Biển Đông: Mỹ tác chiến không-hải như thế nào?

VietTimes -- Thực tế học thuyết tác chiến không-hải (Air – Sea Battle Operational Concept) chỉ là một bản sao chép lại cuộc chiến tranh ở Việt Nam của lực lượng quân đội Mỹ trên Biển Đông.

Từ những nhận định của các nhà chiến lược địa chính trị Mỹ về sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự và đặc biệt trong lĩnh vực không quân – hải quân trên khu vực phía Tây Thái Bình Dương, học thuyết tác chiến không-hải của Mỹ đã ra đời.

Các chuyên viên phân tích chiến lược Mỹ thuộc Trung tâm phân tích đánh giá chiến lược và ngân sách quốc phòng (Center for Strategic and Budgetary Assessments) Mỹ đã nhận định trong tương lai gần, sự phát triển của PLA sẽ ngăn chặn khả năng tiếp cận và hoạt động tự do hàng hải của Mỹ trên khu vực Biển Đông, Hoa Đông và Tây Thái Bình Dương, đe dọa nghiêm trọng những lợi ích của nước Mỹ

Từ những lập luận trên, các chuyên gia chiến lược Mỹ đề xuất Học thuyết tác chiến không–hải (Air – Sea Battle Operational Concept) nhằm đối phó với nguy cơ từ Trung Quốc. Tháng 1.2012, Lầu Năm Góc thành lập Văn phòng phân tích và định hướng đưa vào thực tế Học thuyết tác chiến không-hải (Air – Sea Battle Operational Concept).

Nội dung của Học thuyết tác chiến không–hải được đưa ra như một “tư duy sáng tạo” trong vô vàn các học thuyết quân sự của Mỹ có mục tiêu: “Phá hủy, tiêu diệt và đánh bại mọi lực lượng quân sự thù địch của đối phương trên toàn bộ chiều sâu chiến trường, thống trị bầu trời và mặt biển, phong tỏa lục địa của đối phương. Lực lượng quân sự thù địch bao gồm cả đối tượng tác chiến có tiềm lực quân sự hùng mạnh để phong tỏa toàn bộ khu vực tây Thái Bình Dương.

Học thuyết có nội dung giải đáp và định hướng các vấn đề tác chiến liên hợp, giải pháp liên kết sức mạnh của các lực lượng không quân và hải quân Mỹ cũng như các nước đồng minh trong một hệ thống đồng bộ thống nhất trên tất cả các không gian chiến trường – trên không, trên biển, trên đất liền, trong vũ trụ và không gian ảo.

Mục đích chủ yếu của học thuyết quân sự này là phát triển sức mạnh răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước cô lập đối phương nhằm đáp trả những nguy cơ đe dọa quyền tự do hoạt động trên các đại dương của Mỹ.

Sự ra đời của học thuyết này đã làm tốn giấy mực của rất nhiều các nhà phân tích, bình luận trong và ngoài nước. Có những nhà phân tích chiến lược cho rằng học thuyết là một sáng tạo chiến lược “có sức mạnh răn đe – ngăn chặn”, một số khác cho rằng học thuyết tác chiến không-biển (Air – Sea Battle Operational Concept) là một bước phát triển mạnh mẽ của lịch sử tư duy chiến lược, chiến dịch. Nhưng trên thực tế, Học thuyết (Air–Sea Battle Operational Concept) chỉ là một bản sao chép lại cuộc chiến tranh ở Việt Nam của lực lượng không quân hải quân Mỹ trên Biển Đông.

Những thành phần chủ chốt của Học thuyết tác chiến không-biển là sử dụng triệt để sức mạnh các lực lượng hải quân (các cụm tàu sân bay và chiến hạm tác chiến chủ lực), không quân hải quân, lực lượng Không quân và các lực lượng khác (bộ binh, lực lượng đặc nhiệm, lực lượng các nước đồng minh, tác chiến điện tử) với mục đích tấn công, tiêu diệt, bao vây và phong tỏa đất liền trên một không gian chiến trường rộng lớn nhằm bóp nghẹt và phá hủy, tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa sức mạnh quân sự, vũ khí trang thiết bị chiến tranh của đối phương trên toàn bộ chiều sâu chiến trường trong cuộc chiến tranh phi tiếp xúc, hỏa lực quy mô lớn, độ chính xác cao).

