Ngày 2/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và Cẩm Lệ để chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy, TP Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng rất ủng hộ Thừa Thiên – Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
"Nếu Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì lần đầu trong lịch sử Việt Nam, đặc biệt là miền Trung, sẽ có hai thành phố trực thuộc Trung ương liền kề với nhau.
Điều này, theo đánh giá sẽ có sự tác động tương tác lẫn nhau trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như thúc đẩy phát triển của khu vực duyên hải miền Trung", ông Nguyễn Văn Quảng nói.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng cho biết, trong đề án đã giải quyết được vấn đề tồn tại của hai địa phương là việc phân định địa giới hành chính liên quan đến núi Hải Vân và Hòn Sơn Chà.
Theo đó, Huế cũng thống nhất với quan điểm của Chính phủ là giao cho Đà Nẵng quản lý, sử dụng phía Nam núi Hải Vân theo đường phân thủy khoảng 700ha và Hòn Sơn Chà khoảng 150ha để phục vụ cho quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế, xã hội.
"Đây là một trong những vấn đề tồn tại nhiều năm đã được giải quyết nhiều lần nhưng đến nay mới được phân định rõ ràng", ông Quảng nói.
Về việc giải quyết các kết luận thanh tra, kiểm tra, thi hành các bản án trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Văn Quảng cho biết, hiện nay để thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố, trong đó có thành phố Đà Nẵng còn đang gặp khó khăn. Nhiều nội dung trong các kết luận thanh tra, bản án thuộc thẩm quyền phải có Nghị quyết đặc thù của Quốc hội mới giải quyết được.
Chính phủ đang tích cực chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương liên quan, trong đó có Đà Nẵng… tham gia xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án.
Chính phủ quyết tâm hoàn thành việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết để đưa ra trình tại kỳ họp Quốc hội sắp tới, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến thành phố Đà Nẵng như vấn đề xử lý vụ án tại sân vận động Chi Lăng Đà Nẵng.
"Quá trình giải quyết những tồn tại, vướng mắc các kết luận thanh tra, bản án trước đây không đơn giản, không thể một sớm, một chiều mà giải quyết được.
Đây cũng là một quá trình nỗ lực kiên trì của TP suốt từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Vì vậy, cần có một Nghị quyết của Quốc hội để giải quyết vấn đề này.
Hiện đã có báo cáo với các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là xin chủ trương của Bộ Chính trị để Bộ Chính trị cho phép báo cáo ra Quốc hội.
Hy vọng, Chính phủ cùng với các Bộ, ngành và các địa phương tích cực chuẩn bị để có thể xem xét, báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 tới”, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng nói.
Cũng tại hội nghị, cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và Cẩm Lệ bày tỏ sự tin tưởng và ủng hộ công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua và kiến nghị các cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện công tác phòng chống tham nhũng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Sân vận động Chi Lăng có tổng diện tích 55.000m2. Năm 2010, dưới thời ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng đã bán khu đất 4 mặt tiền đường Ngô Gia Tự-Hùng Vương-Chi Lăng và Lê Duẫn (bao gồm sân vận động Chi Lăng và hàng trăm nhà dân xung quanh sân vận động này) cho Tập đoàn Thiên Thanh để xây dựng Khu phức hợp thương mại và dịch vụ tổng hợp với số tiền 1.251 tỷ đồng (đã giảm giá 10%).
Sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Tập đoàn Thiên Thanh không triển khai dự án mà tách thửa chia thành 14 lô đất và thế chấp diện tích này ở ngân hàng với số tiền gấp nhiều lần so với số tiền đã chi trả cho Đà Nẵng.
Đến năm 2014, ông Phạm Công Danh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thiên Thanh bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vì sai phạm trong quản lý kinh tế và bị tòa các cấp xét xử các vi phạm. Nhiều tài sản là bất động sản của Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh được yêu cầu kê biên, đảm bảo thi hành án, trong đó có sân vận động Chi Lăng.
Kể từ đó, dự án sân vận động Chi Lăng cũng bị dừng lại, tài sản liên quan bị phong tỏa để thi hành án.
Đến tháng 4/2018, Cục Thi hành án dân sự TP HCM ủy thác cho Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng thi hành bản án của Phạm Công Danh và đồng phạm, xử lý tài sản thế chấp là các lô đất thuộc khu vực sân vận động Chi Lăng. Tuy nhiên, việc thi hành án đối với sân vận động Chi Lăng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý.
Không những vậy, việc Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với 10/14 lô đất trong Khu phức hợp sân vận động Chi Lăng trái với quy định của Luật Đất đai, đồng thời việc Đà Nẵng tự ý giảm giá 10% cho chủ đầu tư là trái với quy định, nên căn cứ Kết luận năm 2012 của Thanh tra Chính phủ, Đà Nẵng phải thu hồi những sổ hồng này để điều chỉnh thời hạn sử dụng đất phù hợp với quy định.