Bí thư Thành ủy TP.HCM chia sẻ về những ngày tháng chống dịch khốc liệt, chưa từng có của TP.HCM - Ảnh: Trung tâm Báo chí TP |
Chiều 12-10, tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã chia sẻ về những ngày tháng chống dịch khốc liệt, chưa từng có của TP.HCM mà" nỗi lo lắng, ám ảnh này vẫn còn hiện hữu" . Nhất là thời khắc khó khăn buộc quân đội, công an, lực lượng y tế và các lực lượng khác phải tập trung chi viện cho TP.HCM.
"Vũ khí" xét nghiệm tê liệt
Ông Nên chia sẻ: "Đại dịch để lại nhiều đau thương, bài học xương máu rất quan trọng để chúng ta sẵn sàng ứng chiến với tình hình mới chưa biết sắp tới như thế nào. TP thực hiện biện pháp nào cũng cân nhắc, rất khó khăn, không có biện pháp nào nhỏ".
Ngay khi nghe báo cáo về phát hiện 2 ca dương tính COVID-19 đến khám tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (26-5), Ban thường vụ Thành ủy TP đang họp phải ngưng hết để bàn việc chống dịch.
Sau khi truy nguồn gốc ca nhiễm liên quan đến điểm nhóm truyền giáo, lãnh đạo TP nhanh chóng dùng chỉ thị 15 để kìm lại một số hoạt động và áp dụng chỉ thị 16 ở một số địa bàn trọng tâm, trọng điểm. Có nghĩa là không mặc chung chiếc áo giãn cách cho toàn TP bởi vì tác động nhiều mặt, sợ chỉ vì mấy ca nhiễm mà cả TP ảnh hưởng cho nên buộc phải quyết định như thế.
Chùm dịch bùng phát, TP tiến hành xét nghiệm, truy vết không kịp do lúc đó sử dụng "vũ khí chậm PCR" không còn hiệu quả. Dù tập trung lấy số lượng mẫu lớn, có ngày lấy 40.000 mẫu nhưng năng lực trả kết quả chỉ khoảng 10.000.
Kết quả xét nghiệm phải chờ đợi 24 - 48 giờ, có lúc kẹt máy phải 7 ngày mới trả, khi đó kết quả không còn giá trị. Do nhóm người thuộc điểm nhóm truyền giáo tập trung đông người trong không gian nhỏ, không thực hiện 5K, không khai báo y tế nên khi phát hiện đã gây ra chùm lây nhiễm, trở tay không kịp.
"Dù lúc đó TP có những lúc đưa ra chỉ tiêu xét nghiệm 500.000 mẫu/ngày, huy động hết lực lượng nhưng trả kết quả chỉ vài chục ngàn mẫu. Quyết định giãn cách để xét nghiệm phát hiện ca nhiễm ngăn chặn kịp thời nhưng l úc đó "vũ khí chiến đấu" không phù hợp".
"Lúc đó chưa có thuốc điều trị, TP tập trung xây dựng bệnh viện dã chiến để tập trung ca nhiễm COVID-19 (F0). Nhưng tập trung xong ngồi đó ngó, ai khỏe vượt qua, ai mệt thì đi nằm bệnh viện. Việc này tạo áp lực căng thẳng rất lớn, không biết làm gì. Giữ F0 lại ngăn chặn nguồn lây nhưng tập trung họ lại xong không biết làm gì." Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ.
Tính áp dụng "tình trạng khẩn cấp" nhưng sau đó không công bố
Khó khăn trên được giải tỏa khi có vắc xin và kit test nhanh được phân bổ cho TP. Chính phủ ban hành nghị quyết 86 (ngày 6-8), giao TP.HCM phấn đấu kiểm soát dịch COVID-19 trước ngày 15-9.
Tuy nhiên, ông Nên cho biết: " Lúc đó nhìn lại lực lượng, "vũ khí" của TP không đủ để đạt mục tiêu kiểm soát dịch nên lãnh đạo thành phố đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ áp dụng biện pháp cao nhất là tình trạng khẩn cấp".
Tuy nhiên sau đó quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp nhưng không tuyên bố "tình trạng khẩn cấp". Theo đó, đưa lực lượng quân đội, công an tăng cường vào TP để "đánh" trận cuối chống dịch.
Về câu hỏi "tại sao Bắc Giang, Đà Nẵng và một số nơi thành công trong việc xét nghiệm, truy vết được toàn bộ ca nhiễm nhưng TP.HCM không làm được?", Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ TP.HCM có đặc điểm khác với các địa phương.
Ông phân tích Bắc Giang khi chuẩn bị áp dụng giãn cách chỉ cần phải giải tỏa, di chuyển 40.000 dân nên các lực lượng bộ đội dễ dàng di chuyển hết.
Tại TP.HCM, riêng quận Bình Tân lúc đó khảo sát cần di chuyển 100.000 người, không nơi nào đủ sức chứa. Nhiều nơi khác như Bình Chánh, quận 4, quận 8 tình trạng tương tự. TP lúc đó nằm trong trận đồ chiến đấu.
Dù vậy, nhờ các lực lượng trung ương tăng cường và có kit test nhanh, cùng với việc Bộ Y tế tăng cường 4 đơn vị Bệnh viện Bạch Mai, Trung ương Huế, Việt Đức, Chợ Rẫy lo điều trị tầng 3, tầng 4, một mặt lực lượng quân y xuống tận từng pháo đài lo điều trị F0 dưới cơ sở, TP đã kết hợp hai mũi giáp công và từng bước kiểm soát được dịch bệnh.
Theo Tuổi Trẻ