|
Cụ thể, theo đề xuất của Phó Đô đốc Robert Thomas đưa ra hôm thứ Ba (17/3), ông Thomas đã đề xuất rằng các nước ASEAN nên hợp tác để thiết lập một lực lượng hàng hải chung nhằm tiến hành hoạt động tuần tra trên biển ở Biển Đông. Mỹ cũng đề nghị giúp ASEAN một tay trong hoạt động tuần tra Biển Đông.
Tờ Bloomberg đưa tin, Phó Đô đốc Thomas của Hải quân Mỹ đã đưa ra đề xuất nói trên tại Triển lãm Hàng không và Hàng hải Quốc tế Langkawi được tổ chức ở Malaysia sau cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN. Phát biểu tại hội nghị này, ông Thomas đã nói, các nước ASEAN nên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải trong khi vẫn tôn trọng chủ quyền và không gian ven biển của nhau. Hoạt động hợp tác đó nên được tổ chức giống như trường hợp các nước phối hợp nỗ lực để chống lại nạn cướp biển ở vùng Vịnh Aden.
“Có lẽ nói thì dễ hơn làm nhưng từ quan điểm chính sách và tổ chức, một sáng kiến như vậy có thể giúp làm rõ hơn các mục tiêu hoạt động trong những sự kiện huấn luyện mà ASEAN đang muốn theo đuổi. Nếu các nước thành viên ASEAN dẫn đầu trong việc tổ chức một thứ gì đó giống như vậy, hãy tin tôi đi, Hạm đội số 7 của Mỹ sẽ sàng giúp đỡ và hậu thuẫn”, ông Thomas đã cam kết như vậy.
Người đứng đầu lực lượng hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương khẳng định, Mỹ sẽ ủng hộ cho kế hoạch tiến hành các cuộc tuần tra đa quốc gia ở Biển Đông giống như các nước đã làm ở Eo biển Malacca.
Giới chức Lầu Năm Góc cũng đã ngầm đồng ý với đề xuất của Phó Đô đốc Thomas. Điều này được thể hiện trong một tuyên bố được phát đi ngày hôm qua (20/3), trong đó nói rằng: “Bộ Quốc phòng hoan nghênh các nỗ lực tập thể nhằm củng cố an ninh hàng hải ở Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có những nỗ lực do ASEAN làm chủ và dẫn dắt. Chúng tôi tin rằng sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước thành viên trong ASEAN là vô cùng quan trọng trong việc duy trì hòa bình và thịnh vượng ở trong khu vực”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc – bà Henrietta Levin cho hay.
Phó Đô đốc Philippine Jesus Millan sau đó đã nói rằng, Hải quân Philippine đồng ý với đề xuất của Phó Đô đốc Mỹ Thomas. Đây là điều không có gì đáng ngạc nhiên. Manila từ lâu đã luôn công khai phản đối gay gắt những cuộc tuần tra của tàu thuyền Trung Quốc xung quanh những vùng tranh chấp ở Biển Đông trong những năm gần đây và đồng minh Mỹ đã tăng cường giúp đỡ để Manila có thể tiến hành các cuộc tuần tra tương tự để giám sát mọi hoạt động trong vùng lãnh hải của mình.
Tuy nhiên, ông Milan thừa nhận, sáng kiến của ông Thomas đòi hỏi cần phải có sự tập trung nguồn lực và vì thế cần tất cả các nước liên quan cùng tham gia.
Chắc chắn bất kỳ lực lượng tuần tra hàng hải chung nào của ASEAN ra đời với sự tham gia của Mỹ hay sự ủng hộ của Mỹ đều sẽ khiến Trung Quốc nổi điên.
Trung Quốc lại tức giận với Mỹ
Trung Quốc hôm qua đã lên tiếng chỉ trích vị sĩ quan hải quân cấp cao của Mỹ về việc đưa ra đề xuất trong đó các nước ASEAN sẽ phối hợp tuần tra chung ở Biển Đông với sự giúp đỡ của Hạm đội số 7 của Mỹ.
"Chúng tôi hy vọng rằng Mỹ sẽ tuân thủ nghiêm túc cam kết không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã nói như vậy.
Ông Hồng Lỗi cho rằng những phát biểu của Phó Đô đốc Thomas sẽ “không giúp ích gì cho việc giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông một cách đúng đắn và không giúp gì cho hòa bình, sự ổn định ở Biển Đông..
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, cam kết lâu dài của Bắc Kinh là giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đôgn thông qua đàm phán, tham vấn trực tiếp với các nước có liên quan.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang đòi chủ quyền tới khoảng 90% Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên dựa trên yêu sách đường 9 đoạn phi lý hay còn gọi là đường lưỡi bò. Đường 9 đoạn liếm sâu vào bên trong trung tâm biển của Đông Nam Á. Đòi hỏi chủ quyền phi lý, phi pháp và quá đáng của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ và quyết liệt của các nước trong khu vực nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.
Khi bị cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối, Trung Quốc liên tục khăng khăng cho rằng các cuộc tranh chấp ở Biển Đông chỉ là vấn đề của riêng Trung Quốc với các nước có tranh chấp trực tiếp. Bắc Kinh không ít lần lên tiếng cảnh báo các cường quốc, trong đó có Mỹ, tránh xa Biển Đông. Ngay cả việc đưa vấn đề Biển Đông ra ASEAN cũng bị Trung Quốc phản đối bất chấp thực tế là có đến 4 nước trong ASEAN đang có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông và các nước khác đều có lợi ích ở Biển Đông.
Trung Quốc luôn đòi tự giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông với riêng từng nước trên cơ sở song phương. Sở dĩ Bắc Kinh phản đối quyết liệt việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, muốn giải quyết trên cơ sở song phương là do nước này muốn dùng sức mạnh của nước lớn để ép các nước nhỏ đang có tranh chấp với họ để dễ bề giành ưu thế. Tuy nhiên, đây là điều mà cộng đồng quốc tế không chấp nhận. Đề xuất mới của Mỹ lại khiến Trung Quốc nổi giận đùng đùng.
Theo: VnMedia