|
Tờ Global Times, một ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã công kích Lầu Năm Góc có "hành vi khiêu khích" và kêu gọi Bắc Kinh "chuẩn bị cho tình huống xấu nhất". Bài bình luận đăng ngày hôm nay nhấn mạnh: "Việc này có thể thuyết phục Nhà Trắng rằng Trung Quốc, dù không mong muốn, không sợ phải tham chiến với Mỹ trong khu vực, và quyết tâm bảo vệ các lợi ích và danh dự quốc gia".
Nhật báo Quân Giải phóng, tờ báo hàng đầu của quân đội Trung Quốc, đăng trên trang nhất bài bình luận, cáo buộc Mỹ gieo rắc bất ổn tại các quốc gia. "Thực tế rõ ràng cho thấy Mỹ hết lần này đến lần khác sử dụng vũ lực một cách liều lĩnh và khơi mào các cuộc chiến, khuấy động mọi thứ tại những nơi từng ổn định."
Tờ Nhân dân Nhật báo cũng có bài bình luận, cho rằng việc Mỹ quyết định đưa tàu khu trục tên lửa USS Lassen vào vùng 12 hải lý quanh các bãi ngập nước Subi và Vành Khăn ở Trường Sa là hành động nguy hiểm, giống như "đang đùa với lửa, mà hậu quả rất nghiêm trọng".
Tàu khu trục tên lửa USS Lassen ngày 27/10 đã tiến vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Trường Sa của Việt Nam. Cuộc tuần tra diễn ra sau khi Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình không thể tìm được tiếng nói chung về vấn đề bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông trong các cuộc đối thoại tại Nhà Trắng hồi tháng 9.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter tuyên bố Mỹ đã lên kế hoạch tiếp tục thực hiện các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải tiếp theo trong khu vực. "Tàu chiến, máy bay chúng tôi sẽ hoạt động tại bất kỳ đâu luật pháp quốc tế cho phép", ông Carter khẳng định trong một buổi điều trần tại Quốc hội Mỹ.
Trung Quốc phản ứng lại chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ bằng một loạt cáo buộc nhắm vào Washington. "Chúng tôi sẽ có các biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh", Xinhua dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Yang Yujun cho biết.
Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói sẽ "đáp trả kiên quyết" bất kỳ hành động cố ý khiêu khích nào. Hải quân Trung Quốc cho biết sẽ điều hai tàu khu trục tên lửa Lan Châu và Đài Châu bám sát tàu tuần tra của Mỹ để theo dõi mọi động thái.
Tàu tuần tra không khiến đảo nhân tạo biến mất
"Có vẻ như phản ứng của Trung Quốc - ít nhất là ban đầu - là đáp trả một cách kiềm chế. Trung Quốc không hề có lợi gì khi kích động một cuộc khủng hoảng chiến thuật hoặc bất kỳ dạng đối đầu nào với Mỹ", Guardian dẫn lời Ashley Townshend, chuyên gia Biển Đông tại trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney, nhận xét.
Washington hy vọng chiến dịch tuần tra trên sẽ khiến Bắc Kinh nhượng bộ trong chương trình bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp. Tuy nhiên, chuyên gia Townshend cảnh báo, việc tàu chiến Mỹ được điều tới Biển Đông có thể gây tác dụng ngược.
"Tôi cho rằng các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải có thể trở thành cái cớ trong tay những thành phần cứng rắn trong quân đội và chính quyền Trung Quốc. Một khi Mỹ bị coi là đang có hành vi khiêu khích, những người ôn hòa trong chính phủ Trung Quốc sẽ khó ăn khó nói hơn trước những thành phần thuộc phe diều hâu", ông nói.
Chuyên gia này cho rằng động thái của Mỹ có thể tạm thời củng cố vị thế của Washington. "Nhưng có lúc bạn thắng một trận chiến nhưng lại thua cả một cuộc chiến nếu những chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải này lại khiến Trung Quốc quyết tâm hơn trong việc quân sự hóa các đảo nhân tạo".
"Những đảo nhân tạo phi pháp đó sẽ không biến mất, trừ khi hiện tượng trái đất ấm lên nhấn chìm chúng", chuyên gia Townshend nhấn mạnh.
|
Trung Quốc xây trái phép các đường băng ở Trường Sa như thế nào (chi tiết). Đồ họa:Tiến Thành |
Theo VnExpress