|
Chiến đấu cơ J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc |
Chuyên gia Henri Kenhmann phân tích trên East Pendulum, đội tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc đã hoàn thành được một việc hiếm thấy là vượt qua năm vùng biển khác nhau, từ hải phận miền bắc đi ra Hoàng Hải, Biển Hoa Đông vượt qua eo biển Miyako ở quần đảo Nhật Bản đi ra Tây Thái Bình Dương, rồi sau đó rẽ ngược xuống phía đông, vượt eo biển Bashi giữa Đài Loan và Philippines để vào Biển Đông, và cập bến ở căn cứ gần Tam Á phía nam đảo Hải Nam vào ngày 28/12/2016.
East Pendulum ghi nhận ngay từ ngày đầu năm 2017, tàu sân bay Liêu Ninh và đội tàu hộ tống đã trở ra Biển Đông và tập trận hàng ngày.
Về chiến lược thì điểm đáng chú ý là lần đầu tiên từ khi tàu sân bay Liêu Ninh được đưa vào hoạt động từ cách đây 4 năm, các chiến đấu cơ J-15 và trực thăng đã cất cánh từ mẫu hạm Trung Quốc để bay ngang dọc bầu trời khu vực.
Theo East Pendulum, đây là một lần đầu tiên rất quan trọng đối với hải quân Trung Quốc và cũng như đối với các nước trong vùng. Theo trang mạng của quân đội Trung Quốc, máy bay trên chiếc Liêu Ninh bắt đầu hoạt động lần đầu tiên vào ngày 2/1/2017 vào khoảng 9h30 giờ địa phương.
Theo chuyên gia Pháp, chuyến ra biển lớn lần này của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và đoàn tàu hộ tống đã làm tốn kém rất nhiều giấy mực ở Nhật Bản và Đài Loan, nhưng có thể ghi nhận hai điểm đáng lưu ý.
Trước tiên hết là dù quả thực là tàu sân bay Liêu Ninh và các chiếc máy bay trên đó đã hoạt động ở Biển Đông, nhưng địa điểm tập trận vẫn nằm sát vùng hải phận của Trung Quốc, phía nam đảo Hải Nam.
Những thông điệp gửi cho các nhân viên phi hành cho thấy nhóm tàu sân bay Trung Quốc thời gian gần đây chỉ hoạt động trong một khu vực rất nhỏ, dài 56 km và rộng 27 km, nằm cách bờ biển phía Nam đảo Hải Nam không đầy 40 km.
Nếu điểm tập trận này được xác định, thì điều đó có nghĩa là mục tiêu chính của chuyến ra biển này của đội tàu sân bay Liêu Ninh không phải là phô trương lực lượng, mà có vẻ đúng như theo thông cáo chính thức của hải quân Trung Quốc. Đó là «luyện tập và đánh giá tiến trình toàn diện của một nhóm hàng không mẫu hạm, thiết lập hệ thống chỉ huy trong chiến đấu và hậu cần trên biển khơi, cải thiện việc phối hợp giữa các máy bay với chiếc tàu sân bay».
Ghi nhận thứ hai là dù tàu sân bay Liêu Ninh đã đi qua 5 vùng biển, nhưng khi ở ngoài Tây Thái Bình Dương, mẫu hạm Liêu Ninh không hề cho chiến đấu cơ tập lên xuống.
Chỉ huy của đội chiến đấu cơ trên chiếc Liêu Ninh đã nêu lên hoạt động của máy bay và phi công ở mọi nơi, ngoại trừ lúc di chuyển khá nhanh qua vùng biển Tây Thái Bình Dương. Những thông báo chính thức khác cũng đi theo chiều hướng đó.
Trong báo cáo của Nhật Bản ngày 25/12/2016, người ta được biết là một khu trục hạm và một máy bay tuần tra Nhật P-3C đã theo dõi chiếc Liêu Ninh vào khoảng 10 giờ địa phương, ở vùng biển cách quần đảo Miyako-jima của Nhật khoảng 110 km về phía đông bắc. Hình ảnh phía Nhật chụp được cho thấy không có một chiếc chiến đấu cơ nào trên đường cất cánh của tàu Liêu Ninh và tất cả các ổ pháo của các chiến hạm hộ tống cũng đều nằm dọc theo trục của con tàu.
