|
Chiến đấu cơ tối tân Su-35 Nga tham chiến ở Syria |
Kích thước rất quan trọng, cả tầm bắn và tốc độ cũng vậy mỗi khi nói về vũ khí. Dường như có nhiều nhầm lẫn từ lâu về một đội quân Nga có quy mô tương đối nhỏ ở Syria. Unz Review cho rằng biểu hiện phổ biến nhất của sự nhầm lẫn này là một cuộc thảo luận không hồi kết về một cuộc tấn công có thể xảy ra do Mỹ tiến hành nhằm vào các lực lượng của Nga ở Syria, chủ yếu là ở căn cứ không quân Khmeimim. Liệu một cuộc tấn công như vậy, một khi xem xét tới quy mô của các lực lượng mà Mỹ có thể triển khai chống lại Nga, có thể "đánh bại" Nga?
Đây là một câu hỏi chính đáng nhưng lại rất không chuyên nghiệp. Trên thực tế, nhiều người nổi tiếng ở Mỹ ngoài việc nghĩ đến một viễn cảnh đáng sợ như vậy lại đang thực sự thúc đẩy nó. Trung tá Ralph Peters không vòng vo khi nói đến chuyện tấn công người Nga. Trên thực tế, nhân vật này là người luôn đi thẳng vào vấn đề khi đưa ra các quy định về cách chiến đấu với Nga.
Chắc chắn Peters và nhóm chính trị gia và quân nhân Mỹ do ông đại diện đã cùng chia sẻ những học thuyết chiến lược trong quá khứ, từ Clausewitz tới Moltke rồi đến Guaderian. Nhưng ở đây có một câu hỏi có vẻ hợp lý về xác suất Mỹ ném bom thành công đưa những người Nga khó chịu về thời kỳ đồ đá ở Hmeimim và các nơi khác ở Syria.
Tất nhiên, Mỹ có thể ném ra bất cứ thứ gì mình có xuống Hmeimim và có thể tạm thời áp đảo mọi thứ Nga có, từ tiêm kích SU-35 tới các hệ thống tên lửa phòng không khét tiếng S-300 và S-400, và có thể làm cho giấc mơ của Peters về việc duy trì toàn bộ thử thách giới hạn trong Syria trở thành thực tế. Song điều này sẽ có hiệu quả khi chống lại quân đội của bất cứ nước nào ngoại trừ Nga.
Vấn đề ở đây không phải là sự thật Nga là một cường quốc hạt nhân, điều này thì ai cũng biết. Ngay cả những người Mỹ ghét cay ghét đắng Nga cũng biết và hiểu rõ rằng những người thân yêu của họ sẽ rất nhanh biến thành bụi phóng xạ nếu họ dám làm những chuyện không thể tưởng tượng nổi, như tấn công Nga bằng vũ khí hạt nhân. Song Syria có một chút khác biệt - sự leo thang đến ngưỡng hạt nhân có thể được kiểm soát bởi những người nắm giữ một lợi thế quyết định theo quy ước. Vấn đề ở đây là sự thật về chiến tranh truyền thống - một kiểu xung đột chính xác mà quân đội Mỹ từng lấy làm kiêu hãnh về khả năng đối phó với bất kỳ kẻ thù nào trong suốt 30 năm qua.
Trên cơ sở của cách tiếp cận quá quyết đoán này, sự tự tin là lợi thế thật sự nhưng cũng không thật là lợi thế của Mỹ về vũ khí tấn công ngoài tầm hỏa lực phòng thủ. Cuộc xâm lược Nam Tư cho thấy quân đội Mỹ có thể áp đảo phòng không của một quốc gia như Serbia khá nhanh và từ khoảng cách vượt quá tầm với của phòng không lỗi thời. Mỹ đã phóng tên lửa hành trình Tomahawk vào Serbia và khiến cho hệ thống phòng không nước này gần như vô dụng sau hai tuần đầu ném bom không ngừng.
Nhưng đây là vấn đề đối với Mỹ: Nga có thể đưa cuộc xung đột truyền thống giả định này vượt ra ngoài Syria bất cứ lúc nào Nga muốn và ở đây người ta không bàn đến các chiến trường chiến lược khác, như Ukraine, nơi mà Nga có thể "bù đắp" cho một "thất bại" giả định ở Syria.
Lý do cho điều này hoàn toàn là công nghệ, Nga có thể ăn miếng trả miếng theo cách thông thường tại Syria và bất cứ nơi nào tại Trung Đông. Trên thực tế, quân đội Nga đang sở hữu kho vũ khí tiên tiến nhất với những vũ khí tấn công ngoài tầm hỏa lực phòng thủ có độ chính xác cao đã thể hiện trong thực chiến để cả thế giới nhìn thấy.
