Biệt động Sài Gòn "xuất quỷ nhập thần" đánh chìm tàu sân bay Mỹ

VietTimes -- Ngày 02.05.1964, chỉ một khoảng thời gian ngắn sau nửa đêm, hai đặc công biệt động Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam xuất hiện từ một đường cống ngầm xả thải vào Cảng Sài Gòn, mỗi người mang theo gần 90 pound chất nổ mạnh và các bộ phận  cần thiết để cài đặt hai quả mìn hẹn giờ.
Tàu sân bay USNS Card (T-AKV-40) trên bến cảng Sài Gòn

Mục tiêu của các chiến sĩ biệt động là chiếc tàu Mỹ lớn nhất trong cảng, tàu sân bay USNS Card (T-AKV-40). Đây là tàu sân bay hộ tống thực hiện nhiệm vụ chở các máy bay săn ngầm trên vùng biển Bắc Đại Tây Dương trong Đại chiến Thế giới thứ II, từ sau khi kết thúc chiến tránh đến sáng sớm ngày 02.05.1964, tàu sân bay Card là thành phần của lực lượng tàu vận tải quân sự Mỹ.

Chiếc tàu này đã tham gia trong cam kết của chính quyền Mỹ ủng hộ các hành động leo thang quân sự do chính quyền Sài Gòn thực hiện, sớm hơn rất nhiều trước khi xảy ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Từ năm 1961, tàu vận tải Card vận chuyển máy bay cánh cố định và máy bay trực thăng đến mảnh đất hình chữ S cùng các phi công Mỹ và các đơn vị hậu cần kỹ thuật đảm bảo vận hành các trang thiết bị.

Các chiến sĩ biệt động bơi về phía tàu Card, sau khoảng một giờ lặn ngầm dưới nước, các chiến sĩ biệt động đã gắn 2 khối thuốc nổ vào thành tàu ngay trên mép nước gần đuôi tàu và khoang động cơ bên mạn phải tàu. Hai chiến sĩ đặc công đặt hẹn giờ và nhanh chóng thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Ba giờ sáng ngày 2.05.1964, các khối bộc phá nổ tung, tàu USNS Card bốc cháy và từ từ chìm xuống sông Sài Gòn.

USNS Card của Mỹ bị thuốc nổ xé một khoảng dài khoảng gần 24 m trong khoang động cơ, khoảng 120 lính Mỹ chết và bị thương, phá hủy 23 máy bay, gồm: 19 chiếc trực thăng HU 1A, 2 chiếc trinh sát L19 và 2 máy bay khu trục AD-6. Chiếc tàu từng tự hào vì đã sống sót trong một vụ tấn công của tàu ngầm Đức U-boat vào đuôi trở thành chiếc tàu sân bay cuối cùng bị đối phương tấn công đánh chìm.

USNS Card bắt đầu chìm sau vụ tấn công

Năm mươi năm trước, việc đột nhập qua mạng lưới bảo vệ an ninh bến cảng là một vấn đề quan trọng đặt ra đối với các chiến sĩ đặc công trong trận đánh chìm tàu sân bay vận tải Card.

Cựu chiến sĩ biệt động Ba Náo (Lâm Sơn Náo) khi kể chuyện với báo giới ông đã 79 tuổi, chỉ huy tổ biệt động Cảng Sài Gòn là công nhân làm việc hợp pháp tại Cảng. Ông sử dụng công việc như một tấm bình phòng che chắn cho các hoạt động tình báo, rất thông thuộc địa hình. Ông đã tiếp nhận, cất giấu vũ khí và chất nổ, lên kế hoạch cho cuộc tấn công,

Cha của ông cũng là công nhân, từng làm thợ hồ hàng chục năm ở Cảng, thuộc làu các đường hầm, đường cống ngầm trong khu vực, chính ông đã chỉ cho anh đường cống ngầm từ bờ sông Sài Gòn chạy xuyên đến khu vực các hạm tàu Mỹ thường neo đậu bốc dỡ hàng..

Mặc dù trên vùng nước bến cảng dày đặc các tàu tuần tra của cảnh sát, ông Náo và đồng đội đã thực hiện thành công nhiệm vụ, do lên kế hoạch cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ nhất và sự tham nhũng của lực lượng cảnh sát, an ninh Sài Gòn.

