Đây được coi là một bước tiến lớn nếu so với bản đánh giá trong Sách Trắng quốc phòng năm ngoái của Nhật Bản, trong đó chính phủ nước này chỉ nói rằng có khả năng Triều Tiên đã chế tạo được đầu đạn hạt nhân thu nhỏ - tờ Yomiuri nói và không dẫn các nguồn tin.
Sách Trắng quốc phòng, dự kiến sẽ được phê chuẩn trong một cuộc họp Nội các Nhật Bản tổ chức vào trung tuần tháng 9 tới, vẫn sẽ giữ nguyên đánh giá về các hoạt động quân sự của Triều Tiên là "mối đe dọa nghiêm trọng và sắp xảy ra" - theo tờ Yomiuri.
Sách Trắng quốc phòng 2018 của Hàn Quốc, được công bố hồi tháng 1 năm ngoái, còn cho rằng khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên "dường như đã đạt đến một mức độ nhất định". Theo các bài viết mà giới truyền thông Hàn Quốc đưa ra kể từ sau đó, cơ quan tình báo Hàn Quốc đã thông báo với các nhà lập pháp rằng Triều Tiên tiếp tục thu nhỏ các đầu đạn hạt nhân ngay cả sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên tổ chức tại Singapore vào tháng 6/2018.
Trong hội nghị thượng đỉnh đó, Triều Tiên đã cam kết "làm việc hướng tới giải giáp hạt nhân toàn diện trên bán đảo Triều Tiên" và tiêu hủy một số đường hầm và cơ sở hạ tầng tại bãi thử nghiệm Punggye-ri. Tuy nhiên, sau khi Hội nghị thượng đỉnh lần hai không thể đưa ra được tuyên bố chung, Triều Tiên đã nối lại các vụ thử tên lửa.
Giới chức Mỹ suốt nhiều năm qua luôn nêu quan ngại rằng Triều Tiên dường như đã chế tạo được các đầu đạn hạt nhân thu nhỏ. Một bản báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng bị rò rỉ trong năm 2017 còn nói rằng, Triều Tiên đã chế tạo thành công một đầu đạn hạt nhân thu nhỏ có thể được lắp đặt trên các tên lửa mà nước này chế tạo - theo Washington Post.
Trong Sách Trắng quốc phòng 2018, Nhật Bản từng nói rằng "việc thu nhỏ một vũ khí hạt nhân đủ để lắp đặt trên tên lửa đạn đạo cần có khả năng công nghệ cao tới một mức độ nhất định", và rằng "có khả năng Triều Tiên đã thành công trong việc thu nhỏ vũ khí hạt nhân và đã phát triển các đầu đạn hạt nhân".
Theo Reuters