Từ một ngôi nhà nhỏ bé ở vùng ngoại ô phía Tây London, nơi những chiếc máy bay phản lực gầm rú khi sắp hạ cánh xuống sân bay Heathrow, một nhà giao dịch bí ẩn đã tạo nên một trong những khoảnh khắc đau lòng nhất trong lịch sử phố Wall.
Navinder Singh Sarao là một cái tên vô danh. Tuy nhiên, cơ quan điều tra Mỹ mới đây đã công bố kết quả điều tra cho thấy chính vào ngày mùa xuân cách đây 5 năm, Sarao đã khiến chỉ số công nghiệp Dow Jones biến động 1.000 điểm trong tích tắc. Đây là người chịu trách nhiệm đối với một trong 5 lệnh bán ra ngày hôm đó. Hôm qua nhân vật này đã bị bắt với 22 tội danh, trong đó có lừa đảo và thao túng thị trường.
Thông tin này khiến không ít người ngạc nhiên. Năm nay 36 tuổi, nhân vật này chưa từng làm việc trong bất cứ tổ chức tài chính nổi tiếng nào ở Anh hay Mỹ. Thời điểm vụ sụp đổ chóng vánh (flash crash) năm 2010 diễn ra, Sarao đã thực hiện các giao dịch thông MF Global Holdings Ltd. Công ty này hiện đã không còn tồn tại. Một trong những người hàng xóm của Sarao ở Hounslow (cách trung tâm London 11 dặm) cho biết Sarao khá ít nói và không bao giờ gây rắc rối.
Cơ quan điều tra cũng cho biết Sarao không thực hiện vụ này một mình. Theo kết luận ban đầu, quỹ tương hỗ Waddell & Reed Financial Inc. đến từ bang Kansas có vai trò dẫn đầu. Nhiều người trong ngành nhận định các giao dịch tần suất cao (HFT) đóng vai trò quan trọng.
Suốt 6 năm qua, Sarao đã “dắt mũi” các cơ quan quản lý bằng cách sử dụng phần mềm được thiết kế để bóp méo thị trường. Tháng 5/2010, các giao dịch của Sarao đã khiến thị trường phái sinh bị mất cân bằng và sau đó tình trạng hoảng loạn lan sang cả các thị trường chứng khoán.
Khi giao dịch, Sarao thường đeo tai nghe và tách biệt hoàn toàn với thế giới xung quanh. Màn hình máy tính của Sarao luôn tràn ngập các số liệu về hợp đồng tương lai gắn với chỉ số S&P 500.
Năm 2009, Sarao bắt đầu thực hiện các giao dịch thao túng thị trường. Sarao sử dụng các phần mềm thương mại có sẵn được chỉnh sửa để có thể tự động đặt lệnh và hủy lệnh nhanh chóng.
Trước khi vụ sụp đổ nhanh chóng năm 2010 diễn ra, các nhà quản lý đã chú ý đến Sarao. Các sàn giao dịch ở Mỹ và châu Âu nhận thấy nhân vật này thường xuyên hủy lệnh ngay sau khi đặt lệnh với khối lượng giao dịch rất lớn. Tập đoàn CME đã từng tìm cách liên hệ với Sarao sau khi phát hiện ra rằng những giao dịch như vậy tác động lớn đến mức giá mở cửa.
Ngày 6/10/2010, khi vụ flash crash xảy ra, Sarao cùng với công ty Nav Sarao Futures đã sử dụng các thuật toán phức tạp để giao dịch hàng nghìn hợp đồng chỉ số S&P 500 tương lai với tổng giá trị lên tới 200 triệu USD, tương đương 20 – 29% tổng giá trị các lệnh bán ra trong lúc đó. Tuy nhiên các lệnh này được thay thế ngay sau đó hoặc được sửa tổng cộng 19.000 lần trước khi bị hủy vào buổi chiều.
Theo CFTC, tình trạng mất cân đối mà các lệnh của Sarao gây ra đã khiến các hợp đồng phái sinh rớt giá mạnh và sau đó là cả thị trường chứng khoán lao dốc không phanh.
Vụ sụp đổ này khiến nhà đầu tư hoảng loạn, ngay lập tức lên trang nhất các báo trên khắp thế giới và khiến các nhà quản lý không thể hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra.
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg