|
Hai khu trục hạm Lassen và Wilbur của Mỹ đã thực hiện tuần tra ở Biển Đông khiến Trung Quốc rất cay cú |
Mặc dù nói rằng Bắc Kinh «tôn trọng và bảo vệ tự do hàng hải và hàng không» ở Biển Đông, ông Tập Cận Bình cảnh cáo Mỹ rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận việc lấy cớ tự do hàng hải «để xâm phạm chủ quyền và các lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc».
Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố như trên với tổng thống Obama vào lúc hải quân Mỹ gia tăng các cuộc tuần tra ở vùng biển Đông nhằm bảo vệ «tự do hàng hải», nhất là ở khu vực gần các đảo đang tranh chấp, những đảo mà Bắc Kinh tiếp tục bồi đắp. Đáp lại hành động của Mỹ, gần đây Trung Quốc đã triển khai tên lửa địa đối không trên đảo Phú Lâm, đảo lớn của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã đánh chiếm từ năm 1974.
Các quan chức Mỹ đã bày tỏ quan ngại rằng những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông không đúng với lời cam kết của chủ tịch Tập Cận Bình vào năm ngoái tại Nhà Trắng rằng Bắc Kinh sẽ không quân sự vùng biển mang tính chiến lược này. Đây cũng là điều mà ông Ben Rhodes, cố vấn cao cấp của tổng thống Obama về chính sách ngoại giao, nhắc lại trước cuộc gặp gỡ giữa hai lãnh đạo Mỹ-Trung.
Ngay lập tức, phát ngôn viên bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng cảnh cáo Mỹ là nên «thận trọng» trên vấn đề Biển Đông, tiếp theo sau tuyên bố của thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work là Washington sẽ không tôn trọng một vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc đơn phương thiết lập ở vùng biển đang tranh chấp này.
Ngày 30/3, ông Robert Work đã nhấn mạnh rằng việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông không hề có một cơ sở nào về mặt luật pháp quốc tế và theo ông, việc thiết lập một vùng như vậy sẽ «gây mất ổn định» khu vực.
Đáp lại tuyên bố của thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, phát ngôn viên bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân ngày 31/3 đã lên án Hoa Kỳ vẫn giữ «tâm lý Chiến tranh lạnh» và «đi ngược lại xu hướng hòa bình, phát triển và hợp tác».
Ngày 1/4, đến lượt phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi chỉ trích tuyên bố của ông Robert Work, khẳng định việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông không có liên hệ gì đến các tranh chấp lãnh thổ ở vùng biển này. Ông Hồng Lỗi cũng bác bỏ tuyên bố của thứ trưởng Quốc phòng Mỹ rằng việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông là không có cơ sở về mặt luật pháp quốc tế.
Các cuộc đấu khẩu giữa lãnh đạo và quan chức hai nước Mỹ-Trung cho thấy Biển Đông là vấn đề gây bất đồng ngày càng khó giải tỏa giữa hai siêu cường quốc này. Bắc Kinh thì ngang ngược tuyên bố bảo vệ «chủ quyền», còn Washington thì dứt khoát bảo vệ «tự do hàng hải», hai khái niệm ngày càng đối chọi, làm gia tăng nguy cơ xảy ra đụng độ giữa hai bên ở vùng biển chiến lược này.
Kể từ tháng 10/2015 đến nay, Mỹ đã thực hiện 2 cuộc tuần tra vì tự do hàng hải áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông, thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.
Washington cũng tăng cường giám sát trên không, đẩy mạnh các cuộc tập trận với các đồng minh ở Châu Á và siết chặt hợp tác quân sự với các nước phản đối kế hoạch quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông bao gồm Việt Nam.
Trung Quốc trong năm nay đã cho triển khai tên lửa đất đối không, tên lửa chống hạm và máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa của Việt Nam, trong lúc ráo riết xúc tiến các công trình thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.
Theo Sputnik, Xinhua, RT