Tất cả những thành phần than gia học thuyết cũng như mục đích đặt ra đã được nêu lên trong mục đích, yêu cầu, nội dung và hành động của các chiến lược “chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ” của Mỹ tính từ năm 1960 đến năm 1973.

Dù không được hình thành một Học thuyết gây nhiều tiếng tăm như (Air – Sea Battle Operational Concept). Nhưng cụm không quân hải quân tác chiến chủ lực 77 của Hạm đội 7 Mỹ đã thực hiện chính xác những nhiệm vụ đã nêu trong cuộc chiến tranh không biển ở Việt Nam. Trong suốt giai đoạn chiến tranh, quân đội Mỹ thời điểm cao điểm nhất đã sử dụng đến 98 chiến hạm các chủng loại, trong đó thường xuyên có 4 tàu sân bay, 2-4 tàu tuần dương, từ 32 – 64 khu trục hạm và hộ tống hạm, 1-2 tàu sân bay trực thăng, 12 – 40 tàu đổ bộ đường biển với số lượng máy bay tham chiến từ 443 đến 908 máy bay các loại.

Trong chiến tranh ở Việt Nam, lực lượng hải quân, không quân hải quân hạm đội 7 phải giải quyết hàng loạt nhiệm vụ trong phạm vi rộng lớn. Các máy bay không quân hải quân tập kích các mục tiêu trên đất liền và các khu vực công nghiệp, tiến hành đổ bộ lực lượng lính thủy đánh bộ đường biển và đường sông, tiến hành phong tỏa bờ biển, đảm bảo an toàn cho các lực lượng vận tải sông – biển.

Trong thực tế chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ đã sử dụng triệt để các kinh nghiệm của các cuộc chiến tranh trước, đồng thời cũng biến chiến trường Việt Nam thành bãi thử nghiệm các loại vũ khí mới, các phương thức tác chiến mới và các phương tiện chiến tranh mới.

Cuộc chiến trên vịnh Bắc Bộ

Để thực hiện nhiệm vụ tấn công tiêu diệt các mục tiêu quân sự và các mục tiêu kinh tế, quân sự, bộ chỉ huy quân đội Mỹ ở Việt Nam sử dụng lực lượng của cụm không quân hải quân tác chiến chủ lực của hạm đội 7 rất thường xuyên. Như ở trong chiến tranh Triều Tiên, cụm không quân hải quân tác chiến số 77 (ACTF -77) luân phiên có 15 tàu sân bay tác chiến chủ lực và 2 tàu sân bay chống ngầm, trong suốt cuộc chiến đã tiến hành 66 chiến dịch tập kích bở biển Việt Nam trên quy mô lớn.

Trong tất cả 16 tàu sân bay, tham gia vào chiến tranh Việt Nam có các tàu sân bay "Enterprise", "America", "Independes", "Kitty Hawk", "Constellation", "Ranger", "Saratoga", "Midway", "Corales", "Franklin D. Roosevelt", "Bon Homme Richard" "Oriskany" "Ticonderoga" "Hancock" và "Forrestal".

Nhiều tàu sân bay đã tiến vào vùng chiến sự bờ biển Việt Nam 5-7 lần. Tàu sân bay nguyên tử "Enterprise" từ năm 1965 đến năm 1972 đã 6 lần hành tiến sâu vào Vịnh Bắc bộ, tiến hành 39.000 đợt không kích vào Việt Nam, ném hơn 30.000 tấn bom đạn và rải 400 quả thủy lôi.

Sơ đồ cơ động tiếp cận Vịnh Bắc bộ của ACTF-77 .

Tàu sân bay nguyên tử "Enterprise".
Tàu sân bay Kity Hawk.

  Trong biên chế của ACTF-77 có từ 1 – 5 tàu sân bay, trong đó có từ 2 – 3 tàu sân bay tấn công chủ lực, 5 tàu tuần dương pháo hạm, 15 tàu khu trục và tàu hộ vệ pháo hạm, 6 tàu tuần biển. Mặc dù hầu như không có một sự kháng cự nào trên biển, bộ tư lệnh quân đội Mỹ vẫn tiến hành toàn bộ cơ cấu biên chế tổ chức phòng ngự trên biển. Tuyến phòng ngự tầm gần bao gồm các tàu tuần dương, tàu khu trục và tàu hộ vệ pháo hạm, tạo thành vòng cung phòng ngự quanh các tàu sân bay trên khoảng cách từ 20 – 30 cab (1 cab = 219.5 m).

