|
Tàu sân bay động cơ hạt nhân Carl Vinson, Hạm đội 3, Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu) |
Sina tuyên truyền về “Logic bá quyền” của Mỹ ở Biển Đông
Trang tin Sina Trung Quốc ngày 17 tháng 2 có bài viết tuyên truyền cho rằng hiện nay đội ngũ cầm quyền của Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump là một “đội ngũ diều hâu” hoàn toàn, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Cố vấn hàng đầu Nhà Trắng Stephen K. Bannon.
Thái độ của ông James Mattis đã thể hiện rõ trong chuyến thăm Nhật Bản, còn ý định của Tổng thống Donald Trump đã thể hiện trực tiếp hơn khi gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 10 tháng 2.
Khi đó, ông Donald Trump tuyên bố, Mỹ tập trung toàn bộ sức mạnh quân sự bao gồm vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân để bảo vệ Nhật Bản, cam kết này “không thay đổi”.
Như vậy, ông Donald Trump đã từ bỏ chính sách “mơ hồ”, thể hiện rõ thái độ đối đầu với Trung Quốc về quân sự. Những vũ khí trang bị hiện đại công nghệ cao mới của Mỹ đang gấp rút triển khai ở xung quanh Trung Quốc.
Những vũ khí trang bị này bao gồm: radar sóng ngắn X triển khai ở bán đảo Triều Tiên; máy bay cảnh báo sớm E-2D Advanced HawkEye triển khai ở căn cứ Iwakuni, Nhật Bản; 16 máy bay chiến đấu tàng hình F-35B đã và sẽ triển khai ở căn cứ Iwakuni; triển khai máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm tiên tiến nhất F-22 ở căn cứ không quân Kadena và Naha, Nhật Bản; cân nhắc triển khai tàu khu trục tàng hình mới Zumwalt ở khu vực đảo Jeju.
Có chuyên gia phân tích cho rằng, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có lẽ thực sự muốn tập trung nguồn lực vào ứng phó với các thách thức từ Trung Quốc – bao gồm các yêu sách lãnh thổ vô lý, phi pháp ở Biển Đông, các hoạt động trên biển Hoa Đông và việc xây dựng hiện đại hóa nhanh chóng của Hải quân Trung Quốc.
Quân đội Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện học thuyết tác chiến “can dự và cơ động ở các vùng biển quốc tế trên toàn cầu”, một học thuyết phát triển trên cơ sở “tác chiến thống nhất không, hải quân”.
Tân Chính phủ Mỹ xác định Biển Đông là một “vùng biển quốc tế của thế giới” để thực hiện học thuyết này. Trong thời gian tới, thách thức trước tiên của Trung Quốc chính là các hành động tự do đi lại của Quân đội Mỹ.
Theo Sina, ý định thực sự của Mỹ là tiếp tục tiếp tục sử dụng vấn đề Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc, bao gồm cả can thiệp vào khu vực quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm đóng) – một khu vực rất quan trọng đối với Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo Sina, trên thực tế, chỉ có quốc tế hóa vấn đề Biển Đông thì Mỹ mới có lý do để thường xuyên can thiệp. Đằng sau điều này là “logic bá quyền” của Mỹ. Theo chiến lược an ninh quốc gia Mỹ, Mỹ sẽ tiếp tục giúp đỡ các nước được hoạt động ở các vùng biển quốc tế trên toàn cầu, thúc đẩy an ninh, bảo đảm sử dụng lâu dài các tài nguyên ở vùng biển quốc tế.
Dưới sự lãnh đạo của ông chủ Nhà Trắng mới Donald Trump, Mỹ có thể tiếp tục tái vũ trang quy mô lớn như thời kỳ Tổng thống Ronald Reagan. Ngoài ra, Mỹ sẽ tìm kiếm các lợi ích dựa trên sức mạnh, chẳng hạn Nhật Bản đã tuyên bố sẽ “đóng góp” 150 tỷ USD cho Mỹ để Mỹ đảm bảo an ninh cho Nhật Bản.
Các tài nguyên, vị trí chiến lược của Biển Đông chắc chắn sẽ được Mỹ đặc biệt quan tâm. Can thiệp vào Biển Đông đã trở thành một bước đi quan trọng trong bàn cờ lớn của Mỹ.
Mỹ sẽ “tự do đi lại” thường xuyên hơn ở Biển Đông
Theo tờ Phượng Hoàng Hồng Kông ngày 17 tháng 2, tàu sân bay USS Carl Vinson đã rời Guam, tiến đến Biển Đông. Các nguồn tin tiết lộ, cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson đến Biển Đông lần này nhằm thực hiện các hành động tự do đi lại, thách thức yêu sách chủ quyền vô lý, phi pháp của Trung Quốc và thực hiện nhiều hoạt động giao lưu khác với các nước trong khu vực.
