|
4 tàu chiến Australia tiến hành tuần tra và diễn tập trên Biển Đông (Ảnh: Đông Phương). |
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương, vào thời điểm quan hệ Trung Quốc - Australia đang căng thẳng, Bộ Quốc phòng Australia hôm thứ Tư (5/5) thông báo 4 tàu chiến của nước này lập thành biên đội đang tiến hành tuần tra trên Biển Đông, tuyên bố hoạt động này thể hiện sự đóng góp của Australia đối với an ninh và ổn định của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Cùng lúc đó, Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản và Hải quân Pháp đã tiến hành cuộc huấn luyện chung ở Okinawa gần Biển Hoa Đông; hai hoạt động này được cho là nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Australia cho biết, các tàu hộ vệ Anzac, Parramatta, Ballarat và tàu tiếp liệu Sirius đã đi qua Biển Đông vào ngày thứ Ba (4/5), đồng thời thực hiện các hoạt động bổ sung trên biển và tổ chức các cuộc diễn tập thông luồng. Các tàu nói trên được chia thành hai nhóm đặc nhiệm để thực hiện hoạt động "triển khai hiện diện trong khu vực", tuần tra viễn dương ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Đông Bắc Ấn Độ Dương, thể hiện cam kết của Australia trong việc hợp tác với các nước đối tác nhằm ứng phó với những thách thức chung như an ninh trên biển trong khu vực.
|
Trực thăng và tàu Australia diễn tập phối hợp trên Biển Đông (Ảnh: Đông Phương). |
Ngoài ra, trước tình hình quan hệ Trung Quốc – Australia ngày càng xấu đi, thượng nghị sĩ độc lập Rex Patrick đã viết một bài báo cho rằng chính phủ nên nâng cấp các tàu ngầm lớp Collins đang phục vụ và tạm hoãn kế hoạch "tàu ngầm tương lai" dự kiến hoàn thành vào năm 2034 hoặc 2035. Do kế hoạch "Tàu ngầm tương lai" sẽ thay đổi ụ bảo dưỡng tàu ngầm ở Osborne, Nam Úc thành cơ sở xây dựng, ụ bảo dưỡng của tàu ngầm lớp Collins sẽ được chuyển đến Tây Úc. Ông nói Australia hiện nay đã gặp phải một "mối đe dọa an ninh quốc gia thực sự". Tình hình khu vực ngày càng trở nên căng thẳng, và tình hình quốc tế năm 2026 sẽ càng phức tạp hơn nên việc bảo dưỡng và nâng cấp tàu ngầm lớp Collins càng trở nên quan trọng.
Ở phía Biển Hoa Đông, tàu tiếp liệu Mashu của Lực lượng Phòng vệ trên biển (Hải quân) Nhật Bản đang tập trận với hộ vệ hạm Surcouf của hải quân Pháp tại vùng biển gần Okinawa hôm thứ Ba (4/5) để tiếp nhiên liệu cho tàu bạn. Lực lượng Phòng vệ Mặt đất (Lục quân) Nhật Bản từ ngày 11 đến ngày 17/5 sẽ tiến hành diễn tập tác chiến bảo vệ đảo xa với Lục quân Pháp và Thủy quân lục chiến Mỹ tại khu vực Kyushu. Dự kiến, các tàu của Nhật Bản và Pháp cùng lúc cũng sẽ tiến hành huấn luyện, đi cùng tàu khu trục Surcouf còn có tàu tấn công đổ bộ Raiden.
|
Đường đi của tàu trinh sát Mỹ USNS Victorious (nét vàng) vào hoạt động trên Biển Đông (Ảnh: SCSPI) |
Trong khi đó, Hải quân Mỹ cũng tiếp tục các hoạt động trên Biển Đông. Khi Trung Quốc đưa tàu sân bay Sơn Đông xuống Biển Đông huấn luyện, các tàu trinh sát biển của Mỹ lập tức có mặt trong cùng khu vực.
Theo Đông Phương, Trung tâm tư vấn Chương trình Nhận thức Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc Viện Hải dương học của Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm thứ Tư (5/5) thông báo, Hải quân Mỹ gần đây đã điều động hai tàu trinh sát biển USNS Victorious và USNS Loyal để giám sát việc huấn luyện các tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông của PLA ở Biển Đông.