Các máy bay trinh sát điện tử AWACS tuần tiễu ngày đêm 24/7, các máy bay tiêm kích che chắn và bảo vệ hoặc bay tuần tiễu trên bầu trời, hoặc đậu ở trên boong trong tư thế sẵn sàng cất cánh đánh chặn cao nhất. Hệ thống phòng thủ chống ngầm được giao cho một đơn vị tìm kiếm tấn công chống ngầm bao gồm các máy bay trinh sát, chống ngầm trên tàu sân bay, các máy bay tuần biển chống ngầm lớp "Orion" và "Neptune", tuần tiễu trong khu vực thả neo và tầm xa chống ngầm.

Khu vực cơ động chiến đấu dọc bờ biển Việt Nam của ACTF-77.  

Các tàu sân bay hoạt động chiến đấu trong hạm đội 7 là 175 — 250 ngày, trong đó có từ 5 — 6 lần tiến vào khu vực chiến sự, thời gian hoạt động cao nhất là 50 ngày. Thời gian cơ động chiến đấu ngoài vùng chiến sự là 108 đến 136 ngày, chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu khoảng 45 ngày, neo đậu tại căn cứ - đến 60 ngày.

Các hoạt động bảo dưỡng và sửa chữa thường xuyên chiếm khoảng từ 170 ngày đến 210 ngày. Các chuyến hải hành của các tàu sân bay từ vùng biển phía Tây nước Mỹ đến Việt Nam trong vòng 14 ngày, từ bờ Đông chiếm gấp đôi thời gian.

Khi hoạt động trong vùng chiến sự, tàu sân bay tham gia các hoạt động tác chiến liên tục từ 6 đến 11 ngày, tiếp theo là 1 ngày nghỉ của lực lượng biên chế trên tàu và tiến hành kiểm tra, sửa chữa bảo dưỡng các máy bay chiến đấu. Khi có tới 3 tàu sân bay đều hoạt động trong khu vực chiến sự, một trong 3 chiếc sẽ là lực lượng dự bị tăng cường, hai tàu sân bay thực hiện nhiệm vụ tấn công chủ lực, các máy bay chiến đấu tiến hành các đợt không kích 12 giờ trong ngày.

Vùng cơ động chiến đấu của các cụm tàu sân bay trên Vịnh Bắc Bộ.  

Khu vực cơ động tác chiến của ACTF-77 tính từ tháng 2.1965 đến tháng 1.1973 nằm trên vịnh Bắc bộ, khu vực này có diện tích khoảng 140 – 160 dặm, cạnh gần nhất với bờ biển Việt Nam là từ 40 – 80 dặm, khoảng cách xa nhất là 100 – 120 dặm. Trong khu vực luôn có ít nhất hai cụm không quân hải quân chủ lực tấn công, mỗi cụm được phân cấp 1 khu vực hoạt động thứ cấp.

Trong các khu vực của cụm không quân hải quân công kích chủ lực có khu vực nạp nhiên liệu và cung cấp nhu yếu phẩm, vũ khí đạn và cơ sở vật chất đi cùng, nhiệm vụ hậu cần kỹ thuật được giao cho một nhóm tàu có trang bị máy bay trực thăng vận tải, thường được gọi là hậu cứ trên biển. Lực lượng không quân hải quân Mỹ hoạt động trên chiều sâu chiến trường từ 200 – 650 km tính từ trung tâm của khu vực cơ động tác chiến, bình diện tấn công khoảng từ 400 – 650 km.

Lực lượng không quân hải quân ACTF-77 khi có hai tàu sân bay hoạt động trên vùng chiến sự thường xuyên tác chiến trên không có từ 152 đến 166 máy bay (trong đó có 86 – 96 máy bay cường kích ném bom, 48 máy bay tiêm kích) nếu biên chế lên đến 3 tàu sân bay (đây cũng là con số thường xuyên có mặt trên Vịnh Bắc bộ) là 240 – 250 máy bay chiến đấu (trong đó có 130 – 150 máy bay cường kích, 72 – 84 máy bay tiêm kích).

Trong trường hợp cường độ tác chiến tăng cao, sẽ có 4 tàu sân bay cùng tham gia tác chiến với 312 – 324 máy bay chiến đấu (166 – 184 máy bay cường kích, 96 máy bay tiêm kích), sự thay đổi biên chế của ACTF-77 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có hoạt động phòng không của đối phương và những tổn thất mà hạm đội 7 phải chịu.