Hơn nữa, vừa qua máy bay ném bom B-1B Lancer thuộc căn cứ quân sự Anderson, Guam và máy bay chiến đấu F-18 Super Hornet thuộc liên đội bay 192 của tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Carl Vinson đã bay trên bầu trời biển Philippines.
Điều đáng chú ý là, lần này Quân đội Mỹ đã tiến hành điều động phối hợp bay giữa máy bay ném bom B-1B và máy bay chiến đấu Super Hornet và mô hình này sẽ trở thành một trong những mô hình răn đe chủ yếu trên không đối với Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian tới.
Hai loại máy bay này đều trang bị tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM), tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng cho các loại tàu chiến Trung Quốc, bao gồm tàu sân bay.
Theo Sina, có một vấn đề đáng chú ý nữa là, thông tin từ Hải quân Mỹ và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cho biết cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson lần này sẽ tiến hành “tuần tra” vùng biển 12 hải lý của các đảo, đá ngầm trên Biển Đông. Việc này đang chờ “cấp trên” phê chuẩn.
Tuy nhiên, hiện nay, “quả bóng” đang nằm ở Nhà Trắng, tức là hành động “tuần tra” mang tính thách thức yêu sách của Trung Quốc này có diễn ra hay không còn tùy thuộc vào quyết định của Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo báo chí Nhật Bản, Tân Chính phủ Mỹ đang cân nhắc triển khai các hành động tích cực hơn ở Biển Đông, khác với thời kỳ Tổng thống Barack Obama, các biện pháp cụ thể là triển khai hành động “tác chiến tự do đi lại” một cách thường xuyên hơn – điều tàu chiến đến vùng biển 12 hải lý của đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông để răn đe.
Tờ Nikkei Shimbun Nhật Bản vừa tiết lộ nội dung phát biểu khi thăm Nhật Bản gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ông James Mattis tuyên bố: “Mỹ sẽ không áp dụng thái độ khoan dung như trước đây ở Biển Đông, sẽ hành động để bảo vệ tự do đi lại”.
Khi nói chuyện với thành viên nội các Nhật Bản, ông James Mattis còn chỉ ra: “Trung Quốc hiện nay hầu như muốn đưa toàn bộ khu vực xung quanh vào phạm vi ảnh hưởng của họ. Nhưng, trong thế giới hiện đại, cách làm này tuyệt đối không được”.
Báo chí Nhật Bản cho rằng điều này đã cho thấy, để ngăn chặn Trung Quốc xây dựng các cứ điểm quân sự quan trọng, Mỹ sẽ cân nhắc triển khai các hành động tích cực hơn so với chính quyền tiền nhiệm Barack Obama, “biện pháp cụ thể hầu như là thực hiện các hành động tự do đi lại thường xuyên hơn trước đây, sẽ điều tàu chiến Mỹ tiến hành răn đe ở vùng biển 12 hải lý của đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng (phi pháp) ở Biển Đông”.
Tờ Thời báo Hải quân Mỹ cũng nhấn mạnh, Hải quân Mỹ đang có kế hoạch điều nhiều tàu chiến hơn đến Biển Đông, thông qua các hành động tự do đi lại, “đưa ra thách thức mới” cho yêu sách chủ quyền vô lý, phi pháp của Trung Quốc đối với các đảo, đá ngầm ở Biển Đông.
Trung Quốc có 9 loại vũ khí đối phó Mỹ
Đối với vấn đề này, Trung Quốc hiện nay đang tìm cách hạn chế các hành động mang tính “thách thức” nói trên của Quân đội Mỹ. Trang tin Sina Trung Quốc ngày 17 tháng 2 khoe rằng hiện nay Trung Quốc đã có khả năng “chống can thiệp và chống tiếp cận khu vực” ở trên biển.
Hiện nay, Trung Quốc có 9 loại vũ khí trang bị như tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong-21D, máy bay ném bom H-6K, các máy bay chiến đấu như J-10, J-20 và Su-30, tên lửa phòng không S-300, tàu sân bay (Liêu Ninh), tàu ngầm hạt nhân và vũ khí chống vệ tinh. 9 loại vũ khí này đã tạo ra “mối đe dọa nghiêm trọng” cho Mỹ trên “toàn cầu” – Sina nhấn mạnh.
Ngoài ra sức tuyên truyền về “cơ bắp quân sự” trên mặt báo, Quân đội Trung Quốc đang triển khai một đợt huấn luyện, diễn tập quy mô lớn kéo dài, từ Biển Đông đến Đông Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương.
Sự lựa chọn thời điểm cho các hoạt động phô trương sức mạnh này rõ ràng nhằm đối phó với khả năng cụm tấn công tàu sân bay Mỹ triển khai hành động tự do đi lại ở Biển Đông trong thời gian tới.