|
Gần đây, một chùm hình ảnh mô phỏng tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong-21D Trung Quốc tấn công tàu sân bay xuất hiện trên mạng. Nguồn ảnh: Sina Trung Quốc |
Nguyệt san The National Interest Mỹ ngày 26/5 cho rằng, trong thời điểm Mỹ tiếp tục nỗ lực ứng phó với việc cung cấp tài chính cho lực lượng vũ trang của mình, tình hình phát triển sức mạnh quân sự của các nước khác trên thế giới hiện nay đã để lại ấn tượng sâu sắc.
Bài viết dẫn tờ Guardian Anh cho biết, Trung Quốc sẽ triển khai tàu ngầm hạt nhân chiến lược - tàu ngầm này trang bị vũ khí có tính hủy diệt, tức là trang bị tên lửa tầm xa lắp đầu đạn hạt nhân, tầm bắn có thể đạt vài nghìn dặm Anh. Vì vậy, về lý thuyết nó có khả năng tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ.
Trên thực tế, ngay từ thập niên 50 thế kỷ trước, Mỹ đã nghiên cứu phát triển ra loại công nghệ này, Trung Quốc trải qua vài chục năm nỗ lực mới nghiên cứu phát triển ra loại vũ khí tương tự.
Trung Quốc phát triển tàu ngầm hạt nhân là một phần của xu thế phát triển với phạm vi lớn hơn và gây lo ngại: Trên rất nhiều phương diện, Trung Quốc đang xây dựng một đội quân thực sự có trình độ hiện đại, mục tiêu của đội quân này là, một khi xảy ra xung đột thì có thể đánh bại Quân đội Mỹ.
Bắc Kinh đang nghiên cứu phát triển một loạt vũ khí lớn. Dư luận trước đây cho rằng, chỉ có Mỹ mới có thể sở hữu những trang bị tác chiến này, các nước như Trung Quốc, Nga muốn nghiên cứu phát triển được loại vũ khí này cần phải mất thời gian vài chục năm.
Trên thực tế, Bắc Kinh dường như không ngừng hướng tới sở hữu hệ thống vũ khí mũi nhọn. Loại vũ khí này giống như sản phẩm của tiểu thuyết khoa học viễn tưởng.
Chẳng hạn, chiếc tàu sân bay đầu tiên Trung Quốc được cải tạo từ một chiếc tàu sân bay vốn chưa hoàn thành của Ukraine, biên chế cho Hải quân Trung Quốc. Nước này hiện còn đang chế tạo ít nhất một chiếc tàu sân bay.
Ngoài ra, Bắc Kinh đang nghiên cứu chế tạo nhiều loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm. Hơn nữa, hệ thống phòng không tiên tiến của Bắc Kinh có thể khiến cho ưu thế của máy bay chiến đấu tàng hình Mỹ bị triệt tiêu;
vũ khí chống vệ tinh của Trung Quốc còn có thể tấn công "đôi mắt trên không" (eyes in the sky) của máy bay chiến đấu Mỹ đang tác chiến trên chiến trường - đó có thể là ưu thế quân sự lớn nhất của Washington.
Ngoài ra còn có một số vũ khí, chúng không giống vũ khí trang bị của quân đội hiện nay, mà giống vũ khí trong những bộ phim Hollywood gần đây. Trung Quốc đã nghiên cứu chế tạo hai loại tên lửa đạn đạo được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay" - Quân đội Trung Quốc cũng là đội quân đầu tiên trên thế giới triển khai loại tên lửa này.
Còn việc loại tên lửa này phát huy vai trò như thế nào trong tác chiến thực tế, điều này rất quan trọng đối với việc làm rõ tình hình tiến triển của Trung Quốc trong lĩnh vực tàu ngầm.
Loại hệ thống vũ khí này có tính cơ động mạnh, vì vậy, rất khó dò tìm được. Khi phóng, loại tên lửa này sẽ sử dụng radar tiên tiến, vệ tinh hoặc thiết bị khác để tiến hành dẫn đường, từ đó xác định mục tiêu tấn công.
Loại tên lửa này được lắp đầu đạn cơ động tiên tiến, do đó có tiềm năng chiến thắng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và đồng minh. Điều đáng lo ngại hơn là, một phiên bản mới của loại vũ khí này có khả năng tấn công tàu chiến ở xa ngoài 2.500 dặm Anh.
Trung Quốc đã thử nghiệm thành công một loại vũ khí siêu thanh. Ít nhất về lý thuyết, vũ khí này vừa có thể lắp đầu đạn thông thường, vừa có thể lắp đầu đạn hạt nhân.
Loại vũ khí này còn phải mất thời gian nhiều năm mới có thể biên chế cho Quân đội Trung Quốc, nhưng tốc độ tấn công mục tiêu của loại vũ khí này rất nhanh, vì vậy, nó có tiềm năng chiến thắng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và đồng minh.
Các quân chủng của Trung Quốc đều đang thúc đẩy hiện đại hóa. Tiến trình hiện đại hóa quân sự quy mô lớn như vậy sẽ gây rất nhiều ảnh hưởng đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương - đặc biệt là khu vực tồn tại tranh chấp lãnh thổ như biển Hoa Đông và Biển Đông.
Chính như học giả Dean Cheng của Quỹ Truyền thống (Heritage Foundation) Mỹ gần đây chỉ ra: "Tiến trình hiện đại hóa có nghĩa là, Hải quân Trung Quốc vừa có thể tìm cách xác lập quyền kiểm soát vùng biển ngoài chuỗi đảo thứ nhất, vừa có thể tiến hành tác chiến ngăn chặn trên biển. Thực lực của Hải quân Trung Quốc đã vượt hải quân các nước khu vực này, chỉ có Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản có thể là ngoại lệ".