Tờ Phượng Hoàng Hồng Kông ngày 27/6 loan tin vừa qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nhưng ngay sau đó, ngày 25/6 ông Putin lại đến thăm Trung Quốc. Gặp gỡ liên tiếp như vậy đã phản ánh tính chất đặc biệt của quan hệ Trung - Nga.
Sau cuộc hội đàm với ông Tập Cận Bình, hai bên đã ký nhiều tuyên bố phản ánh nhiều "đồng thuận" cấp cao. Trong số đó, tờ Phượng Hoàng cho biết có cả vấn đề quan trọng: Biển Đông.
Tuyên bố chung Trung - Nga cho rằng Trung Quốc và Nga chủ trương căn cứ vào các quy định như Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), trên nền tảng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bảo vệ chế độ pháp lý biển.
Tất cả các tranh chấp liên quan cần do "các bên đương sự giải quyết hòa bình bằng đàm phán, hiệp thương hữu nghị, phản đối quốc tế hóa và tiến hành can thiệp của bên ngoài".
"Cần tôn trọng đầy đủ tất cả các điều khoản của UNCLOS và Tuyên bố về Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC cùng với thực hiện các nguyên tắc chỉ đạo của DOC)".
Điều này thống nhất với thái độ của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào tháng 4/2016: "Nga phản đối quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, ủng hộ các nước đương sự có liên quan giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán trực tiếp".
Ngoài ra, trong "Tuyên bố Trung - Nga về thúc đẩy luật pháp quốc tế", hai nước cũng khẳng định "điều quan trọng của bảo vệ trật tự pháp lý quốc tế là ở chỗ các nước cần có tinh thần hợp tác, trên cơ sở được các nước đồng ý, thiện chí sử dụng các phương thức và cơ chế giải quyết tranh chấp, không được lạm dụng những phương thức và cơ chế giải quyết tranh chấp này để gây thiệt hại cho tôn chỉ của chúng".
Bài viết cho rằng "điều này ám chỉ vụ kiện trọng tài của Philippines. Nga đã "kiên định" đứng về phía Trung Quốc trong vấn đề này".
Nhưng tờ Nhật báo phố Wall Mỹ cho rằng đây là kết quả của “trao đổi lợi ích”: Nga ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn không phải "miễn phí", có lý do để khẳng định là Nga sẽ nhận được rất nhiều lợi ích "vượt qua các ngôn từ".
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tìm cách để Trung Quốc tiến hành đầu tư nhiều hơn vào khu vực Viễn Đông và Siberia của Nga, nhất là trong lĩnh vực năng lượng và hạ tầng cơ sở.
Nhật báo phố Wall viết: Điều đáng lưu ý là thái độ của Nga ở Biển Đông sẽ bị giới hạn bởi lợi ích của họ ở Đông Nam Á, chẳng hạn, Nga và Việt Nam đã duy trì quan hệ chặt chẽ, hơn nữa Nga cũng có quan hệ quân sự với Malaysia.
Ông Putin có thực sự ủng hộ Trung Quốc hay không thì trước tiên phải xem những lợi ích của Nga ở khu vực Đông Nam Á.
Nga có hợp đồng 10 tỷ USD vũ khí ở xung quanh Biển Đông
Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Nga vượt ra ngoài thị trường vũ khí truyền thống, không chỉ bán vũ khí trang bị mũi nhọn cho Việt Nam, mà còn mở rộng thị trường vũ khí khu vực Đông Nam Á đến các nước Malaysia và Indonesia.
Thông qua cách làm này, Nga đã thu được những lợi ích kinh tế tương đối khả quan và tăng cường vai trò ảnh hưởng ở khu vực. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm quân dụng Nga là 11,6 tỷ USD, tổng kim ngạch đơn đặt hàng xuất khẩu vũ khí hiện có trên 57 tỷ USD. Trong đó 60% đến từ khu vực châu Á.