Đây là điều làm toàn bộ cuộc nói chuyện về "đánh bại" quân đội Nga ở Syria trở nên rất ngớ ngẩn. Chiến tranh không đơn giản chỉ là một số cuộc đọ súng giữa các bên tham chiến, chiến tranh bắt đầu ở các phòng tác chiến và các phòng họp chính trị trước khi bất cứ phát súng nào được khai hỏa. Nếu quân đội Nga được triển khai ở Syria vào năm 2005, sẽ không có vấn đề gì trong việc tưởng tượng kịch bản của Ralph Peters.
Nhưng Unz khuyến cáo đây không phải năm 2005 và một kẻ hủy diệt đáng sợ (ám chỉ Nga) hiện đã có khả năng tấn công ngoài tầm hỏa lực phòng thủ của đối phương. Kẻ hủy diệt này đơn giản hơn nhiều so với của Mỹ, và trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công giả định vào căn cứ Nga tại Hmeimim, nó sẽ mở cánh cửa phòng tác chiến để tiến hành trả đũa lại bất cứ phương tiện quân sự nào của Mỹ trong khu vực.
Vào ngày 26/9, sau cái chết của Trung tướng Nga Asapov ở Syria, được cho rằng có sự "trợ giúp" của cái gọi là Liên minh tại vùng lân cận Deir-ez-Zor đã giải phóng, lực lượng không quân chiến lược Nga đã phóng tên lửa hành trình tầm xa X-101 vào các mục tiêu của IS ở Syria. Hiện chưa có gì mới trong việc Nga sử dụng tên lửa hành trình có tầm bắn từ 5.500 km trở lên, cũng không có thêm tin gì về chuyện Hải quân Nga có khả năng phóng 3M14 thuộc họ Kalibr có tầm bắn từ 2.500 km trở lên từ bất cứ nơi nào ở phía đông Địa Trung Hải hoặc biển Caspian.
Đây là những tầm bắn vượt ra ngoài tầm với của bất kỳ vũ khí ngoài tầm hỏa lực phòng thủ nào trong kho vũ khí và đạn dược của Mỹ. Như Tomahawk TLAM-A Block II của Mỹ có tầm bắn tối đa khoảng 2.500 km trong khi TLAM Block IV, hiện đang được sản xuất nhiều nhất, chỉ có tầm bắn 1.600 km.
Raytheon cho biết các tên lửa này có khả năng sục sạo tìm mục tiêu và Tomahawk có thể bắn trúng các mục tiêu di động. Mọi thứ đều tốt và tuyệt vời, nhưng điều then chốt là tầm bắn cùng độ chính xác, và đến đây nói một cách nhẹ nhàng thì Mỹ không ở vị trí dẫn đầu. Tầm bắn đem lại tính linh hoạt tác chiến chưa từng có và việc Nga phóng tên lửa từ các máy bay ném bom chiến lược Tu-95 Bears vào ngày 26/9 đã truyền đi một thông điệp rất nghiêm túc - không phải về tầm bắn của X-101, ngay cả các tên lửa hành trình có tầm bắn xa hơn cũng sẵn sàng để cung ứng, với các tầm bắn xấp xỉ 10.000 km.
Trên thực tế, thông điệp là các tên lửa có thể được phóng từ không phận của Iran và Iraq. Nga không nhất thiết phải làm như vậy, việc này có thể được thực hiện dễ dàng từ khu vực biển Caspian. Tuy nhiên, các máy bay ném bom Tu-95 Bears đã tiến hành phóng tên lửa trong khi được hộ tống bởi các máy bay Su-30 và Su-35 của lực lượng Không quân Vũ trụ Nga. Hành động này đưa ra một số dấu hiệu đáng lo ngại, ngoài gợi ý rõ ràng về khả năng của Nga trong việc tiếp cận bất kỳ tài sản mặt đất nào của Mỹ trong khu vực.
Iran biết chắc rằng điều đó thật khó để tưởng tượng nhưng cũng không phải không thể xảy ra, như một cuộc tấn công của Mỹ vào các lực lượng Nga ở Syria, Iran sẽ không bị bỏ sang một bên mà sẽ ngay lập tức bị cuốn vào dù muốn hay không. Vì vậy, tại sao không chấp nhận hoàn cảnh và cố gắng giải quyết khi mà ngoài hạt nhân, kết quả sẽ không thể đoán trước. Iran có thể để các lực lượng của Nga ở bên cạnh và trong không phận của mình, và rõ ràng các lực lượng này đã trợ giúp đáng kể. Nhưng điều đó cũng mở ra một khả năng tác chiến quan trọng khác trong trường hợp xảy ra xung đột thông thường trong khu vực giữa Nga và Mỹ - một viễn cảnh phe diều hâu đang mơ tới, do sự thiếu hiểu biết về quân sự và sự suy xét tách rời khỏi thực tế chiến đấu của họ.
