|
Ông Obama và các nhà lãnh đạo ASEAN |
Cần tôn trọng phán quyết của Toà Trọng tài "không nhìn nhận Trung Quốc có chủ quyền lịch sử tại Biển Đông". Với tuyên bố này tại Thượng đỉnh ASEAN , tổng thống Mỹ Barack Obama nhắc nhở lãnh đạo Trung Quốc phải chấp hành quyết định của công lý cho dù bất lợi cho tham vọng biển đảo của Bắc Kinh.
Ngày cuối cùng của Thượng đỉnh ASEAN tại Viêng Chăn trong đó có thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tham dự, tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố: "Phán quyết trọng tài hồi tháng 7, đánh dấu một thời điểm lịch sử và mang tính trói buộc, cho phép làm sáng tỏ quyền hàng hải trong khu vực. Phán quyết này phải được tôn trọng".
Theo AFP, tuyên bố trên của tổng thống Obama về Biển Đông cho thấy Washington đã bỏ thái độ thận trọng theo đuổi trong những tuần lễ gần đây trên hồ sơ nóng bỏng tại khu vực, trước thái độ của Trung Quốc, khăng khăng bác bỏ phán quyết của Toà Trọng Tài.
Bất chấp quyền lợi cúa các nước láng giềng như Việt Nam và Philippines, hay nhu cầu giao thông của Nhật Bản và của quốc tế, đối với Trung Quốc, chiếm lĩnh được vùng biển chiến lược này là kiểm soát được con đường kinh tế huyết mạch của thế giới và làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á.
Đó là lý do khiến tổng thống Obama phải lên tiếng khuyến cáo Trung Quốc tại diễn đàn ASEAN và Đông Á là một thông điệp mạnh mẽ, trước sự hiện diện của các nhà lãnh đạo khu vực mà nhiều quốc gia rất bực tức vì thái độ ỷ mạnh hiếp yếu của Bắc Kinh.
Cho dù bản thông cáo chung của Thượng đỉnh ASEAN và Đông Á không lên án Trung Quốc đe dọa hoà bình tại Biển Đông, nhưng hành động lấn chiếm biển đảo và thái độ xem thường luật pháp đã khiến cho Bắc Kinh hai lần bị chỉ tên và khuyến cáo.
Ngày 7/9, ngày đầu tiên của Thượng đỉnh ASEAN tại Vientiane, phái đoàn Philippines đã bất ngờ khai hỏa. Phát pháo đầu tiên của Philippines là trình bày các tấm không ảnh chụp bên trên vùng bãi cạn Scarborough bị hải quân Trung Quốc lấn chiếm vào năm 2012.
Tuy đã xây một loạt đảo nhân tạo ở Trường Sa có đường băng cho máy bay quân sự và xây hải đăng, nhưng Bắc Kinh khẳng định chưa xây dựng gì trên bãi cạn Scarborough mà họ gọi là Hoàng Nham. Thế nhưng, Manila trưng bày hình chụp cho thấy có nhiều tàu có khả năng nạo vét, và các hoạt động cần thiết để xây dựng một đảo nhân tạo chỉ cách đảo Luzon của Philippines 140 hải lý, nơi có hai căn cứ đóng quân của Mỹ
Theo các chuyên gia quốc phòng, nếu Trung Quốc xây xong đảo nhân tạo tại Scarborough thì điều này sẽ làm thay đổi cục diện Biển Đông trong tiến trình chinh phục của Bắc Kinh và làm tăng thêm xác suất xảy ra đụng độ với hải quân Mỹ. Từ căn cứ tiền đồn này, các dàn tên lửa và chiến đấu cơ của Trung Quốc sẽ áp đảo lực lượng Mỹ đóng tại Philippines một cách dễ dàng.
Theo giới phân tích, nếu Trung Quốc xây đảo ở Scarborough thì khó có thể tránh được xung đột. Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, dự báo sẽ xảy ra «đụng độ giữa tuần duyên Trung Quốc và chiến hạm Philippines do Mỹ yểm trợ».
Phát phát pháo thứ hai chính là việc đích thân tổng thống Obama nhắc nhở Trung Quốc là phải biết tôn trọng luật pháp quốc tế. Mỹ đã nhiều lần cảnh báo Trung Quốc và đã tổ chức một số cuộc tuần tra thực thi tự do hàng hải khiến Bắc Kinh rất tức tối.