Chiều 27/10, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết sau khi đi sâu vào đất liền các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng bão số 6 (hay còn gọi là Trà Mi) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Vào 16h cùng ngày, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên đất liền các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9. Bão di chuyển theo hướng Nam Tây Nam, tốc độ khoảng 5 km/h.
Đến 13h chiều 28/10, bão trên vùng biển ven bờ Thừa Thiên Huế - Quảng Nam. Cường độ mạnh cấp 6, mỗi giờ đi được 5 km/h, sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp theo hướng Đông.
Theo ông Khiêm, do ảnh hưởng của cơn bão số 6, tại đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) giật cấp 6, cấp 7; Nam Đông (Thừa Thiên Huế) gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; Cẩm Lệ (Đà Nẵng) gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; Sơn Trà (Đà Nẵng) gió mạnh cấp 9, giật cấp 10...
Trên đất liền Quảng Bình đến Quảng Nam có gió giật mạnh cấp 6-8; vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.
Từ đêm qua đến chiều 17/10, khu vực từ Hà Tĩnh - Quảng Nam, đã có mưa to đến rất to, có nơi cục bộ trên 400mm.
Dự báo từ nay đến hết đêm 28/10, khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150-250 mm, cục bộ có nơi trên 400 mm; cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (trên 100 mm/3 giờ).
Khu vực từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi và Kon Tum có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa 70-150 mm, cục bộ có nơi trên 200 mm.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng phòng dự báo Thời tiết, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết bão số 6 đã vào các địa phận ở tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam. Chiều tối nay bão số 6 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Theo ông Tuấn, ở khu vực Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, áp thấp nhiệt đới đang có quá trình đi lệch về phía Nam và trong những giờ tới, áp thấp nhiệt đới sẽ hướng đi lệch ra phía biển, có khả năng suy yếu thành vùng áp thấp trên vùng biển Trung Trung Bộ.
Ông Tuấn cũng lưu ý, theo dõi của trung tâm dự báo cho thấy, hiện tại một cơn bão mới đang hoạt động tại vùng biển ngoài xa phía Đông Lu Dong (Philippines). Vị trí tâm bão này lúc 13h đang cách bờ biển trên 1.000 km và cường độ tiếp tục mạnh thêm.
"Nhận định của trung tâm dự báo, khả năng cơn bão này tiếp tục di chuyển về phía Tây, không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục vào vùng Biển Đông", ông Tuấn nói và cho biết, trung tâm dự báo đang tiếp tục theo dõi sát sao cơn bão này và sẽ có thông tin cụ thể.
Trong khi đó, ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo Thủy văn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết do có mưa rất lớn ở khu vực Trung Trung Bộ nên lũ trên các sông ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đang lên rất nhanh.
Ông Dũng cho hay trong chiều nay, mực nước trên sông Kiến Giang tại Quảng Bình đã vượt mức báo động 3, trên báo động 3 là 1,35 m. Các sông ở Quảng Trị ở mức báo động 2 đến báo động 3, một số sông đã vượt báo động 3. Các sông ở Thừa Thiên Huế lên mức báo động 2, đặc biệt là trên sông Hương.
Do có mưa lớn và lũ lên nhanh nên tình trạng ngập lụt xảy ra tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và TP Đồng Hới (Quảng Bình); các huyện Triệu Phong, Hải Đăng, Gio Linh, TP Đông Hà, TP Quảng Trị (Quảng Trị). Tại Thừa Thiên Huế đã ngập lụt tại các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Hương Thủy, Hương Trà và các TP Huế.
"Theo nhận định của chúng tôi trong 12h tới, lũ trên các sông ở Nam Hòa Bình tiếp tục lên, đặc biệt sông Thạch Hãn (Quảng Trị) tiếp tục lên dao động ở mức báo động 3 và trên mức báo động 3, do đó tình trạng ngập lụt tiếp tục kéo dài trong 12 đến 24h, sau đó giảm dần", ông Dũng nói.
Bão Trà Mi giật cấp 12, Thừa Thiên Huế cấm người dân ra đường
Bão Trà Mi vào gần bờ, Đà Nẵng đề nghị người dân hạn chế ra khỏi nhà
Khách sạn ở Đà Nẵng dùng xe container chắn trước cửa để đối phó với bão Trà Mi
.