Ngành du lịch Singapore và một số nước Đông Nam Á đang đứng trước nguy cơ do sự bùng phát trở lại dịch COVID-19 (Ảnh: UDN). |
Theo Bộ Y tế Singapore, trong tuần trước có 56.043 ca mắc COVID-19 mới được ghi nhận ở nước này. Bệnh viện dã chiến tại Trung tâm hội chợ triển lãm Singapore đã được mở cửa trở lại vào ngày 16/12 để điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 chưa đến mức phải điều trị tích cực.
Hiện tại, chủng đột biến JN.1 của virus SARS-CoV-2 mới đã trở thành chủng chủ đạo ở Singapore và các quốc gia khác. Ngoài Singapore, số ca nhiễm COVID-19 ở Indonesia và Malaysia cũng đang tăng mạnh.
Số ca nhiễm tăng 75% so với tuần trước
JN.1 là nhánh phụ thế hệ thứ hai của biến thể Omicron BA.2.86, được phát hiện lần đầu tiên tại Luxembourg vào ngày 25/8 năm nay. Đến ngày 19/12, WHO đã liệt kê nó là một chủng biến thể “cần được chú ý” (VOI).
Từ tháng 11 đến nay, tỷ lệ chủng đột biến JN.1 trong dịch bệnh toàn cầu đã tăng rất nhanh, từ khoảng 4% vào đầu tháng 11 lên 30% vào đầu tháng 12. Tính đến ngày 10/12, JN.1 đã lan rộng tới ít nhất 40 quốc gia/khu vực trên thế giới. Trong số đó, châu Âu chiếm tỷ lệ cao nhất và tỷ lệ chủng JN.1 ở châu Mỹ và các châu lục khác cũng đang có xu hướng tăng trưởng nhanh chóng.
WHO cho biết: "Nguy cơ mà biến thể JN.1 gây ra cho sức khỏe cộng đồng toàn cầu hiện ở mức thấp. Tuy nhiên, với việc mùa đông bắt đầu ở Bắc bán cầu, biến thể JN.1 có thể làm tăng gánh nặng về chứng nhiễm trùng đường hô hấp đối với hệ thống y tế cộng đồng của nhiều nước”.
Thời gian gần đây, làn sóng lây nhiễm ở Đông Nam Á đã gây nên lo ngại. Theo tin tức từ Bộ Y tế Singapore ngày 15/12, từ ngày 3 đến ngày 9/12 sơ bộ phát hiện 56.043 ca nhiễm COVID-19 mới được xác nhận tại nước này, tăng gần 75% so với tuần trước.
Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất cho thấy số ca nhiễm ước tính trung bình hàng ngày trong bảy ngày tuần tiếp theo ở Singapore đã bắt đầu giảm, ngày 18/12, số ca nhiễm ước tính là khoảng 6.820, giảm 910 ca so với ngày hôm trước. Ngày 19/12, con số này tiếp tục giảm xuống còn 6.530, giảm 290 so với hôm trước.
Mặc dù số liệu đã giảm trong hai ngày liên tiếp nhưng các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Singapore trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông vẫn cảnh báo cần phải quan sát thêm một hoặc hai tuần nữa để xác định liệu đỉnh của làn sóng dịch này đã qua hay chưa.
Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung (Vương Ất Khang) vẫn lạc quan về tình hình dịch COVID-19 hiện nay. Ông nói, sau hơn 3 năm dịch bệnh, Singapore có thể trụ vững trước làn sóng dịch bệnh hiện nay, hệ thống y tế sẽ không bị tê liệt do quá tải.
Bà Tingting, cố vấn một đại lý du lịch ở Singapore, nói với tờ The Times Weekly: "Hiện tại, cảm giác chung vẫn ổn, ngoại trừ việc những người xung quanh tôi lần lượt bị cảm, và không có cảm giác rằng đời sống xã hội nói chung đang đình trệ. Khoảng 50% số người đeo khẩu trang khi ra đường".
Lấy văn phòng của bà Tingting làm ví dụ, có tổng cộng 10 người, trong đó có 4 người có triệu chứng cảm lạnh nhưng chỉ có 1 người được chẩn đoán mắc bệnh COVID-19. "Những người khác có thể bị cảm lạnh hoặc cúm thông thường, 2 người đã có người nhà được chẩn đoán mắc bệnh COVID-19. Về cơ bản mọi người đều đang nghỉ ngơi tại nhà, các triệu chứng không nghiêm trọng và các hiệu thuốc cũng không xuất hiện tình trạng thiếu thuốc", bà cho hay.