Đặt cảm xúc sang một bên và nhìn vào khía cạnh thực tế của những điều này, Học thuyết Quân sự của Nga từ năm 2010, đã tái khẳng định trong ấn bản năm 2014, quan điểm sử dụng vũ khí tấn công ngoài tầm hỏa lực phòng thủ có độ chính xác cao làm chìa khóa ngăn chặn lực lượng chiến lược, như Điều 26 của học thuyết đã nêu rõ. Nga không muốn chiến tranh với Mỹ, nhưng nếu tình hình trở nên gay go, Nga hoàn toàn có khả năng tấn công các tài sản mặt đất của Mỹ, như căn cứ quân sự của CENTCOM đặt tại Qatar, và quan trọng hơn cả là các tàu hải quân ở Vịnh Persian.
Ngoài 66 máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-160 và Tu-95, Nga còn có hơn 100 máy bay ném bom TU-22M3, nhiều chiếc trong số này có khả năng tiếp nhiên liệu trên không và mang theo một vũ khí đáng sợ - tên lửa hành trình X- 32 (Kh-32) có tầm bắn 1.000 km và tốc độ vượt quá 4,2 Match, luôn sẵn sàng tham gia chiến đấu. Tên lửa X- 32 (Kh-32), ngoài khả năng tấn công bất cứ thứ gì trên mặt đất, thực tế đã được thiết kế chủ yếu cho mục đích bắn trúng bất kỳ mục tiêu nào di động trên mặt biển.
Tên lửa Nga một khi phóng đi, chưa tính đến cả loạt tên lửa, đã cực kỳ khó để có thể để đánh chặn, và như cuộc thao diễn ngày 26/9 cho thấy, Iran nhiều khả năng sẽ cho phép các máy bay ném bom TU-22M3 này hoạt động từ không phận của mình trong trường hợp xấu nhất. Được phóng lên từ bất cứ đâu ở khu vực Darab, loạt tên lửa sẽ không chỉ bao phủ toàn bộ Vịnh Persian mà chắc chắn sẽ đóng cửa Vịnh Oman đối với bất kỳ lực lượng hải quân nào. Không tàu chiến, không hạm đội tàu sân bay nào có thể tiến vào khu vực này trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột thông thường với Nga ở Syria - các nhánh chiến lược của nó cực lớn. Thậm chí những loạt tên lửa hành trình Kalibr được phóng từ biển Caspian vào ngày 7/10/2015 đã gây ấn tượng đến mức tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và các tàu hộ tống của nó đã gần như ngay lập tức rời khỏi Vịnh.
Hơn nữa Unz lý giải, thực tế tác chiến đơn giản và thống nhất chỉ ra chính xác lý do tại sao trong hai năm mà một đội quân Nga quy mô tương đối nhỏ lại có thể hoạt động hiệu quả đến thế tại Syria, và trên thực tế kiểm soát các điều kiện trên mặt đất và trong khu vực hoạt động của nó. Câu trả lời thật đơn giản, nhiều người nghiện adrenaline (hooc-mon mang lại cảm giác hưng phấn) ở trong một chiếc lồng được hạ xuống nước để đối mặt với những con cá mập, lúc này chỉ có những thanh kim loại ngăn cách họ với hàm răng cá mập chết người. Tuy nhiên, ở đó, trên một chiếc thuyền luôn có một người đàn ông được trang bị một khẩu súng để sẵn sàng can thiệp trong trường hợp khẩn cấp.
Đội quân viễn chính Nga ở Syria không chỉ để thiết lập một vài căn cứ quân sự. Họ còn là lực lượng kết hợp chặt chẽ với các Lực lượng Vũ trang Nga có đủ tầm và khả năng làm cho bất cứ ai cũng phải đối mặt với những lựa chọn cực kỳ khó chịu, bao gồm sự thật rằng Nga, chứ không phải Mỹ, mới là người kiểm soát mức độ leo thang của cuộc chiến và có thể giải thích sự hiếu chiến chống Nga không ngừng trên các phương tiện truyền thông Mỹ kể từ khi kết quả cuộc chiến ở Syria trở nên rõ ràng, Unz kết luận.