"Trong nhiệm vụ tấn công tàu Card, tôi và anh Hùng đóng vai là dân buôn". Cựu đặc công biệt động với chiến công lừng lấy Lâm Bá Náo kể lại trong cuộc phỏng vấn ngày 22.04.2015 với trang Vietnam News. “Chất xong mìn vào xuồng, tôi cùng anh Hùng bơi sang hướng đối diện con tàu. Lúc đó đèn sáng choang, không thể tiếp cận nên chúng tôi tiếp tục chèo lên tận cảng Nhà Rồng để sang bờ, quay ngược lại. Khi ra giữa sông, bị tàu tuần tra của cảnh sát đuổi theo, cả 2 chèo thật nhanh về bờ Thủ Thiêm, đẩy xuồng vào bãi sình. Tàu cảnh sát không vào được, phát loa gọi ra, khi đó ở trên bờ dân vệ nghe thấy cũng chạy ra đòi kiểm tra. Tình huống thật nguy kịch”- ông Hùng nhớ lại.

“Trước tình huống tiến thoái lưỡng nan, tôi nhanh trí nói đang đi mua radio lậu từ tàu nước ngoài, đã trả tiền trước, nếu lấy được sẽ chia cho 2 nhóm. Nghe được chia phần, đám cảnh sát trên tàu đồng ý, còn rọi đèn pha cho chúng tôi qua và đậu giữa sông canh chừng hải quân”, ông Náo hào hứng kể tiếp.

Qua được đầu cảng phía trên, hai chiến sĩ biệt động đưa xuồng vào đường cống. Đi được khoảng 300 mét thì nước cạn, hai chiến sĩ biệt động Náo và Hùng nhảy xuống vác thuốc nổ đi về phía chiếc tàu Mỹ đang cặp sát bờ cảng.

Lúc 2 giờ sáng ngày 2.5.1964, hai khối mìn có khối lượng 80 kg TNT và 8kg thuốc nổ C4 được cài xong, thời gian điểm hỏa được ông Náo rút ngắn vào 3 giờ sáng. Hoàn thành nhiệm vụ, cả hai chèo xuồng quay lại bờ Thủ Thiêm, tàu cảnh sát vẫn chờ đòi chia phần. Để thoát, ông Náo viện lý do không lấy được hàng, hối lộ cho cảnh sát với dân vệ gần 2.000 đồng rồi chèo xuồng thoát ly khu vực an toàn.

Quân dân hai miền Việt Nam thực sự hân hoan trước chiến thắng đánh chìm tàu sân bay vận tải Card, chiến thắng này không chỉ có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn quân sự mà còn có ý nghĩa tuyên truyền, đánh chìm luôn vị thế bất khả chiến bại của lực lượng hải quân Mỹ. Chính phủ Mỹ không thừa nhận chiếc tàu sân bay bị đánh chìm, Lầu Năm Góc tuyên bố chiếc tàu sân bay chỉ bị hư hỏng không đáng kể. Miền Bắc Việt Nam, để kỷ niệm chiến thắng này đã phát hành một con tem bưu in hình chiếc tàu Card bị đánh chìm vào năm 1964.

Con tem kỷ niệm chiến công đánh đắm tàu sân bay vận tải Card

Hậu quả kinh hoàng vụ đánh chìm tàu sân bay vận tải Card đã buộc người Mỹ phải tổ chức khẩn cấp các đơn vị cứu hộ, cứu nạn và đối phó với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Giới chính khách Mỹ và tổng thống Lyndon Johnson muốn dìm hậu quả vụ tấn công vào càng sâu trong im lặng càng tốt.

Hải quân Mỹ đã phải tiến hành một chiến dịch cứu hộ quy mô lớn. Năm thợ lặn hải quân đã điều nghiên tổn thất của tàu Card. Một thợ lặn Hải quân cho biết đã tìm thấy dấu vết, giấy gói bọc thuộc nổ sản xuất từ Mỹ - bằng chứng cho thấy lực lượng đặc công Việt Nam đã sử dụng thuốc nổ quân sự mà Mỹ cung cấp cho chính quyền Sài Gòn.

Để cứu hộ tàu sân bay vận tải Card, Hải quân Mỹ đưa hai tàu cứu hộ USS Reclaimer và tàu kéo USS Tawakoni đến cảng Sài Gòn, thợ lặn hải quân đã vá lại lỗ thủng để để bơm nước ra khỏi tàu bị đắm và trục vớt. Mặc dù điều kiện lặn thiếu thốn và thiết bị gặp nhiều trục trặc, cuối cùng lực lượng cứu hộ cũng đưa USNS Card nổi lên trong khoảng hơn hai tuần.

Ngay sau đó ngày 19.05.1964, cả hai tàu Reclaimer và Tawakoni đã kéo chiếc USNS Card về căn cứ hải quân Mỹ ở vịnh Subic (Philippines), sau đó là đến Yokosuka (Nhật) để sửa tiếp.

Sự cố này cũng chứng minh được năng lực cứu hộ của lực lượng hải quân Mỹ trong thời gian chiến tranh. Chỉ sau 17 ngày, các đội cứu hộ đã kéo được chiếc tàu sân bay lên khỏi độ sâu gần 50 feet nước (15 m), sáu tháng sau sửa chữa, tàu Card lại tiếp tục phục vụ thêm sáu năm nữa.