Đầu tháng 12, thông tin Trung Quốc và Singapore sẽ áp dụng thỏa thuận miễn thị thực 30 ngày cho nhau khiến nhiều người đam mê du lịch mong chờ. Theo kế hoạch, thỏa thuận liên quan sẽ được thực hiện vào đầu năm tới.
Theo công ty du lịch của bà Tingting, một số khách Trung Quốc gần đây đã hủy đặt chỗ theo đoàn. Nhưng theo quan điểm của bà, nếu thỏa thuận miễn thị thực chung giữa hai bên được thực hiện vào đầu năm sau thì dịch bệnh khi đó có lẽ đã giảm và sẽ không ảnh hưởng nhiều.
Tình hình ở Malaysia cũng tương tự. Dữ liệu mới nhất cho thấy có 20.696 ca nhiễm COVID-19 mới được xác nhận tại Malaysia trong một tuần (từ 10 đến 16/12), tăng 60% so với tuần trước đó.
Tại Indonesia, một quốc gia Đông Nam Á khác, truyền thông địa phương đưa tin số ca mắc COVID-19 đã tăng 13% so với tháng 11, trung bình có thêm khoảng 200 ca mỗi ngày ở thủ đô Jakarta. Tuy nhiên, khoảng 90% trường hợp không có triệu chứng hoặc ở mức độ nhẹ, số người nhập viện được kiểm soát.
Nguy cơ y tế cộng đồng ở Trung Quốc thấp
Xét về mức độ lây lan hiện nay của biến thể JN.1 ở Trung Quốc, tính đến ngày 10/12, có tổng cộng 7 trường hợp nhiễm biến thể JN.1 của SARS-CoV-2 đã được phát hiện ở nước này.
Ông Thường Chiêu Thụy (Chang Zhaorui), nghiên cứu viên Phòng Quản lý Bệnh Truyền nhiễm của CDC Trung Quốc, nói trong cuộc họp báo của Ủy ban Y tế & Sức khỏe Quốc gia ngày 17/12 rằng kết quả giám sát các biến thể SARS-CoV-2 cho thấy tỷ lệ hiện nay của các biến thể BA.2.86 trong các chủng được phát hiện ở Trung Quốc là rất thấp, nhưng tỷ lệ các ca bệnh nhập cảnh đã tăng nhanh kể từ tháng 11 và xu hướng tăng trưởng đang dần giống với xu hướng toàn cầu.
Theo nghiên cứu và đánh giá gần đây của các chuyên gia, tình trạng nhiễm SARS-CoV-2 ở Trung Quốc hiện đang ở mức thấp, BA.2.86 và các phân nhánh của nó chiếm tỷ lệ thấp, nguy cơ sức khỏe cộng đồng của chủng đột biến này ở Trung Quốc hiện đang ở mức khá thấp.
“Mặc dù mức độ phổ biến của chủng đột biến JN.1 ở Trung Quốc hiện nay là rất thấp nhưng do ảnh hưởng tiếp tục của các chủng dịch quốc tế và các ca nhiễm nhập cảnh nên khả năng chủng đột biến JN.1 trở thành chủng dịch chiếm ưu thế ở Trung Quốc là không thể loại trừ", CDC Trung Quốc cho hay trong một bài báo phổ biến khoa học.
Từ góc độ các triệu chứng nhiễm trùng, WHO đánh giá nguy cơ lây nhiễm nặng trên lâm sàng của các biến thể BA.2.86, bao gồm cả JN.1, là ở mức thấp. Dữ liệu giám sát của Mỹ cho thấy chủng biến thể JN.1 gần đây đã gây ra sự gia tăng số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở đây, nhưng không tìm thấy sự gia tăng về mức độ nghiêm trọng của bệnh do nhiễm biến thể JN.1.
CDC Trung Quốc nhấn mạnh: “Khuyến cáo người dân tiếp tục duy trì thói quen vệ sinh cá nhân tốt, đeo khẩu trang khoa học, tiêm chủng kịp thời, kiên trì lịch trình làm việc và nghỉ ngơi đều đặn, giữ chế độ ăn uống lành mạnh và nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể”.
Theo Sina