Bấp chấp dịch COVID-19, kinh tế Quảng Nam vẫn tăng trưởng đứng thứ 2 khu vực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Với mức tăng trưởng GRDP đạt 5,6%, quy mô nền kinh tế đạt hơn 102.654 tỉ đồng, Quảng Nam trở thành địa phương đứng thứ 2 về quy mô nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Thaco xuất lô hàng sơ mi rơ móc đi Mỹ tại Cảng Dung Quốc (Quảng Ngãi)
Thaco xuất lô hàng sơ mi rơ móc đi Mỹ tại Cảng Dung Quốc (Quảng Ngãi)

Quy mô nền kinh tế đứng thứ 2 khu vực

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam, bên cạnh những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương đang có dấu hiệu hồi phục. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 của Quảng Nam ước đạt 60.460 tỉ đồng (giá so sánh 2010), tăng 5,04% so với cùng kỳ (năm 2020 tăng trưởng -5,5%). Xếp vị trí thứ 31/63 tỉnh, TP trong cả nước về tốc độ tăng trưởng.

Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người năm 2021 đạt 67,6 triệu đồng, tăng 7,5% so với năm 2020. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2021 gần 30.342 tỉ đồng, tăng 5,6% so với năm 2020 và chiếm 29,7% GRDP; trong đó vốn đầu tư công năm 2021 hơn 5.015 tỉ đồng.

Giá trị nền kinh tế năm 2021 của Quảng Nam ước đạt hơn 102.654 tỉ đồng, xếp vị trí thứ 18/63 tỉnh, TP về quy mô GRDP, thứ 2 về tốc độ tăng trưởng (sau Quảng Ngãi) và xếp thứ 2 về quy mô của nền kinh tế (sau Đà Nẵng) tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Cơ cấu kinh tế, khu vực nông nghiệp chiếm 14,1%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,7%, trong đó công nghiệp chiếm 28,4%; khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 32,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 18,4%. Riêng khu vực công nghiệp và xây dựng có sự phục hồi và tăng trưởng đạt gần 4,8% so với năm 2020. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,6% và chỉ số tồn kho tăng 0,93% so với năm 2020.

Thị trường tài chính ổn định, thu ngân sách nhà nước năm 2021 trên địa bàn vượt dự toán đề ra. Cụ thể, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt gần 68,8 nghìn tỉ đồng, tăng 9,2% so với đầu năm; tín dụng ngân hàng đạt trên 87 nghìn tỉ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2020. Dư nợ cho vay hơn 87,5 nghìn tỉ đồng, tăng 2,82%, trong đó tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,6%, giảm 23% so với đầu năm.

Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - thông tin tình hình KT-XH tỉnh Quảng Nam năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2022
Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - thông tin tình hình KT-XH tỉnh Quảng Nam năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2022

Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 23.035 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 119,0% dự toán và bằng 113,6% so với năm 2020; Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 3,5 tỉ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu đạt 1,48 tỉ USD, tăng 40,5%; nhập khẩu đạt 2,01 tỉ USD, tăng 16%;... đã đưa quy mô nền kinh tế Quảng Nam vươn lên đứng thứ 2 khu vực Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Tuy nhiên, lĩnh vực thương mại - dịch vụ vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 và chưa hồi phục. Mức tăng trưởng của lĩnh vực chỉ đạt 0,3% so với cùng kỳ, so với năm 2019 mức tăng trưởng khu vực dịch vụ vẫn còn giảm 7,8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 53,5 nghìn tỉ đồng, tăng 2% so với năm 2020.

Riêng lĩnh vực du lịch, tổng lượt khách lưu trú ước năm 2021 đạt hơn 476 nghìn lượt khách, giảm 52,8% so với năm 2020. Trong đó lượt khách quốc tế ước đạt hơn 13 nghìn lượt khách, giảm 96,6%; lượt khách trong nước ước đạt hơn 463 nghìn lượt khách, giảm -24,5% so với năm 2020. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt gần 6,5 nghìn tỉ đồng, giảm 2,7%; doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt gần 11 tỉ đồng, giảm 81%.

Ba nhiệm vụ đột phá chiến lược trong năm 2022

Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – cho biết: “Trong năm 2021, tỉnh Quảng Nam đã đạt được 14/17 chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm và UBND tỉnh cũng đã đề ra 9 nhiệm vụ trong năm 2022. Trong đó, tiếp tục thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

Du khách quốc tế đầu tiên đến Quảng Nam trong chuỗi hoạt động đón du khách đến Việt Nam

Du khách quốc tế đầu tiên đến Quảng Nam trong chuỗi hoạt động đón du khách đến Việt Nam

Cũng theo ông Tân, trong năm 2022, Quảng Nam tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với nhiệm vụ kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; Xây dựng và triển khai “Chương trình phục hồi kinh tế, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng”; cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song ngành công nghiệp và dịch vụ, lấy phát triển dịch vụ - du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; phục hồi và phát triển ngành du lịch, dịch vụ thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19; phát triển kinh tế biển, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nâng cao nâng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững…

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho biết thêm, để duy trì tăng trưởng, UBND tỉnh đã ban hành chương trình hành động gồm 154 chương trình, đề án, nhiệm vụ cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt, tỉnh Quảng Nam sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính; định hướng phát triển vùng Đông Nam; nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; quản lý, bảo vệ môi trường và tài nguyên khoáng sản,… giai đoạn 2021-2025.

Đối với lĩnh vực du lịch, ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam – cho biết: “Cuối năm 2019, tỉnh Quảng Nam đón đến 8 triệu lượt khách, nhưng năm 2020-2021 đã giảm hơn 95%. Trong thời gian qua, ngành du lịch đã sớm mở cửa đón khách nội địa và là địa phương đầu tiên đón du khách quốc tế đến địa phương nhằm khôi phục ngành. Tuy nhiên, du lịch phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh chung của thế giới, nên Quảng Nam đã ban hành tất cả các phương án, kịch bản… để đón đầu làn sóng du lịch khi thị trường trở lại”.

Cũng theo ông Hồng, Quảng Nam là địa phương ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh đầu tiên của cả nước, cũng như đăng ký đăng cai năm du lịch 2022 với chủ đề “Điểm đến du lịch xanh” là một động thái để địa phương khôi phục tăng trưởng ngành du lịch.

Du khách đến với Hội An trong sự kiện "Đêm hội đèn lồng Hội An"diễn ra cuối tháng 12/2021

Du khách đến với Hội An trong sự kiện "Đêm hội đèn lồng Hội An"diễn ra cuối tháng 12/2021

“Cùng với kịch bản xây dựng tiêu chí du lịch xanh, xây dựng chuỗi các hoạt động du lịch năm 2022, phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh xây dựng các điểm đến du lịch xanh, sản phẩm du lịch cộng đồng, phương án kích cầu du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp trong đào tạo… Nhất là đăng cai năm du lịch 2022 vào tháng 3/2022 thì đây là chuỗi các giải pháp để khôi phục phát triển ngành du lịch Quảng Nam trong thời gian tới”– ông Hồng khẳng định.