Bao giờ "Gươm ánh sáng Darth Vader" thành hiện thực?

Những tuyên bố của công ty quân sự-công nghiệp Mỹ Lockheed Martin về thành tựu phát triển vũ khí laser đang thu hút sự chú ý trên toàn thế giới. Theo dự đoán của các chuyên gia, vũ khí laser sẽ được trang bị ồ ạt sau năm 2023.
Bao giờ "Gươm ánh sáng Darth Vader" thành hiện thực?

Không những thế, nhà sản xuất còn ghi nhận sự tiến bộ trong chế tạo súng điện từ và các hệ thống có triển vọng khác. Chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin đã cho Sputnik biết ý kiến của ông về tiềm năng vũ khí laser.

Hoa Kỳ không phải là nước duy nhất có các nghiên cứu vũ khí laser. Hoạt động thiết kế thiết bị laser quân sự được thực hiện ở Nga từ thời Liên Xô.

Kể từ cuối năm 1970, trên tàu thí nghiệm "Dikson" của Hạm đội Biển Đen đã bắt đầu thử nghiệm tổ hợp vũ khí laser "Akvilon". Đến giữa những năm 1980, vũ khí đã có khả năng phá hủy các tên lửa bay thấp. Một thiết bị khác được Hải quân thử nghiệm có tên gọi "Aidar". Một số hệ thống laser đã được chế tạo cho Lục quân. Về cơ bản, chúng có nhiệm vụ tiêu diệt khí cụ quan sát trên xe đối phương. Ví dụ, tổ hợp lừng danh "Szhatye".

Hôm nay, Nga đang khôi phục nhiều chương trình từ thời kỳ Xô Viết và khởi động các nghiên cứu mới. Nổi bật nhất là chương trình "Sokol-Eshelon" liên quan đến chế tạo hệ thống laser triển khai trên không bằng máy bay IL-76 phương án "vận tải".

Tại Trung Quốc có ít nhất hai tổ chức nghiên cứu vấn đề vũ khí laser — một viện nghiên cứu thuộc tập đoàn tên lửa vũ trụ CASIC và Viện Vật lý kỹ thuật — nhà chế tạo vũ khí hạt nhân.

Bản thân những tấm ảnh đẹp chụp tia laser hạ gục tên lửa hoặc thiết bị bay không người lái chưa thể nói lên điều gì. Đó là những thứ laser có thể làm được cách đây 30 năm. Vướng mắc tồn tại là giá thành cao và sự tiêu tốn điện năng quá lớn. Khi nào vũ khí laser sẽ thực sự được ứng dụng ồ ạt? Khi nào chúng chứng minh ưu thế trước các hệ thống vũ khí khác? Rất khó nói.

Nhược điểm đầu tiên của laser là chỉ có thể bắn theo đường thẳng; mục tiêu phải luôn nằm trong khoảng cách đường ngắm. Các vũ khí thông thường — tên lửa và nhiều hệ thống pháo — đã khắc phục được nhược điểm này.

Thứ hai, hoạt động của laser chịu ảnh hưởng của môi trường không khí, cũng có nghĩa cả điều kiện thời tiết. Màn khói và các lớp phủ đặc biệt của đầu đạn tên lửa có thể giảm hiệu quả của laser.

Tuy nhiên, laser vẫn là một công nghệ cách mạng tiềm năng có khả năng thay đổi tính chất các hoạt động chiến tranh. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi tất cả các cường quốc công nghiệp quân sự trên thế giới sẽ tiếp tục đầu tư vào vũ khí laser. Rất có thể, "căn bệnh thời thơ ấu" của laser sẽ được chữa khỏi. Chúng ta sẽ được chứng kiến hoàng hôn kỷ nguyên thống trị của súng ống suốt 600 năm và sự ra đời một loại hình chiến tranh mới.

Theo Sputnik