Việt Nam là nước mua sắm hàng hóa quân sự lớn thứ ba của Nga. Trang bị mua sắm bao gồm tàu hộ vệ Gepard, 6 tàu ngầm lớp Kilo (trị giá 3,2 tỷ USD), 20 máy bay chiến đấu Su-30 (trị giá 2 tỷ USD) và rất nhiều tên lửa đối hải, radar v.v... Trang Phượng Hoàng cho rằng "Hạm đội Trường Sa" được Việt Nam chủ trương xây dựng cũng sẽ chủ yếu mua sắm các trang bị của Nga.
Căn cứ vào số liệu công bố của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, từ năm 2014 - 2015, Nga tổng cộng đã xuất khẩu trang bị quân sự cho Việt Nam trị giá là 1,795 tỷ USD.
Theo bài viết, khi Việt Nam đang tăng cường chuẩn bị phòng vệ quân sự, toàn bộ vũ khí lợi hại dùng cho tác chiến trên biển đều đến từ Nga.
Tháng 5 năm nay, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Nga - đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng. Chủ trương của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là "tăng cường hợp tác quốc phòng hai nước, đồng thời bày tỏ lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, tranh thủ sự ủng hộ của Nga".
Các dự án hợp tác quốc phòng hai nước còn bao gồm việc Việt Nam đặt mua 6 tàu ngầm lớp Kilo, hiện đã bàn giao 5 chiếc, sẽ sớm bàn giao chiếc còn lại. Đại sứ Việt Nam tại Nga cho biết, ở căn cứ quân sự Cam Ranh, Việt Nam tiếp tục mở cửa, không phản đối Nga quay trở lại Cam Ranh.
Ngoài Việt Nam, Nga còn xuất khẩu 1,5 tỷ USD máy bay chiến đấu, xe tăng, tàu ngầm cho Indonesia, xuất khẩu máy bay chiến đấu Su-30 tiên tiến nhất cho Malaysia, thậm chí Brunei cũng bắt đầu lựa chọn vũ khí Nga.
Vũ khí Nga đã thâm nhập Đông Nam Á, trở thành "hàng xách tay" trên thị trường. Nga còn có kế hoạch cung cấp vũ khí gần 10 tỷ USD cho các nước ASEAN trong 10 năm tới.
Đẩy mạnh hợp tác dầu khí với Việt Nam
Ngay từ năm 1981, Công ty dầu khí nước ngoài Nga (Zarubezhneft) đã cùng với Công ty dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) thành lập liên doanh Vietsovpetro. Đây là sự khởi đầu của công nghiệp dầu mỏ Việt Nam.
Năm 1986, mỏ dầu Bạch Hổ của Vietsovpetro đã đưa vào khai thác công nghiệp. Trong năm khai thác đỉnh cao, riêng mỏ dầu này đã chiếm 3/4 sản lượng dầu mỏ của Việt Nam.
Từ năm 1981 đến 2009, Vietsovpetro đã nộp tổng cộng 28 tỷ USD vào kho bạc nhà nước Việt Nam, nộp 8,6 tỷ USD vào kho bạc nhà nước Liên Xô (Nga), khai thác tổng cộng khoảng 200 triệu tấn dầu mỏ.
Cộng với các lô khác của Zarubezhneft, công ty này hầu như chiếm 50% trong ngành khai thác dầu mỏ ở Việt Nam. Trong khai thác lâu dài, họ cũng đã tích lũy được kinh nghiệm hoạt động phong phú ở Biển Đông.
Năm 2012, Công ty cổ phần công nghiệp khí đốt Nga (Gazprom) và Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã đạt được thỏa thuận, hợp tác khai thác ở hai lô trên Biển Đông.
Bài viết dẫn một quan điểm phán rằng, Việt Nam có ý định dựa vào Nga "đối kháng" với Trung Quốc – chống lại yêu sách “đường chín đoạn” vô lý, phi pháp của Bắc Kinh. Điều này cũng có nghĩa là Nga sẽ can thiệp nhiều hơn vào vấn đề Biển Đông.
