Khi chiến tranh khiến cơ hội làm giàu ở quê nhà và các khu vực phía đông, bao gồm Nga, bị khép lại, các doanh nghiệp do người Ukraine sở hữu đã mọc lên ở các quốc gia láng giềng, ban đầu nhắm tới cộng đồng đồng hương di tản với các sản phẩm thực phẩm, đồ uống và dịch vụ.
Tại Ba Lan, nơi cộng đồng người Ukraine tăng lên hơn 1,5 triệu người do chiến tranh, ước tính hiện tại cho thấy cứ 10 doanh nghiệp mới mở vào năm 2024 thì có một doanh nghiệp là của người Ukraine, theo các hiệp hội doanh nghiệp và nhà kinh tế Ba Lan.
Ông Andrii Halytskyi, chủ sở hữu chuỗi Lviv Croissants, hiện đã mở 12 cửa hàng bánh tại Ba Lan sau khi ra mắt tại đây 2 năm trước. Chuỗi này đã mở cửa hàng đầu tiên tại Cộng hòa Séc vào tháng 10/2024, một phần trong chiến lược xây dựng doanh nghiệp đa dạng về mặt địa lý bằng cách mở rộng về phía Tây và vượt ra ngoài cộng đồng người Ukraine.
“Mặc dù cộng đồng người tị nạn Ukraine tại châu Âu rất đáng kể, nhưng chỉ dựa vào nhóm khách hàng này không phải là chiến lược bền vững về lâu dài”, ông Halytskyi chia sẻ.
Sự tương đồng văn hóa mạnh mẽ với Ukraine đã giúp Ba Lan trở thành nơi lý tưởng cho các doanh nghiệp Ukraine. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng đang tìm kiếm cơ hội ngoài nền kinh tế lớn nhất khu vực châu Âu mới nổi để tiếp cận một lượng khách hàng lớn hơn nhiều.
“Các công ty ban đầu coi Ba Lan như một cầu nối hoặc bàn đạp để tiếp cận các thị trường trong Liên minh châu Âu”, ông Dariusz Szymczycha, phó chủ tịch đầu tiên của Phòng Thương mại Ba Lan-Ukraine, nhận xét. “Họ muốn học hỏi...thực tế, tiêu chuẩn, quy định và các quy tắc vận hành trong EU”.
Chuỗi quán bar Piana Vyshnia, với chủ đề rượu anh đào truyền thống của Ukraine, hiện nhắm tới khách hàng địa phương là mục tiêu chính, ông Andriy Khudo, người sáng lập, chia sẻ.
Nhóm nhà hàng !FЕST của ông đã mở rộng thương hiệu này – được gọi là Drunken Cherry, theo tiếng Anh – tới 15 địa điểm ở Ba Lan và 9 địa điểm khác ở các quốc gia Baltic và Đông Âu. Ông Khudo cũng cho biết nhóm đã đẩy mạnh mở rộng sang phía Tây kể từ tháng 2/2022.
Nhóm dự định mở cửa hàng tại Đức, Thụy Sĩ và Pháp vào năm 2025, đồng thời khởi động lại một địa điểm ở London, ông nói và thêm rằng các quán bar này đang thu hút khách hàng mới và có lãi.
“Trước chiến tranh, chúng tôi tập trung vào Ukraine vì công việc kinh doanh tại đây phát triển rất nhanh. Nhưng chiến tranh đã khiến chúng tôi phải nhìn về phía Tây vì những rủi ro tại Ukraine”, ông Khudo nói.
Số lượng người tị nạn gia tăng
Mặc dù nền kinh tế Ukraine đã tăng trưởng vào năm 2023 và có khả năng tiếp tục tăng vào năm 2024, Bộ trưởng Kinh tế Yulia Svyrydenko chia sẻ với Reuters vào tháng 11/2024 rằng quy mô kinh tế hiện chỉ bằng 78% so với trước khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào tháng 2/2022.
Do cuộc xung đột chưa có hồi kết, các doanh nghiệp như của ông Khudo đã phải tìm kiếm cơ hội ở nơi khác – một sự chuyển đổi kinh tế mang lại lợi ích cho các quốc gia láng giềng, vốn cũng giảm bớt áp lực thị trường lao động nhờ sự xuất hiện của người lao động Ukraine.
Một báo cáo của Deloitte vào tháng 3/2024 ước tính rằng người tị nạn Ukraine có thể đóng góp thêm tới 1,1% vào GDP của Ba Lan trong năm 2023 và tới 1,35% trong dài hạn.
“Khi họ đến Ba Lan, ví dụ như để làm việc hoặc mở doanh nghiệp, điều này là một động lực bổ sung từ góc độ kinh tế, góp phần vào tiêu dùng và cải thiện nguồn cung lao động”, ông Andrzej Kubisiak, phó giám đốc Viện Kinh tế Ba Lan, nói.
Bà Olga Kopylova, một doanh nhân nhà hàng khác của Ukraine, chia sẻ rằng trước chiến tranh, bà không có kế hoạch đưa thương hiệu Chornomorka ra nước ngoài, nhưng hiện tại đã mở ba cửa hàng mang tên Czarnomorka tại Ba Lan và 2 cửa hàng ở Bratislava và Vienna.
Chuỗi cà phê Aroma Kava đã đến Ba Lan vào năm 2022 và từ đó mở rộng lên 10 địa điểm, trong khi nhà sản xuất kem và thực phẩm đông lạnh Ukraine Three Bears đã mua lại công ty Nordis của Ba Lan.
Ba Lan hiện là thị trường quan trọng thứ hai đối với nhà cung cấp giải trí số MEGOGO, công ty đã phát triển bằng cách thu hút cư dân địa phương, chủ yếu thông qua các chương trình gia đình, theo chia sẻ của ông Volodymyr Borovyk, đồng sáng lập công ty. MEGOGO đã gia nhập thị trường Ba Lan và Romania – hai quốc gia đông dân nhất khu vực châu Âu mới nổi – vào năm 2023.
“Thị trường Ba Lan sôi động không chỉ tạo động lực cho chúng tôi mà còn khuyến khích các công ty Ukraine khác thâm nhập thị trường này với các sản phẩm được điều chỉnh đặc biệt cho người tiêu dùng Ba Lan”, ông nói.
Tại chi nhánh mới khai trương của Lviv Croissants ở Prague, nhân viên phục vụ một nhóm khách hàng gồm khách du lịch, người dân địa phương và người Ukraine, những người vừa nhâm nhi cà phê, ăn bánh mì kẹp vừa nghỉ ngơi sau sự hối hả của kỳ nghỉ lễ.
“Đây là lần đầu tiên tôi ăn ở đây, nhưng đối với tôi, cảm giác giống như ở nhà vậy”, cô Tatiana Melnyk, sinh viên người Ukraine 20 tuổi, chia sẻ.
Trợ lý về Ukraine của ông Trump đặt ra mốc thời gian 100 ngày để chấm dứt xung đột
Tổng thống Maduro tiết lộ lính đánh thuê Ukraine bị bắt ở Venezuela
Nga dội hỏa lực cực mạnh, tàn phá nhiều sân bay và cơ sở UAV của Ukraine
Theo Reuters