|
Ảnh vệ tinh cho thấy nhiều tàu Trung Quốc đang hoạt động ở bãi Ba Đầu (Ảnh: Maxar) |
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 29/3 viết trên Twitter rằng Mỹ “sát cánh cùng đồng minh của chúng ta, Philippines” khi đối diện với cái mà ông gọi là “lực lượng dân quân hàng hải” của Trung Quốc đang tràn ngập bãi Ba Đầu (Philippines gọi theo tên quốc tế là Whitsun) ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. “Chúng tôi sẽ luôn sát cánh cùng các đồng minh và đấu tranh vì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”, ông viết.
Trong khi đó, các Bộ trưởng Quốc phòng của Nhật Bản và Indonesia đã nhất trí trong một cuộc họp trong hôm Chủ nhật vừa qua về việc gửi đi một thông điệp rằng, 2 quốc gia này sẽ cực lực phản đối mọi hành động có thể làm tăng căng thẳng của Trung Quốc trong tuyến đường biển tranh chấp ở khu vực. Theo bộ trưởng Quốc phòng nhật Bản Nobuo Kishi, thỏa thuận này còn bao gồm việc tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước và một cuộc tập trận chung trên Biển Đông.
Sức ép gia tăng từ các nước này xuất hiện sau khi Philippines trao công hàm ngoại giao phản đối tới Bắc Kinh hồi tuần trước, trong đó nói rằng hơn 200 tàu cá của Trung Quốc mà họ tin là có lực lượng dân quân ở trên đã tràn vào và lưu lại ở bãi Ba Đầu kể từ ngày 7/3. Bắc Kinh bác bỏ sự hiện diện của lực lượng dân quân trên các tàu này, nhưng nhắc lại tuyên bố chủ quyền của họ đối với bãi Ba Đầu.
Trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Bảy tuần trước, Bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói rằng ông có thể triển khai máy bay tới khu vực này mỗi ngày để kiểm soát tình hình, và quân đội Philippines sẽ tăng cường hiện diện để “bảo vệ ngư dân Philippines”.
Mặc dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng phía Nhật Bản cũng có tranh chấp với Bắc Kinh ở biển Hoa Đông và đã liên tục nêu quan ngại về Luật Hải cảnh mới cho phép tàu hải cảnh của Trung Quốc nổ súng vào các tàu nước ngoài dám đi vào vùng biển mà họ cho là thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau chuyến thăm của ông Blinken tới nhật Bản hồi trung tuần tháng 3, Mỹ và Nhật Bản khẳng định họ phản đối các tuyên bố chủ quyền “phi pháp” của Trung Quốc trên Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định trên Eo biển Đài Loan – một vấn đề mà Bắc Kinh từng nói là “lằn ranh đỏ”.