Bị thua thiệt, các hãng bay Âu Mỹ đồng loạt triệt lợi thế của đối thủ Trung Quốc

Các hãng hàng không châu Âu lên tiếng yêu cầu Liên minh châu Âu ứng phó tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của các hãng hàng không Trung Quốc.
Ngày càng nhiều hãng hàng không châu Âu cắt giảm và hủy các chuyến bay tới Trung Quốc do chi phí cao (Ảnh: Getty)

Hôm 16/10, nhiều hãng hàng không châu Âu đã tổ chức họp báo chung tại Brussels, kêu gọi EU thực hiện thêm các biện pháp để đảm bảo cạnh tranh công bằng trong ngành. Nguyên nhân là do các hãng hàng không Trung Quốc được hưởng lợi thế rất lớn về chi phí khi được bay qua không phận Nga, trong khi chính phủ Nga cấm các hãng hàng không châu Âu bay vào.

Ông Carsten Spohr, Giám đốc điều hành của Lufthansa (Đức), một trong những hãng hàng không lớn nhất châu Âu, phát biểu tại cuộc họp báo kêu gọi EU thực hiện thay đổi và yêu cầu tất cả các chuyến bay tới châu Âu đều tránh không phận Nga để đảm bảo cạnh tranh công bằng.

Reuters dẫn lời ông Carsten Spohr nói: "Chúng tôi không thể bay qua Nga, nhưng các hãng hàng không Trung Quốc lại có thể. Nếu muốn có được một sân chơi bình đẳng, chúng tôi cần được đảm bảo rằng máy bay của mọi hãng hàng không hạ cánh ở châu Âu đều tránh không phận Nga. Trước khi làm như vậy, các hãng hàng không Trung Quốc sẽ có lợi thế rất lớn".

Ngoài ra, chi phí bảo vệ môi trường tăng thêm cũng khiến các hãng hàng không châu Âu gặp khó khăn hơn trong việc cạnh tranh với các hãng hàng không Trung Quốc.

Ông Spohr cho biết các hãng hàng không Trung Quốc không phải chịu các chi phí liên quan đến Hệ thống mua bán khí thải châu Âu (EU Emissions Trading System, ETS), điều này mang lại cho họ một lợi thế cạnh tranh khác về mặt tài chính.

Mới đây, hãng hàng không Hà Lan Royal Dutch Airlines cũng kêu gọi EU có biện pháp chống cạnh tranh "không lành mạnh" đối phó với các hãng hàng không Trung Quốc được phép bay qua không phận Nga.

Bà Marjan Rintel, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Royal Dutch Airlines, nói trên chương trình của WNL TV ngày 6/10 rằng: “Châu Âu ít nhất có thể xem xét cách ngăn chặn sân chơi không công bằng này, thông qua việc định giá hoặc nhìn vấn đề từ một góc độ khác”.

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào năm 2022, các hãng hàng không Trung Quốc vẫn có thể bay tới châu Âu và Bắc Mỹ qua không phận Nga bằng tuyến đường bay phía bắc ngắn hơn. Trong khi đó, các hãng hàng không châu Âu, Mỹ và các nước khác đã phải ngừng bay qua không phận Nga do lệnh cấm bay của Nga hoặc do lo ngại về an toàn.

Hãng bay Lufthansa của Đức đã dừng các chuyến bay tới Trung Quốc (Ảnh: Zaobao).

Theo Reuters, nhà phân tích cấp cao John Grant của OAG (Official Aviation Guide of the Airways), hãng cung cấp dữ liệu bay toàn cầu, cho biết: “Nhìn chung, chi phí vận hành của các hãng hàng không Trung Quốc thấp hơn 30% so với các đối thủ cạnh tranh quốc tế khác”.

Hiện tại, các hãng hàng không như Virgin Atlantic Airways, British Airways, Scandinavian Airlines, Polish Airline LOT và Lufthansa đã tạm ngừng các chuyến bay đến Trung Quốc.

Đồng thời, do nhu cầu đi lại ở Trung Quốc thấp và ảnh hưởng của địa chính trị, ngoài châu Âu, các hãng hàng không từ Mỹ, Australia, và các quốc gia, khu vực khác ở châu Á - Thái Bình Dương cũng đã lần lượt rút khỏi thị trường Trung Quốc.

Theo Lianhe Zaobao, Singapore, các hãng hàng không châu Âu được cho là đã tăng cường nỗ lực chống lại sự cạnh tranh của Trung Quốc, gồm Tập đoàn hàng không Pháp-Hà Lan Air France-KLM và Lufthansa của Đức.

Bloomberg hôm 16/10 dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này cho biết Air France-KLM đang vận động chính phủ Pháp hạn chế số lượng chuyến bay từ các hãng hàng không Trung Quốc đến châu Âu và tạm dừng quyền hàng không giữa Pháp và Trung Quốc, một động thái nhằm bảo vệ các hãng hàng không châu Âu khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh.

Một nguồn tin khác quen thuộc với vấn đề này tiết lộ Lufthansa đang thúc ép chính phủ Đức thách thức Trung Quốc, cho rằng sự cạnh tranh của Trung Quốc đã gây nên mất cân bằng thị trường.

Lufthansa cho biết họ sẽ cắt giảm các chuyến bay đến Trung Quốc, đồng thời có kế hoạch hủy đường bay thẳng hàng ngày từ Frankfurt đến Bắc Kinh vào cuối tháng 10 này do tình trạng thiếu máy bay buộc tuyến này phải sử dụng các máy bay cũ, ngốn nhiên liệu hơn, dẫn đến tuyến bay này thường xuyên bị lỗ.

Khi được yêu cầu bình luận, cả Air France-KLM và Lufthansa đều không trả lời.

Không phận Ukraine bị đóng và Nga cấm bay với 36 quốc gia đã khiến các hãng bay châu Âu bị mất lợi thế cạnh tranh so với các hãng bay Trung Quốc. (Ảnh: OAG).

Trang tin Trung Quốc China Business News đưa tin hãng bay Đan Mạch Scandinavian Airlines ngày 9/10 ra thông báo sẽ dừng các chuyến bay thẳng từ Copenhagen đến Thượng Hải trong tháng 11. Đây là hãng hàng không châu Âu thứ tư thông báo tạm dừng các chuyến bay đến Trung Quốc trong thời gian gần đây, trước đó là Virgin Atlantic, Lufthansa...

Sau dịch bệnh COVID-19, cục diện cạnh tranh của thị trường hàng không quốc tế thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là các đường bay Trung Quốc-Châu Âu và Trung Quốc-Mỹ, các hãng hàng không nước ngoài kém hào hứng hơn nhiều so với các hãng bay nội địa Trung Quốc trong việc nối lại đường bay đến Trung Quốc.

Bloomberg chỉ ra rằng các hãng hàng không châu Âu chậm trễ nối lại các chuyến bay đến Trung Quốc sau dịch bệnh, phần lớn là do nhu cầu xuất cảnh tới Trung Quốc từ châu Âu ít hẳn. Tuy nhiên, các hãng hàng không Trung Quốc đã tăng thêm nhiều chuyến bay vượt xa mức năm 2019 trước đại dịch và đưa ra mức giá vé máy bay rất cạnh tranh.

EU và Trung Quốc đã bất đồng về nhiều vấn đề bao gồm thương mại, công nghệ và an ninh quốc gia trong những năm gần đây. Một số người lo ngại những hành động ăn miếng trả miếng gần đây giữa Trung Quốc và châu Âu có thể gây ra chiến tranh thương mại.

Theo Zaobao, DJY