Bão Yagi cực mạnh sẽ vào Quảng Ninh, Hải Phòng ngày 7/9

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bão số 3 (tên quốc tế Yagi) tiếp tục mạnh lên cấp 15 (167-183km/h), giật cấp 17 và có khả năng mạnh lên thành siêu bão. Theo dự báo, bão Yagi cực mạnh sẽ vào vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng ngày 7/9.

Anh 1.gif
Dự báo đường đi của cơn bão số 3.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 7h ngày 5/9, vị trí tâm bão số 3 vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 115,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 520km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10km/h.

Đến 7h ngày 6/9, tâm bão Yagi ở cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 190km về phía Đông, cách Quảng Ninh khoảng 590km về phía Đông Đông Nam. Cường độ bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17, mỗi giờ đi được 10 - 15km theo hướng Tây Tây Bắc.

Tới 7h ngày 7/9, tâm bão số 3 trên vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ, cách Quảng Ninh khoảng 190km về phía Đông Đông Nam, cường độ bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17, mỗi giờ đi được 15-20km theo hướng Tây Tây Bắc và suy yếu dần.

Dự báo, 7h ngày 8/9, tâm bão Yagi trên khu vực vịnh Bắc Bộ, cường độ bão mạnh cấp 6, mỗi giờ đi được 20km theo hướng Tây Tây Bắc và suy yếu dần thành vùng áp thấp.

Dự báo tác động của bão, khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 11-13, vùng gần tâm bão đi qua cấp 14-16, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.

Từ đêm 6/9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.

Trên đất liền, từ gần sáng 7/9, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11.

Trong khi đó, vùng biển, khu vực Bắc Biển Đông có sóng biển cao 7,0-9,0m, vùng gần tâm bão 10,0-12,0m. Biển động dữ dội.

Từ đêm 6/9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sóng cao 2,0-4,0m, sau tăng lên 3,0-5,0m, vùng gần tâm bão đi qua 6,0-8,0m.

Gần sáng 7/9, vùng biển ven bờ các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá sóng cao 2,0-3,0m, sau tăng lên 2,0-4,0m, vùng gần tâm bão 3,0-5,0m.

Ven biển các tỉnh từ Thanh Hoá tới Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5-1,8m: Quảng Ninh từ 1,5-1,8m; Hải Phòng và Thái Bình từ 1,2-1,5m; Nam Định và Ninh Bình từ 0,8-1,2m; Thanh Hoá: 0,5-1,0m.

Các khu vực neo đậu tầu thuyền, khu nuôi trồng thuỷ sản, các tuyến đê, kè biển trong vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và nước dâng do bão.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, có nơi trên 500mm. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, lốc và gió giật mạnh cả trước và trong khi bão đổ bộ.

Để ứng phó với bão Yagi, ngày 3/9, Thủ tướng đã ban hành công điện yêu cầu hầu hết các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ chủ động phương án ứng phó.

Bộ trưởng các bộ và Chủ tịch UBND các địa phương chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ nếu xảy ra tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tổ chức rà soát, kiểm đếm, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.

Chủ động tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, nhất là ở cửa sông, ven biển...