|
Tàu ngầm Kilo Nga bán cho Việt Nam. |
Tờ Người quan sát Trung Quốc ngày 25/9 cho rằng vừa qua Hải quân Trung Quốc và Nga đã tổ chức cuộc tập trận "Liên hợp trên biển-2016" trong thời gian 1 tuần, hai bên đã tổ chức diễn tập nhiều khoa mục như phòng không liên hợp, săn ngầm liên hợp, tìm kiếm tiêu diệt trên biển trên không liên hợp, đánh chiếm và kiểm soát đảo đá lập thể liên hợp, tìm kiếm cứu nạn liên hợp, đổ bộ kiểm tra liên hợp, phòng thủ bãi thả neo, sử dụng vũ khí thực tế.
Do có khoa mục đổ bộ đánh chiếm đảo đá liên hợp của lực lượng hải quân đánh bộ hai nước và khu vực diễn tập là Biển Đông (vùng biển phía đông Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) - trên thực tế hoàn toàn không đi sâu vào Biển Đông, điều này làm cho không ít nhà quan sát Trung Quốc và quốc tế có đánh giá khác nhau về sự "ủng hộ" của Nga đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Bài báo cho rằng nhìn vào cuộc diễn tập này, Nga rõ ràng đã có thiện chí và "ủng hộ" rất lớn, nhất là khi hai nước công khai tuyên bố thời gian tập trận - thời điểm sau khi Tòa trọng tài ở The Hague đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines không lâu.
Với thời gian nhạy cảm như vậy, báo Trung Quốc cho là Nga đã bày tỏ "ủng hộ" đối với lập trường của Trung Quốc (trong vấn đề Biển Đông).
Về quy mô tập trận, Hải quân Nga lần này điều biên đội 5 tàu quân sự với cốt lõi là 2 tàu săn ngầm cỡ lớn Type 1155 tham gia diễn tập, quy mô có thể coi là "lớn".
Hiện nay, tàu chiến mặt nước cỡ lớn của Hạm đội Thái Bình Dương Nga tổng cộng chỉ có 1 tàu tuần dương tên lửa Type 1164, 2 tàu khu trục tên lửa Type 956 và 4 tàu săn ngầm cỡ lớn Type 1155.
Do tàu tuần dương tên lửa Varyag đầu năm 2016 đến Syria thực hiện nhiệm vụ phòng không, cảnh giới, sau khi trở về phải tiến hành bảo dưỡng, bảo trì, nên 2 tàu tham gia cuộc tập trận lần này là “nửa số tàu có thể sử dụng” của Hạm đội Thái Bình Dương. Vì vậy, Nga rất có "thiện chí" với cuộc tập trận này.
Nhưng tàu chở dầu thì lại thuộc loại "đơn thuần", thậm chí không có khả năng tiếp dầu chiều ngang. Cùng với tàu kéo biển xa luôn có mặt trong biên đội biển xa của Nga, thì nó không có "dụng ý" gì đặc biệt.
Nhìn vào khoa mục diễn tập sẽ không khó phát hiện tính "tượng trưng" của cuộc tập trận này. Chẳng hạn một số khoa mục của cuộc tập trận này thực sự "xa lạ" với tranh chấp Biển Đông như tìm kiếm cứu nạn liên hợp và áp sát kiểm tra tàu.
Trong khoa mục sử dụng vũ khí thực tế, hai bên chỉ tiến hành bắn pháo chính-phụ, bắn đạn tên lửa săn ngầm thật, nhưng bắn ngư lôi săn ngầm chỉ là bắn mô phỏng.
Điều này có nguyên nhân là do có độ khó lớn trong thao tác, nhưng tàu săn ngầm cỡ lớn Type 1155 vốn giỏi về tác chiến săn ngầm. Trong cuộc tập trận này lại không có khoa mục bắn tên lửa săn ngầm và ngư lôi săn ngầm bằng đạn thật. Điều này gây "thất vọng" (cho cộng đồng mạng Trung Quốc).
Dù sao, vài tuần trước, trong cuộc tập trận Caucasus-2016 ở Biển Đen, Quân đội Nga mặc dù chỉ có tàu tên lửa Type 1234 trọng tải nhỏ tham gia diễn tập, nhưng cũng có khoa mục diễn tập bắn tên lửa nhiều lần.
Điều này rõ ràng cũng liên quan đến "bảo mật". Dù sao, tàu săn ngầm cỡ lớn Type 1155 đã không có gì mới đối với Hải quân Trung Quốc. Mặc dù loại tàu này đến nay còn rất có uy lực, nhưng sức chiến đấu của nó đã đáng lo ngại khi độc lập tác chiến ở biển xa.
Vùng biển diễn tập lần này là giữa đảo Hải Nam và đất liền Trung Quốc, tức vùng biển phía đông Trạm Giang, do đó nó không chỉ thiếu các đảo cần thiết cho diễn tập, mà khu vực diễn tập đối kháng biên đội cũng không rộng rãi.
Nhưng tại sao hai bên không chọn tiến hành đối kháng ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa hoặc quần đảo Trường Sa (hai quần đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam), rõ ràng Nga còn có "cân nhắc khác".
Một nhân tố rõ ràng là Việt Nam, bởi vì Nga cũng đang sử dụng hành động thực tế để ủng hộ Việt Nam: Những năm gần đây Việt Nam đã mua các trang bị của Nga như tàu ngầm Kilo 636M, máy bay chiến đấu đa dụng Su-30MKV, hệ thống tên lửa chống hạm Bastion.
Về khách quan, những vũ khí, trang bị này đã tăng mạnh khả năng tác chiến cho Việt Nam ở vùng biển này. Nga mặc dù bày tỏ quan điểm "ủng hộ Trung Quốc về trọng tài Biển Đông", nhưng trong bất đồng giữa Trung Quốc và Việt Nam ở Biển Đông, Nga rõ ràng không tiện hoặc không muốn bày tỏ thái độ.
Cùng với sự phát triển của quan hệ Trung-Nga, Nga và Việt Nam cũng có rất nhiều chia sẻ các vấn đề quốc tế và địa-chính trị, những thực tế được xây dựng trên cơ sở lợi ích quốc gia của mình.
Thái độ của Nga trong vấn đề Biển Đông phần nhiều là phản đối Mỹ và một số nước, chứ không phải thực sự hoàn toàn ủng hộ chủ trương và lập trường của Trung Quốc. Nga còn cân nhắc đến Việt Nam, thái độ của Nga trong vấn đề Biển Đông phần nhiều là phản đối Mỹ và một số nước, chứ không phải thực sự hoàn toàn ủng hộ chủ trương và lập trường của Trung Quốc...
Báo Trung Quốc cho rằng: "Trong tương lai, Trung Quốc không nên trông chờ quá cao vào sự ủng hộ của Nga trong vấn đề Biển Đông".