Tờ Quan điểm Nga ngày 31 tháng 1 cho rằng chính sách "phá đi làm lại" của Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ làm gia tăng rủi ro xung đột Trung - Mỹ.
Theo bài báo, lập trường của Washington và Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông trái ngược nhau. Trong tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump chỉ trích Trung Quốc xây dựng (phi pháp) "pháo đài" ở các đảo đá trên Biển Đông, đồng thời đe dọa muốn tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông để ngăn chặn Trung Quốc xây đảo nhân tạo.
Tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson được ông Donald Trump đề cử thậm chí tuyên bố, phải phát đi "tín hiệu rõ ràng" đối với Trung Quốc, kêu gọi cấm Trung Quốc triển khai hành động ở các "đảo đá tranh chấp" trên Biển Đông.
Chuyên gia Vasilii Cashin từ Trung tâm nghiên cứu Viễn Đông, Viện Khoa học Nga cho rằng: "Trong thời đại Donald Trump, không khí căng thẳng hai nước có thể sẽ nóng lên và mất kiểm soát, đây chính là đặc điểm mới của quan hệ Trung - Mỹ".
Ông nhấn mạnh, mặc dù chính phủ hai nước trước đây cũng từng không tin cậy nhau, nhưng đã tích lũy được kinh nghiệm phong phú về xử lý các mâu thuẫn trong đó có vấn đề Đài Loan. Đến nay, Bắc Kinh vẫn tiếp tục phương thức xử lý này, nhưng Washington lại có một đội ngũ nắm quyền mới.
Chuyên gia Vasilii Cashin nói: "Về quốc phòng, kinh nghiệm sẽ được kế thừa, dù sao ông James Mattis (Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ) là một tướng lĩnh được mọi người khâm phục. Nhưng, ở Nhà Trắng, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, rất nhiều người cũ đều đã ra đi.
Đến nay, điều dễ thấy là, ông Donald Trump có xu hướng nghi ngờ một số nguyên tắc cơ bản nhất mà trước đây đã đàm phán và sẽ không công khai thảo luận, chẳng hạn chính sách 'một Trung Quốc'".
Theo chuyên gia Vasilii Cashin, chỗ đặc biệt của ông Donald Trump là đối với ông, không có gì là chân lí không thể bàn bạc. Ông không bỏ qua cho thứ đã giao ước vài chục năm qua, nghi ngờ tại sao lại phải tiếp tục như vậy.
"Quy tắc trò chơi đang không ngừng thay đổi. Đương nhiên, ông Donald Trump hoàn toàn không phải lúc nào cũng có sự chuẩn bị cần thiết, có thể ý thức được hậu quả tiềm tàng từ các quyết sách của mình".
Một mặt là hiện thực mới của Mỹ, mặt khác là tự nhận thức, ý thức "cường quốc" của người Trung Quốc liên tục tăng lên. Hai điều này đan xen với nhau.
Chuyên gia Vasilii Cashin nói: "Bầu không khí hết sức căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trầm trọng hơn là do thực lực quân sự của Trung Quốc không ngừng tăng lên và Mỹ tăng cường hiện diện ở khu vực Thái Bình Dương".
Chuyên gia nghiên cứu chính trị Andrei Korobkov từ Đại học Tennessee Mỹ cho rằng người Trung Quốc hoàn toàn không cho rằng sẽ nổ ra chiến tranh, nhưng về chiến lược cũng biết rõ ông Donald Trump coi Trung Quốc là mối đe dọa, trọng tâm cân bằng sức mạnh toàn cầu đang từ Đại Tây Dương và Tây Âu chuyển tới Bắc Thái Bình Dương.