Năm 1970, USNS Card ngừng hoạt động, được bán phế liệu vào năm 1971.

Các hàng không mẫu hạm hải quân thưởng gợi lên cảm giác một sức mạnh thần bí – vẻ ngoài uy vũ đáng sợ, tua tủa vũ khí và các máy bay chiến đấu trên boong tàu, và khả năng triển khai sức mạnh của siêu cường duy nhất thế giới ở bất cứ nơi nào trên hành tinh này. Hơn thế, các tàu sân bay còn đóng vai trò biểu tượng vị thế của một quốc gia sở hữu "sức mạnh vĩ đại" nhất thế giới.

Nhưng các tàu sân bay lại là mục tiêu dễ bị tấn công và nếu bị đánh trúng, đây sẽ là thiệt hại mang tính hủy diệt. Đó chính là lý do vì sao các tàu sân bay có nhiều tàu hộ tống - tàu khu trục, tàu tuần dương tên lửa có điều khiển, tàu ngầm. Cả một hải đoàn khổng lồ tham gia bảo vệ một tàu sân bay trước nguy cơ tấn công của kẻ thù.

“Chúng ta không nên quá ngạc nhiên khi đối phương nỗ lực tìm kiếm khả năng tấn công một tàu hải quân trong chiến tranh, ngay cả khi đó chỉ là một chiến sĩ đặc biệt với một quả bom hẹn giờ”.  James Holmes, nhà sử học hải quân và nhà phân tích quân sự, đang giảng dạy tại trường Đại học chiến tranh hải quân, nói với War is Boring .

"Chúng ta không nên luôn mang một suy nghĩ trong đầu, các tàu sân bay là" những pháo đài thép ", hay ngày nay thường gọi là các Thiết giáp hạm hoặc bất cứ điều gì tương tự như “bất khả chiến bại", giáo sư Holmes nói. "Một pháo đài là một thành trì mà những bức tường phòng thủ có thể gánh chịu những vụ tấn công dữ dội, trong khi hầu hết các tàu chiến hiện đại có lớp vỏ tương đối mỏng - tàu sân bay năng lượng hạt nhân là một ngoại lệ đặc biệt. Chính vì vậy, một chiến binh với một đầu đạn có thể gây lên những thiệt hại vô cùng to lớn. "

Giáo sư Holmes nhận xét, vụ đánh chìm tàu sân bay Card "là một kịch bản cảnh báo sớm" cuộc tấn công vào tàu USS Cole năm 2000 - một ví dụ về một cuộc tấn công công nghệ phi hiện đại đánh vào biểu tượng điển hình của sức mạnh hải quân Mỹ.

Khu trục hạm Cole mang tên lửa điều khiển đã bị một chiếc ca nô nhỏ chất đầy thuốc nổ đâm thẳng vào khi chiến hạm Mỹ đang thả neo tại cảng Aden. Vụ nổ xé một lỗ thủng rấy lớn ở vỏ tàu, giết chết 17 thủy thủ và làm bị thương 39 – Một cuộc tấn công ác liệt và thành công nhất đánh vào một chiến hạm của Hải quân Mỹ trong lịch sử sau chiến tranh Việt Nam.

Vụ nổ đánh trúng vào khoang nhà bếp của tàu Cole, làm chết và làm bị thương nhiều  thủy thủ, đang xếp hàng nhận khẩu phần ăn trưa. Các nhà điều tra nhận xét rằng,  thời gian và vị trí của đòn tấn công không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên mà là một đòn tấn công có tính toán kỹ lưỡng.

Lỗ thủng thân tàu khu trục Cole sau vụ tấn công tại Aden năm 2000

Khu trục hạm Cole cũng sống sót sau vụ tấn công. Sau 14 tháng sửa chữa, Cole rời ụ vào ngày 19.04. 2002, trở về nơi thường trú, quân cảng Norfolk, bang Virginia.

Con tàu được đưa trở lại biên chế vào năm 2003, cho đến này, khu trục hạm Cole vẫn đang phục vụ trong đội hình của Hạm đội 6.

Hai sự kiện cách nhau gần 50 năm cho thấy, các chiến hạm của các cường quốc hải quân trong những tình huống nhất định hoàn toàn không phải là những vũ khí đáng gờm, những công cụ răn đe hữu hiệu đối với các lực lượng có tiềm lực khoa học quân sự thấp hơn. Trong những tình huống nhất định, chúng trở thành những mục tiêu mà sự hủy diệt có thể làm thay đổi cuộc chiến bởi một lực lượng nhỏ hơn, có công nghệ thấp hơn nhưng có khả năng tấn công linh hoạt nhất.

TTB