không tin vào phép màu về việc ông Trump có khả năng dọa được ông Putin".
Binh sĩ Pleskov cũng hoài nghi: "Không ai tin rằng ông ấy sẽ có thể gây ảnh hưởng đến ông Putin được".
Cuộc chiến vì phương Tây
Vị địa tá Holubenko mô tả cuộc xung đột Nga-Ukraine là "cuộc chiến vì các giá trị dân chủ". Ông lập luận rằng nếu Nga và Triều Tiên không bị ngăn chặn ở Ukraine, họ sẽ chuyển sang tấn công các nước khác.
Bogdan Zelenyi, một cựu chiến binh Ukraine bị thương trong giao tranh, nói rằng việc Mỹ tiếp tục hỗ trợ không chỉ giúp Ukraine mà còn giúp "giữ vững trật tự thế giới dựa trên nguyên tắc của Liên hợp quốc, cũng như an ninh của chính cộng đồng châu Âu-Đại Tây Dương".
Một cựu chiến binh Mỹ đang chiến đấu ở Ukraine, người có biệt danh là Jackie, nói rằng tiếp tục giúp đỡ Ukraine là lợi ích tốt nhất của Mỹ.
“Tôi hy vọng chính quyền mới thừa nhận sức mạnh và tinh thần của người Ukraine, đồng thời xem xét tới sự hữu ích của họ trong việc duy trì an ninh ở khu vực này trên thế giới”, ông nói.
Tuy nhiên, hiện tại, Ukraine và những bên đang chiến đấu ở đó sẽ phải chờ xem cuối cùng ông Trump sẽ quyết định làm gì.
Lầu Năm Góc kỳ vọng ông Trump giữ vững cam kết của ông Biden với Ukraine
Tổng thống Putin nói Ukraine tổn thất "khủng khủng khiếp" ở Kursk
Wall Street Journal: Nội các của ông Trump bắt đầu kế hoạch "đóng băng" xung đột Ukraine
Theo Business Insider