SCSPI cho biết tàu trinh sát biển USNS Loyal của Mỹ đã vào Biển Đông vào ngày 5 tháng 4 và thực hiện các hoạt động do thám cường độ cao ở vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và eo biển Bashi, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, được cho là theo dõi các hoạt động của nhóm tàu sân bay Liêu Ninh. Sau khi biên đội tàu Liêu Ninh đã rời khỏi Biển Đông, USNS Loyal tiếp tục hoạt động ở eo biển Bashi, có lẽ theo dõi biên đội tàu Sơn Đông từ Hải Nam xuống Biển Đông huấn luyện. Một tàu trính sát khác là USNS Victorious, đã xuất hiện ở vùng biển phía đông bắc của quần đảo Hoàng Sa vào sáng sớm thứ Tư (5/5) để theo dõi biên đội tàu Sơn Đông cùng với tàu Loyal.
|
Tàu trinh sát biển USNS Victorious của Mỹ (Ảnh:navysite). |
Ngày 2/5, Hải quân Trung Quốc thông báo sẽ tổ chức đội hình tàu sân bay Sơn Đông tiến hành huấn luyện tại vùng biển liên quan trên Biển Đông, nhấn mạnh rằng "việc huấn luyện này là hoàn toàn chính đáng và hợp pháp, có lợi cho việc giúp nâng cao khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia”. Hải quân Trung Quốc cũng tuyên bố rằng họ sẽ tổ chức các cuộc tập trận như vậy thường xuyên theo kế hoạch trong tương lai.
Về việc huấn luyện dài ngày trên biển của đội hình tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông, Bộ Quốc phòng Trung Quốc trước đây tuyên bố rằng tàu sân bay không phải là "cấm cung" và các chuyến đi dài ngày phải được xem là điều bình thường.
Trang web Lianhe Zaobao của Singapore trước đây dẫn lời các học giả Trung Quốc cho rằng việc huấn luyện tàu sân bay Sơn Đông cho thấy cách làm của Trung Quốc trong việc tăng cường xây dựng hải quân, chứng tỏ rằng Bắc Kinh “sẽ không khuất phục trước quân đội Mỹ và áp lực ngoại giao trong vấn đề bảo vệ chủ quyền đảo đảo bãi trên Biển Đông và các quyền lợi biển” mà họ yêu sách.
|
Ảnh vệ tinh chụp tàu Sơn Đông hoạt động trên Biển Đông (Ảnh: Dwnews). |
Học giả này cho rằng tần suất tương tác Trung - Mỹ ở Biển Đông không ngừng gia tăng trong những năm gần đây, chính phủ Mỹ nên nhanh chóng bắt đầu đối thoại quân sự và tiếp xúc với Trung Quốc để nâng cao khả năng quản lý và kiểm soát khủng hoảng giữa hai bên ở Biển Đông. Đây là phép thử lớn nhất đối với quan hệ Trung-Mỹ trong nhiệm kỳ của ông Joe Biden.
Cũng liên quan đến Biển Đông, theo một nguồn thạo tin, ngày 5/5, Philippines đã triển khai tàu cảnh sát biển BRP Sindangan và tàu MCS 3005 của Cục Ngư nghiệp tới khu vực bãi cạn Scarborough mà Philippines tranh chấp với Trung Quốc hiện đang bị Trung Quốc kiểm soát trên thực tế; hiện tại đây có ít nhất một tàu hải cảnh Trung Quốc là tàu 3102 và một số tàu cá.
Ông Hermogenes Esperon, Cố vấn An ninh quốc gia Philippines cũng kêu gọi ngư dân nước này hãy tiếp tục đánh bắt tại khu vực thuộc lãnh thổ và quyền tài phán của Philippines, bất chấp cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc áp đặt kể từ ngày 1/5. Những diễn biến mới nhất tiếp tục cho thấy Bãi cạn Scarborough có thể trở thành một điểm nóng trong thời gian tới giữa Trung Quốc và Philippines.