Con số thương vong cũng đáng sợ. Từ ngày 7.2.1965 đến 31.3.1968, hải quân Mỹ mất 360 máy bay không quân hải quân và đến 1.000 máy bay bị hư hỏng hoặc trúng đạn. Trong suốt thời gian chiến tranh ACTF-77 bị tiêu diệt khoảng 640 máy bay chiến đấu các chủng loại.

Tác chiến không-hải tại Việt Nam

Tháng 8.1964, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ căn cứ vào những thông tin tình báo trinh sát của quân đội Mỹ, đã lên kế hoạch tấn công 94 mục tiêu trên lãnh thổ Miền Bắc Việt Nam, đây là những mục tiêu cần tấn công phá hủy đầu tiên, bao gồm các đường bộ giao thông vận tải, các khu công nghiệp và các nhà máy năng lượng, các nhà máy hoặc tổng kho xăng dầu, các trận địa phòng không. Nhiệm vụ hàng đầu và cũng quan trọng nhất là các điểm nút giao thông, cần tiến công liên tục suốt chiều dài cuộc chiến tranh.

Để có được các thông tin mục tiêu, Mỹ sử dụng các loại máy bay trinh sát, trong đó chủ yếu dùng máy bay trinh sát chiến lược U-2 đồng thời kết hợp với các tàu trinh sát điện tử và TCĐT. Chỉ huy trưởng ACTF-77, Chuẩn Đô đốc D.Richardson cho biết: “ Mục đích của chúng tôi là không cho đối phương khả năng sử dụng các tuyến đường giao thông chính, buộc họ phải chuyển các phương tiện giao thông sang những con đường nhánh, đường phụ, bỏ qua những tuyến đường đã bị đánh hư hỏng nặng, bằng cách đó giảm thiểu nguồn cung cấp binh lực, vũ khí trang bị cho Miền Nam Việt Nam.

Máy bay tiêm kích mang bom F-4 Con ma.

 Từ tháng 6. 1965, khả năng không kích đường giao thông và các mục tiêu vận tải của không quân hải quân Mỹ được nâng cao nhờ sử dụng loại máy bay ném bom tốc độ cận âm A-6 "Intruder" và máy bay trinh sát điện tử tầm xa E-2 "Hawkeye" được đưa vào biên chế vào tháng 10.1965, máy bay này được sử dụng như một đài chỉ huy trên không.

Tần suất không kích của không quân hải quân Mỹ vào năm 1966 là: Từ một tàu sân bay bình quân các máy bay chiến đấu xuất kích 111 lần/ngày đêm, từ hai tàu sân bay, con số là 178 . Đến năm 1969, tần suất cất cánh từ một tàu là 178 và từ hai tàu sân bay là 311, nhưng đến năm 1972 tần suất giảm xuống còn 132 lần xuất kích trên một tàu và 233 trên hai tàu sân bay.

Khai thác sử dụng máy bay chiến đấu cũng có cường độ rất cao, mỗi ngày một máy bay cường kích tham gia từ 1,2—1,3 lần cất cánh, máy bay tiêm kích là 0,5—0,9 lần cất cánh; máy bay trinh sát TCĐT là 1,43 — 1,7 lần cất cánh; máy bay tác chiến điện tử và quan sát trên không AWACS 1,25 — 1,5; máy bay trinh sát quang ảnh là 0,58 — 0,83 lần xuất kích. Do trên tàu số lượng phi công được biến chế là 1,3 — 1,5 kíp lái cho một máy bay đã không làm quá tải sức chịu đựng của phi đoàn khi các hoạt động tác chiến được tăng cường tối đa.

Máy bay A-6 "Intruder" cất cánh trên tàu sân bay.  

Trong tổng thể chung tính từ năm 1964 đến năm 1973, không quân của ACTF-77 đã tiến hành 500.000 cuộc tập kích đường không: 70% các chuyến bay không kích và 30% — các chuyến bay yểm trợ hỏa lực; 60% các chuyến bay không kích nhằm tấn công các mục tiêu trên đất liền thuộc miền Bắc Việt Nam.

Máy bay không quân Hải quân Mỹ thông thường tùy theo nhiệm vụ chiến đấu chỉ mang từ 30 – 60 % khối lượng vũ khí tính theo tải trọng cực đại. Trên máy bay A-6 "Intruder" mang đến 80%. Số lượng vũ khí do tính chất và năng lực tác chiến vùng ven và các vùng có lực lượng phòng không yếu hơn.

