|
Ông Tập Cận Bình tiếp Kissinger |
Năm 1971, giữa lúc Trung Quốc đang bị cô lập về ngoại giao, Tiến sĩ Henry Kissinger khi đó là Ngoại trưởng Mỹ đã bí mật tới thăm Bắc Kinh, cống hiến đặc biệt cho việc cải thiện quan hệ Trung – Mỹ dẫn đến việc bình thường hóa và lập quan hệ ngoại giao sau này; vì vậy từ lâu nay, ông ta vẫn được coi là “Người bạn lớn” của Trung Quốc. Là nhân vật chính trị lão luyện, được các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc coi trọng nên lâu lâu Kissinger lại được mời sang thăm.
Tháng 12/2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi tiếp Kissiger tại Bắc Kinh đã ca ngợi những cống hiến tích cực của ông ta trong việc phát triển quan hệ Trung – Mỹ lâu nay, chỉ rõ việc tiếp tục phát triển ổn định quan hệ Trung – Mỹ là phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, phồn vinh của khu vực châu Á – Thái Bình dương và trên thế giới; rằng, thực tiễn cho thấy từ khi lập quan hệ đến nay, giữa hai nước Trung – Mỹ lợi ích chung lớn hơn bất đồng…
|
Kissinger gặp Donald Trump
|
Khi đó, ở tuổi 93, ông Kissiger đã phát biểu: “Cảm ơn Chủ tịch Tập lại một lần nữa tiếp tôi – người bạn già của Trung Quốc. Tôi rất vinh hạnh được cống hiến cho việc phát triển quan hệ Mỹ - Trung. Quan hệ Mỹ - Trung rất quan trọng cho cả hai nước lẫn thế giới. Tôi tin rằng, thúc đẩy quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục phát triển ổn định, tốt hơn, cũng là sự kỳ vọng của chính phủ mới ở Mỹ; tôi nguyện sẽ tiếp tục phát huy tác dụng tích cực trong việc thúc đẩy tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giao lưu giữa hai nước”.
Thế nhưng, sau khi chiến tranh thương mại bùng nổ, “Người bạn lớn” đó lại không “thân Hoa” như nhiều người Trung Quốc vẫn nghĩ xưa nay; vào lúc Trung Quốc ngày càng bị cô lập thì ông ta thậm chí đã nhiều lần đề nghị với ông Donald Trump thực thi kế sách “Liên Nga chế Hoa” (liên kết với Nga để kiềm chế Trung Quốc).
Theo báo Mỹ “The Daily Beast” ngày 26/7, trước đây Henry Kisinger nổi tiếng nhờ chiến lược “Liên Trung phá Xô” (liên kết với Trung Quốc để cô lập Liên Xô); thế nhưng nay trong các cuộc gặp gỡ Donald Trump, ông ta đã kiến nghị với Trump chiến lược Mỹ lợi dụng quan hệ với Nga và các quốc gia khác để cùng nhau kiềm chế sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc.
Bài báo viết, đề nghị của Kissinger nhận được sự tán đồng của một bộ phận thành viên trong chính phủ Donald Trump; một số cố vấn cao cấp của Donald Trump cũng đề xuất lợi dụng quan hệ với Nga để đối kháng Trung Quốc. Từ trước đến nay, Kissinger không phải là nhân vật thuộc phái “diều hâu” trong quan hệ với Trung Quốc; thậm chí ông ta còn được cho là có đường dây nóng riêng gọi thẳng cho Chủ tịch Tập Cận Bình.
|
Kế sách "Liên Nga chế Hoa" của Kisinger khiến người Trung Quốc bực tức
|
Cũng theo The Daily Beast, có tới 5 nhân sĩ trong giới chính trị đã khẳng định với họ thông tin này; điều này cho thấy sự thay đổi đầy kịch tính về địa duyên chính trị trong cuộc đời Kissinger. Một nguồn tin nói, Kisinger đã đưa ra chủ trương này khi gặp gỡ cố vấn cao cấp của Nhà Trắng Jared Kushner.
Ngoài ra, tờ “Financial Times” hôm 20/7 cũng đưa tin, Kissinger từng cảnh cáo: nếu Mỹ và châu Âu chia rẽ sẽ khiến châu Âu trở thành “chư hầu của lục địa Âu – Á”, để Trung Quốc mặc sức bài bố. Ông ta cho rằng Trung Quốc muốn khôi phục lại địa vị vương quốc trung tâm trong lịch sử, trở thành người dẫn dắt nhân loại.
Bình luận về vấn đề này, tờ Đông Phương viết: “Phi ngã tộc loại, kỳ tâm tất dị” (không phải người cùng tộc thì tâm địa tất sẽ khác) – lời cổ nhân đặt vào thời nay có vẻ mang chút màu sắc chủng tộc, nhưng kỳ thực nó phản ánh một hiện thực xã hội; xưa như vậy, ngày nay vẫn thế…cho nên, Kisinger, “người bạn già của Trung Quốc” – người từng giúp “làm tan băng” quan hệ Trung – Mỹ trước đây, nay bỗng quay lại hiến kế “Liên Nga chế Hoa” với Donald Trump, ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy thì cũng chẳng lấy gì làm lạ.
Kissinger là người Mỹ, trong mắt ông ta chỉ có lợi ích của nước Mỹ, không thể có lợi ích của Trung Quốc được”.
Bài báo kết luận: “Người Trung Quốc cần tỉnh táo mà nhận thức, đừng để bị lừa dối bởi danh hiệu “người bạn già”. Donald Trump một mặt nhấn mạnh luôn là bạn với lãnh đạo Trung Quốc, mặt khác lại muốn dồn Trung Quốc đến chỗ chết; đó chính là điển hình tốt nhất của việc người Tây trở mặt vô tình”.