Hai thông cáo khác của cơ quan quốc phòng Đài Loan cho phép định vị nhóm tàu Trung Quốc sau khi đoàn tàu ra khỏi vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản và đi vào vùng của Đài Loan. Các thông cáo này cho biết đoàn tàu Trung Quốc đã đi thẳng một mạch đến Hải Nam, sau khi qua vượt eo biển Miyako để vào Tây Thái Bình Dương.
Từ chỗ đầu tiên khi bị máy bay Nhật phát hiện khoảng 10 giờ sáng ngày 25/12, và nơi bị phía Đài Loan nhìn thấy 10 tiếng sau đó ở phía nam vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, đoàn tàu Trung Quốc đã đi được khoảng 230 hải lý, với môt vận tốc trung bình 23 hải lý/giờ.
Điều đó có nghĩa là đoàn tàu đã đi thẳng, không dừng lại cho đến khi vào Biển Đông, qua eo biển Bashi. Không có báo cáo nào của Nhật Bản và Đài Loan nêu lên hoạt động của đội máy bay trên chiếc Liêu Ninh.
East Pendulum công nhận chuyến hải hành ra đến Tây Thái Bình Dương cho phép nhóm không-hải chiến rất non trẻ này của Trung Quốc nâng cao năng lực hoạt động, cho dù đội hình chưa hoàn chỉnh. Một hạm đội tàu sân bay theo chuẩn mực thông thường gồm 1 tàu sân bay, 6 khu trục hạm và hộ tống hạm, 2 tàu ngầm nguyên tử và 1 tàu tiếp liệu.
Trong đoàn tàu đi theo chiếc Liêu Ninh chỉ có ba khu trục hạm, 2 hộ tống hạm, và một tàu chống ngầm. Tàu tiếp liệu 966 Cao Bưu Hồ lớp 903A và tàu chống ngầm 594 Chu Châu, lớp 056A được thấy cùng với đội tàu sân bay Liêu Ninh ở Biển Hoa Đông không được Nhật Bản và Đài Loan nêu lên trong báo cáo, có lẽ đã rời đoàn trước khi tàu Liêu Ninh băng qua Nhật Bản.
Trang mạng Pháp trích hình ảnh vệ tinh gần đây của TerraServer thời điểm ngày 11/11/2016, cho thấy những công trình được khởi đầu ở căn cứ hải quân Cổ Trấn Khẩu nằm cách Thanh Đảo 50 km về phía tây nam, để xây dựng một bến cảng thứ hai cho tàu sân bay, có vẻ cùng kích thước với chiếc đầu tiên.
Bến cảng đầu tiên xây dựng ở Cổ Trấn Khẩu và kết thúc năm 2012, dài 580 m và rộng 120 m. Bến cảng đang xây dựng dự kiến đón tàu sân bay mới loại 001A, đang được hải quân Trung Quốc đóng ở công trường Đại Liên, dự kiến hoàn tất vào năm 2019.
Nhưng đã có một bến cho tàu sân bay từ năm 2013 ở Hải Nam. Bến cảng này đã đón tàu sân bay Liêu Ninh lần đầu tiên vào tháng 11/2013, khi chiếc tàu sân bay lần đầu tiên thao diễn ở Biển Đông với các tàu hộ tống.
Cách căn cứ hải quân Tam Á không xa còn có sân bay Lăng Thủy đang được mở rộng. Đây là căn cứ đón các chiến đấu cơ J-11B và máy bay ném bom JH-7A, của không đoàn thứ 9 của hải quân Trung Quốc.
Không những các đường bay được thay đổi, mà còn các công trình xây dựng ở những khu vực chung quanh cho thấy quy mô mở rộng đáng kế. Không loại trừ khả năng các chiến đấu cơ của các tàu sân bay cập bến ở Tam Á sẽ đến căn cứ này trong những năm sắp tới.