Biển Đông: Trung Quốc sẽ điều tàu sân bay đối phó tàu Izumo Nhật Bản?

VietTimes -- Nhật Bản quyết định điều tàu sân bay trực thăng Izumo đến Biển Đông là muốn cùng Mỹ mở ra một chiến tuyến thống nhất kiềm chế Trung Quốc, bảo vệ tuyến đường hàng hải "sống còn" ở Biển Đông.
Tàu sân bay trực thăng Izumo Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản ở căn cứ Yokosuka. Ảnh: Reuters/Cankao

Gần đây, có tin cho biết, tàu sân bay trực thăng Izumo Nhật Bản có kế hoạch tiến hành tuần tra Biển Đông và tham gia cuộc tập trận chung thường lệ hàng năm giữa ba nước Mỹ - Nhật - Ấn từ tháng 5 - 8/2017.
Nhật Bản gọi tàu Izumo là tàu khu trục và đây là tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, có thể sử dụng như tàu sân bay trong các trường hợp khẩn cấp.
Hãng tin Reuters Anh cho rằng Nhật Bản điều động tàu Izumo Nhật Bản đến Biển Đông là một hành động phô diễn sức mạnh hải quân với quy mô lớn. Đây không phải là lần đầu tiên tàu chiến Nhật Bản tiến hành diễn tập ở Biển Đông, nhưng lần này, với sự có mặt của một tàu sân bay, tình hình xem ra đã có thay đổi lớn. 
Nếu cải tạo một chút đường băng thì tàu Izumo Nhật Bản có thể chở được máy bay chiến đấu cất hạ cánh thẳng đứng F-35B, loại máy bay trang bị cho lực lượng Hải quân lục chiến Mỹ.
Sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền, mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ trong vấn đề Biển Đông tiếp tục gay gắt. Trong một phiên điều trần ở Quốc hội Mỹ, ông Rex Tillerson, nay là Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố: "Phải ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận đảo nhân tạo".
Đáp lại, cuối năm 2017, Trung Quốc đã điều biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đến Biển Đông tiến hành khoe "cơ bắp", thể hiện thái độ "không nhượng bộ" với Mỹ.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35B do Mỹ chế tạo. Ảnh: Huanqiu

Trước đây, Nhật Bản chưa từng can thiệp trực tiếp vào vấn đề Biển Đông. Có phân tích cho rằng, Nhật Bản quyết định điều tàu sân bay trực thăng Izumo đến Biển Đông là muốn cùng Mỹ mở ra một chiến tuyến thống nhất kiềm chế Trung Quốc.
Trung Quốc phản ứng cho rằng họ "một chút cũng không lo lắng gì" với việc Nhật Bản điều tàu sân bay Izumo đến Biển Đông. Trung Quốc đổ tội, cho rằng Nhật Bản gần đây "đâm bị thóc, chọc bị gạo", "châm ngòi thổi gió" trong vấn đề Biển Đông.
Tờ Sputnik Nga coi hành động sắp tới của tàu sân bay Izumo là một chuyến đi xa lớn nhất về phạm vi địa lý của hạm đội Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Tàu sân bay trực thăng Izumo lớn hơn cả tàu sân bay hạng nhẹ của các nước châu Âu, tương tự một số tàu tấn công đổ bộ của Mỹ.
Về lý thuyết, tàu sân bay Izumo có thể chở máy bay chiến đấu F-35B, nó chính là tàu sân bay hạng nhẹ thực sự. Nhưng, hiện nay còn chưa rõ người Nhật có kế hoạch mua sắm những máy bay này hay không.
Để chở được những máy bay đó, Nhật Bản cũng cần phải tiến hành nâng cấp tàu sân bay trực thăng Izumo. Cho dù nó chỉ chở máy bay trực thăng thì nó vẫn có uy lực rất lớn. Tàu Izumo thường mang theo 9 máy bay trực thăng, khi cần thiết số lượng có thể tăng lên.
Tàu sân bay trực thăng có thể nâng cao khả năng chống hạm của hạm đội, trong khi đó, máy bay trực thăng còn có thể hoàn thành các nhiệm vụ như trinh sát và chỉ thị mục tiêu cho tàu chiến trang bị tên lửa chống hạm.

Tàu sân bay trực thăng lớp Izumo Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Ảnh: People.com.cn

Chuyên gia Nga Vasilii Cashin dự đoán, cùng với tàu Izumo, Nhật Bản còn có thể điều một tàu khu trục mới lắp tên lửa chống hạm và hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh, qua đó thể hiện được sức mạnh mới của hạm đội Nhật Bản và khả năng vươn ra biển xa.
Trung Quốc chắc chắn sẽ có thái độ bất mãn với việc biên đội tàu chiến này của Nhật Bản cùng nhau triển khai trên Biển Đông. Hành động lần này cũng sẽ bị Trung Quốc phê phán mạnh mẽ.
Theo chuyên gia Vasilii Cashin, khác với Nhật Bản, hiện nay, Trung Quốc đã sở hữu một tàu sân bay, đang chế tạo hai chiếc khác. Những tàu sân bay này có thể thực hiện nhiệm vụ nhiều hơn, lớn hơn.
Trung Quốc có thể sẽ điều động tàu sân bay Liêu Ninh là tàu duy nhất hiện có  để "nghênh đón" tàu Izumo Nhật Bản, nhưng hạm đội Nhật Bản chỉ là một phần của hạm đội liên hợp Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, một khi gặp bất trắc thì người Mỹ sẽ sử dụng ưu thế để đối phó lực lượng tàu sân bay Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong việc bảo vệ các tuyến đường hàng hải tránh bị tàu ngầm Trung Quốc tấn công, Nhật Bản hiện đã sở hữu tàu sân bay, không nhất thiết tiếp tục dựa vào các tàu đa chức năng lớn hơn như tàu sân bay và tàu tấn công đổ bộ của Mỹ.
Bảo vệ các tuyến đường hàng hải, bao gồm ở Biển Đông có ý nghĩa quan trọng, sống còn đối với Nhật Bản. Nhật Bản chế tạo tàu sân bay trực thăng Izumo có thể xuất phát từ sự lo ngại về sự phát triển nhanh chóng của tàu ngầm Trung Quốc.
Sở hữu tàu chiến cỡ lớn như Izumo giúp tăng cường uy lực cho hạm đội Nhật Bản, có lợi cho mở rộng tiếp xúc với các nước châu Á khác, nâng cao giá trị của Nhật Bản với tư cách là đồng minh thân cận của Mỹ tại khu vực.

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Dwnews

Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 16/3 bổ sung thêm rằng, tàu sân bay Izumo có khả năng săn ngầm mạnh. Nhưng, nếu đối đầu với tàu sân bay Liêu Ninh, trong tình hình không có sự chi viện của máy bay chiến đấu thì máy bay trực thăng SH-60 trên tàu Izumo căn bản không dám điều động quá nhiều để tiến hành trinh sát.
Trong khi đó, tàu sân bay Liêu Ninh có thể điều máy bay cảnh báo sớm tiến hành do thám với sự bảo vệ của máy bay chiến đấu; hơn nữa, máy bay chiến đấu J-15 còn có thể lắp tên lửa chống hạm YJ-83 (tầm bắn 250 km) tiến hành tấn công tàu Izumo. Cho dù một số tên lửa chống hạm bị đánh chặn một phần, nhưng tàu sân bay trực thăng Izuno khó bảo đảm không bị bắn chìm.