Phượng Hoàng dẫn nhận định của một chuyên gia dầu khí cho hay: "Tài nguyên dầu khí ở nước Nga đã được các công ty nhà nước phân chia, phụ trách gần hết, họ cần mở rộng ra nước ngoài để gia tăng trữ lượng và sản lượng. Đồng thời, do bị các công ty dầu mỏ Âu - Mỹ chèn ép ở các khu vực khai thác dầu mỏ truyền thống, Biển Đông với dầu mỏ phong phú đã trở thành mảnh đất màu mỡ trong cuộc cạnh tranh của họ".
Tháng 3/2016, Công ty Dầu khí Nga (Rosneft Oil) ngày 12/3 tuyên bố, hợp tác với Việt Nam ở Biển Đông bước vào giai đoạn mới, lần đầu tiên khởi động khoan giếng ở trên biển (cách bờ biển Việt Nam 370 km) với tư cách là người phụ trách dự án.
Trang tin Sputnik Nga cho biết ngày 16/5 Vietsovpetro cùng nhiều công ty Việt Nam đã ký kết thỏa thuận phân phối sản phẩm dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Khang Lâm từ Viện Nghiên cứu Biển Đông, Trung Quốc cho rằng: "Phần lớn hoạt động thăm dò khai thác của Nga ở Biển Đông đều ở trong (cái gọi là) ‘đường chín đoạn’, Nga đã đi trước Trung Quốc trong lĩnh vực thăm dò và khai thác tài nguyên dầu khí Biển Đông".
Khang Lâm nói như vậy rõ ràng muốn xuyên tạc rằng Bắc Kinh coi các mỏ dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam có dính dáng đến cái gọi là "đường chín đoạn" đều thuộc về Trung Quốc.
Trên thực tế, Bắc Kinh thậm chí từng cho mời thầu dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Hơn nữa, năm 2014 Bắc Kinh còn hùng hổ điều giàn khoan nước sâu 981 hạ đặt bất hợp pháp ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khiến cho quan hệ Việt - Trung bị khủng hoảng nghiêm trọng trong một thời gian.
Bài viết còn tuyên truyền rằng Nga "ủng hộ" lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông xuất phát từ "lòng tin chính trị" và sự "tôn trọng đối với luật pháp quốc tế". Nhưng, Nga lựa chọn tiếp tục bán vũ khí cho các nước như Việt Nam là dựa trên sự cân nhắc lợi ích thực tế. Hai điều này đều dính dáng đến "vướng mắc" phức tạp ở Biển Đông.
Trên thực tế, chẳng có gì vướng mắc nếu Trung Quốc không vẽ bậy ra "đường chín đoạn" (đường lưỡi bò) vô lý, phi pháp và áp đặt ý chí quốc gia vào tham vọng ngông cuồng này của họ ở Biển Đông.
Sẽ chẳng có gì vướng mắc nếu như Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Bài báo còn cho rằng Nga cũng bắt đầu tìm cách xây dựng liên minh lợi ích mới với Đông Nam Á.
Tháng 5/2015, Liên minh kinh tế Âu - Á do Nga đứng đầu và Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do. Chuyên gia Nga dự đoán, Liên minh kinh tế Âu-Á và Việt Nam thiết lập Khu mậu dịch tự do có thể giúp cho kim ngạch thương mại song phương từ 4 tỷ USD hiện nay tăng lên 10 tỷ USD trong vài năm đầu sau khi hiệp định có hiệu lực.
Năm 2015, kim ngạch thương mại Việt - Nga đạt 2,2 tỷ USD, quý 1 năm 2016 kim ngạch thương mại song phương đã vượt 590 triệu USD.
Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Nga chủ yếu bao gồm các hàng nông sản, hải sản, quần áo; còn hàng hóa Việt Nam nhập khẩu là dầu mỏ, sắt thép, máy móc, phân bón hoá học.
Trong tình hình bị phương Tây trừng phạt hiện nay, Nga rất có thể tiếp tục hiện diện kinh tế ở Đông Nam Á, trong khi đó vai trò của Nga trong tranh chấp Biển Đông cũng đáng để tiếp tục quan sát - bài viết kết luận.