|
Ảnh minh họa (Getty) |
Nguồn cung cấp ngũ cốc giá rẻ không được kiểm soát từ Ukraine đang hủy hoại những hộ nông dân Đức, tờ Bild của nước này trích dẫn các nguồn tin trong ngành cho hay.
Tờ báo Đức lưu ý giá lúa mì ở nước này, nền kinh tế lớn nhất EU, đang tiếp tục giảm và cho biết thêm rằng 1 tấn lúa mì hiện đang dao động quanh mức 200 euro (224 USD). Giá lúa mì chứng kiến mức tăng chưa từng có từ €287 ($321) lên €435 ($486) ngay sau khi xung đột Ukraine leo thang vào tháng 2/2022.
Theo Bauer Dismer, một nông dân trồng ngũ cốc ở Lower Saxony, do các lựa chọn vận chuyển ở Biển Đen bị hạn chế đáng kể, lượng lúa mì đáng lẽ phải được xuất khẩu xa hơn, hiện đang được chuyển đến Đức bằng xe tải và tàu chở hàng.
“Nhưng thay vào đó, các nhà máy thức ăn chăn nuôi của chúng tôi lại tận dụng được lợi thế. Rõ ràng đó là do mức bán phá giá dưới 160 euro (179 USD) mỗi tấn”, ông nói với tờ báo.
Thỏa thuận chính thức điều chỉnh tuyến đường vận chuyển hàng hóa xuất khẩu nông sản của Ukraine hết hiệu lực vào tháng 7/2023, khi Moscow từ chối gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc làm trung gian. Nga cho biết Mỹ và EU đã không giữ đúng phần thỏa thuận, ngăn chặn xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga.
Ngay sau khi xung đột Ukraina leo thang, EU đã dỡ bỏ tất cả thuế quan và hạn ngạch đối với sản phẩm nông nghiệp của Ukraine để cho phép ngũ cốc từ nước này được vận chuyển ra thị trường toàn cầu. Đầu năm nay, mô hình thương mại miễn thuế đã được gia hạn thêm một năm.
“Chúng tôi đang bán lúa mì được sản xuất theo tiêu chuẩn cao nhất của Đức, trong khi lúa mì từ Ukraine đang được bơm vào đất nước chúng tôi”, Frank Wullekopf nói với Bild, đồng thời cho biết thêm rằng các nhà sản xuất Ukraine không bắt buộc phải cung cấp bằng chứng về lượng thuốc trừ sâu hoặc phân bón.
“Đó là còn chưa kể đến những rủi ro do lúa mì bị ô nhiễm do chiến tranh gây ra”, người nông dân nói thêm.
Trong khi đó, giá các sản phẩm nướng ở Đức đang tăng bất chấp giá ngũ cốc giảm đáng kể, theo Friedemann Berg, giám đốc điều hành của Liên đoàn thợ làm bánh Đức. Ông nói, các chi phí khác bao gồm nhân sự, năng lượng và giấy tờ cũng tăng lên, đồng thời cho biết thêm rằng các thợ làm bánh ở EU kể từ tháng 1 đã có nghĩa vụ phải chứng nhận rằng việc sản xuất nguyên liệu thô mà họ sử dụng không dẫn đến nạn phá rừng.
Bild lưu ý rằng nông dân không phải là những người duy nhất trong ngành bị ảnh hưởng bởi dòng sản phẩm nông nghiệp giá rẻ tràn vào từ quốc gia đang có chiến tranh, đồng thời lưu ý rằng các nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp cũng đang gặp khó khăn vì những người trồng ngũ cốc không đủ khả năng để nâng cấp máy móc nông nghiệp của họ.