Biển Đông sắp dậy sóng, Trung Quốc lên ‘kịch bản’ đáp trả phán quyết “đường lưỡi bò“

Bà Amy Searight, Cố vấn cấp cao kiêm Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) cho rằng bất luận phán quyết như thế nào, biển Đông sẽ “dậy sóng”, VOA cho biết.
Chiến đấu cơ Su-27 của quân đội Trung Quốc

Dư luận ở Mỹ lo ngại Bắc Kinh sẽ đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông, nếu vấp phải phán quyết bất lợi từ vụ kiện của Philippines, trong khi Mỹ phô trương sức mạnh nhằm trấn an đồng minh.

Giả thuyết này được nêu ra hôm 20/6 trong cuộc thảo luận tại một trung tâm nghiên cứu có tiếng ở thủ đô Washington, nơi nhiều lãnh đạo của Việt Nam từng phát biểu, về các bước đi của các bên, nhất là Trung Quốc và Mỹ, sau quyết định sắp tới của Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc.

Tòa đặt tại La Haye (Hà Lan) dự kiến sẽ ra phán quyết vào ngày 7/7 về vụ kiện “đường 9 đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông do Philippines khởi xướng.

Bà Amy Searight, Cố vấn cấp cao kiêm Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) cho rằng bất luận phán quyết như thế nào, Biển Đông sẽ “dậy sóng”.

Chuyên gia về an ninh châu Á này nói thêm: “Điều quan trọng cần phải nhấn mạnh rằng trong ngắn hạn, cho dù tòa án ra phán quyết như thế nào đi chăng nữa, nó sẽ làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông, thay vì giúp hạ giảm. Trung Quốc đã nói rõ sẽ không chấp nhận và tuân thủ phán quyết này. Trung Quốc cũng đã khai mào cuộc chiến ngoại giao, thu hút sự ủng hộ của một số nước như Afghanistan, Gambia, Niger…”

Bà Searight nhận định tiếp rằng Mỹ nhiều khả năng sẽ lên tiếng nhấn mạnh về tính cưỡng chế thi hành về mặt pháp lý của phán quyết đó đối với cả Philippines lẫn Trung Quốc, đồng thời Washington sẽ phối hợp với các bên cùng quan điểm như Nhật Bản, Liên hiệp châu Âu hay Ấn Độ để củng cố tuyên bố đó.

Nhưng nhà nghiên cứu này cho rằng điểm mấu chốt vẫn là ASEAN, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, và đây là sẽ “phép thử đối với sức mạnh và sự đoàn kết” của khối này. Mới đây, ASEAN đã rút lại một tuyên bố cứng rắn về biển Đông sau khi vấp phải điều các nhà quan sát nói là “áp lực ngoại giao” từ Trung Quốc sau cuộc đối thoại với Bắc Kinh ở tỉnh Vân Nam.

Những người tổ chức hội thảo ở CSIS cũng tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến của người tham dự về 5 khả năng Trung Quốc có thể thực hiện ở biển Đông trong vòng một năm tới, như xây dựng đảo nhân tạo trên bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh chiếm từ Philippines, triển khai chiến đấu cơ tới Trường Sa, hoặc lập vùng Nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Hơn 53% số người tham dự nghiêng về khả năng Trung Quốc sẽ lập vùng ADIZ ở biển Đông.

Trung Quốc ngang nhiên cho máy bay đáp xuống Đá Chữ Thập, thách thức dư luận quốc tế, gây căng thẳng khu vực

Về vấn đề này, ông Gregory B. Poling, Giám đốc dự án Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của CSIS, nhận định thêm: “Năm 2013, Trung Quốc đã áp đặt vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông (nơi Bắc Kinh tranh chấp với Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư). Mọi tuyên bố chính thức của Trung Quốc từ đó tới nay đều nói rằng họ có quyền làm điều tương tự ở Biển Đông. Tôi nghĩ điều này nhiều khả năng sẽ xảy ra".

Chuyên gia này phân tích: "Câu hỏi đặt ra là liệu Bắc Kinh có thể buộc các nước phải tuân thủ điều này không. Trung Quốc gần như hoàn tất đường băng họ xây dựng ở Trường Sa. Có sự khác biệt giữa việc một số máy bay có thể đáp xuống đó với chuyện thi hành tuyên bố ADIZ, nhất là với Mỹ, Nhật và Ấn Độ”.

Ông Poling nói thêm rằng Trung Quốc sẽ có hành động cả trên đất liền lẫn trên biển nhằm chứng tỏ không tuân thủ phán quyết đồng thời nhằm trừng phạt Philippines vì đã đâm đơn kiện.

Cuộc chiến ngoại giao

Bắc Kinh thời gian qua tăng cường tìm kiếm sự hậu thuẫn của nhiều nước trong vụ kiện “đường lưỡi bò”. Hồi tháng 4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ủng hộ lập trường của Trung Quốc về việc giải quyết song phương tranh chấp biển Đông. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cũng kêu gọi “các quốc gia ngoài cuộc ngừng can thiệp vào các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng sau đó hoan nghênh phát biểu của nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, nói thêm rằng “bất cứ ai quan tâm đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông nên hỗ trợ Trung Quốc và các nước liên quan trực tiếp giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán và tham vấn phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Tuy nhiên, ngay lập tức người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình sau đó nhấn mạnh rằng đối với những vấn đề chỉ liên quan đến hai nước, Việt Nam theo đuổi biện pháp giải quyết song phương. Ông Bình nói rằng còn đối với những vấn đề liên quan đến các nước và các bên khác như quần đảo Trường Sa, thì không thể chỉ giải quyết song phương mà cần có sự tham gia của các bên liên quan.

Trong một động thái nhằm trấn an các đồng minh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trước khi Tòa trọng tài ra phán quyết, hải quân Mỹ hôm 18/6 đã triển khai hai tàu sân bay cùng nhiều tàu chiến tới tham gia tập trận trên Biển Philippines. Hai nhóm tàu sân bay USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan bao gồm hơn 12 nghìn thủy thủ, 140 máy bay và 6 tàu chiến khác.

Mỹ nhiều lần tuyên bố rằng chiến lược xoay trục sang châu Á cũng như việc tăng cường các hoạt động tự do hàng hải ở biển Đông không nhằm “khống chế” tham vọng bá quyền của Trung Quốc.