Giới hạn số lượng vũ khí tấn công còn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi yêu cầu giảm nhẹ tải trọng máy bay nhằm tăng cường bán kính hoạt động tác trên tầm cao thấp và tầm thấp giới hạn đồng thời nhằm nâng cao khả năng cơ động của máy bay trong khu vực lực lượng phòng không dày đặc.

Cất cánh trên tàu sân bay.  

Lực lượng không quân Mỹ thường tiến hành các đợt tấn công theo các chiến dịch không kích. Chiến dịch không kích đầu tiên được tiến hành vào ngày 2.3.1965.Tính từ thời điểm đó đến 1969, không quân hải quân của ACTF-77 đã tiến hành hơn 60 chiến dịch không kích.

Các chiến dịch không kích được quy định ngày, giờ tập kích cũng như thời gian tập kích đường không, số lượng mục tiêu đánh phá, tọa độ và tính chất của mục tiêu, lực lượng phòng không của đối phương; số lượng và chủng loại máy bay tham gia chiến đấu, số lượng và loại vũ khí mang theo; tuyến đường hành quân tiếp cận mục tiêu và quỹ đạo đường bay không kích, tuyến hành quân về căn cứ; phương pháp không kích, đội hình chiến đấu của các máy bay không kích;

Tổ chức và phương pháp gây nhiễu thụ động và nhiễu tích cực bảo vệ đội hình không kích; đội hình lực lượng máy bay tiêm kích ném bom che chắn và yểm trợ hỏa lực, phương pháp điều hành tác chiến và liên kết phối hợp; lực lượng, đội hình và phương pháp cứu hộ máy bay chiến đấu bị hỏng hóc cũng như phương pháp cứu hộ phi công.

Chỉ huy cấp cao nhất trên chiến trường Việt Nam là bộ chỉ huy chiến trường điều hành toàn bộ lực lượng quân đội Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương. Liên kết phối hợp giữa lực lượng không quân và không quân hải quân trong mỗi chiến dịch do bộ chỉ huy tiền phương của không quân Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương đảm nhiệm.

Từ những dữ liệu phân tích kế hoạch tác chiến, phương thức tiến hành tác chiến, không gian chiến trường, cơ cấu tổ chức biên chế lực lượng và đội hình tác chiến của ACTF-77 Hạm đội 7 Mỹ cho thấy khi tiến hành chiến tranh đánh phá Miền Bắc Việt Nam và chiến tranh cục bộ ở Miền Nam Việt Nam, cụm không quân hải quân công kích chủ lực Mỹ ACTF-77 đã triển khai những hoạt động tác chiến rất chặt chẽ, khoa học, tính toán hầu hết các tình huống của chiến trường và công tác đảm bảo tác chiến rất chi tiết, tỷ mỉ, đáp ứng đúng yêu cầu của tác chiến không-biển hiện đại (Air – Sea Battle Operational Concept) hiện nay.

Tuy  nhiên, Mỹ đã vấp phải một lực lượng vũ trang nằm ngoài khả năng tính toán của những bộ óc điện tử Lầu Năm Góc. Mặc dù không có một sức mạnh đối kháng nào trên biển gây khó khăn cho tác chiến trên biển nhưng với thế trận phòng không dày đặc, đa tầm của Miền Bắc Việt Nam, ý chí kiên cường của quân và dân Miền Bắc đã vô hiệu hóa mọi đòn tập kích tiến công của đối phương. Cũng cần chú ý rằng, mục đích chủ yếu của tác chiến không-hải là đánh quỵ tiềm lực chiến tranh, ý chí chiến đấu của đối phương trong một cuộc chiến tranh phi tiếp xúc với hỏa lực quy mô lớn, chính xác và mật độ hỏa lực rất cao.

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, ưu thế công nghệ và hỏa lực nhanh chóng mất đi khi thời gian chiến tranh kéo dài. Lực lượng vũ trang Việt Nam đã phát triển rất nhanh, từng bước khống chế bầu trời và bẻ gãy các cuộc tập kích đường không của không quân và không quân hải quân Mỹ.

Những tổn thất nặng nề của ACTF-77 trong chiến tranh khẳng định rõ một điều cơ bản, kết quả của chiến trường không phụ thuộc vào ưu thế vượt trội của khoa học công nghệ, phương tiện chiến tranh mà được quyết định bởi ý chí quyết thắng của dân tộc, của những con người chiến đấu bảo vệ đất nước trước những hành động xâm lược của kẻ thù.