Báo này dẫn nguồn tin từ Tân Hoa Xã cho biết Việt Nam đã nhận 3 tàu ngầm tấn công lớp Kilo từ Nga và các tàu ngầm này bố trí ở Cam Ranh. Chiếc tàu ngầm cuối cùng trong hợp đồng đặt đóng 6 chiếc sẽ về Việt Nam vào năm 2016.
Các tàu ngầm này được trang bị tên lửa diệt hạm Club S và người ta tin rằng còn có cả tên lửa hành trình diệt hạm tốc độ siêu âm 3M54E1 có tầm bắn đến 300 km. Điều này giúp Việt Nam có khả năng tấn công các căn cứ hải quân quan trọng của Trung Quốc ở đảo Hải Nam và cả trung tâm chỉ huy của hạm đội Nam Hải ở Triết Giang, tỉnh Quảng Đông.
Các tàu ngầm Kilo thế hệ mới của Việt Nam được cho là trang bị cả radar tối tân GE2-01 giúp làm giảm tiếng ồn dưới nước và khả năng hướng dẫn đa dạng.
Want China Times còn dẫn nguồn từ tạp chí quốc phòng Kanwa (Canada, xuất bản bằng tiếng Hoa ở Hồng Kông nửa tháng/số) cho rằng Việt Nam đang xây một cầu cảng mới cho tàu ngầm ở phía bắc vịnh Cam Ranh, từ căn cứ mới này các tàu ngầm Việt Nam có thể nhanh chóng triển khai ra các vùng biển nóng trên Biển Đông cũng như thực hiện việc trinh sát tàu thuyền nước ngoài.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang cố gắng nâng cao khả năng phát hiện tàu ngầm từ xa, với nhiều nguồn tin cho hay Mỹ đã hứa bán cho Việt Nam máy bay tuần tra biển và chống tàu ngầm P-3 Orion, và các sĩ quan Việt Nam đang được gửi đến Mỹ và Đài Loan để đào tạo về công nghệ này.
Want China Times nhận xét Việt Nam là một trong các nước đang có tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông với Trung Quốc, khi nước này đơn phương đưa ra bản đồ đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) chiếm gần hết Biển Đông.
Các nước trong khu vực cũng đang ra sức phát triển lực lượng tàu ngầm. Ngoài Việt Nam, Indonesia hiện có 2 tàu ngầm loại Type 209 của Đức và đang có kế hoạch phát triển lên thành 12 – 15 tàu ngầm mới vào năm 2020, sau khi mua 3 tàu ngầm lớp Type 209 từ Hàn Quốc cuối năm 2011. Malaysia mua 2 tàu ngầm lớp Scorpene của Pháp trị giá 1,08 tỉ USD, hoạt động từ 2007 và 2009 và đang có kế hoạch sắm thêm. Còn Philippines cũng tính đến việc sắm tàu ngầm để có ít nhất 3 chiếc vào năm 2020.
Hiện trong khu vực, Trung Quốc dẫn đầu về số lượng tàu ngầm với hơn 60 chiếc, trong đó có 4 loại chạy bằng năng lượng hạt nhân (có 4 chiếc mang tên lửa đạn đạo liên lục địa, lớp Tấn) và 7 loại chạy bằng động cơ điện - diesel.
Trước đó, việc Mỹ gỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào tháng 11.2014 khiến báo chí nhiều nước cho rằng rất có thể Mỹ sẽ bán máy bay săn ngầm P-3 Orion cho Việt Nam để tăng khả năng bảo vệ hàng hải.
Được hãng Lockheed Martin sản xuất từ những năm 1950, P-3 Orion nổi tiếng là máy bay tuần biển và săn ngầm, chống tàu mặt nước, được hải quân nhiều nước sử dụng. Nay Hải quân Mỹ đang thay thế P-3 bằng loại P-8 Poseidon hiện đại hơn của hãng Boeing (cải tiến từ máy bay Boeing 737).
Tuy đã cũ nhưng máy bay P-3 Orion với 11 thành viên phi hành cùng các thiết bị radar, sonar dò tìm tàu nổi, tàu ngầm là phương tiện đáng tin cậy có khả năng giám sát khoảng cách rất lớn trên biển. Máy bay này có 4 động cơ phản lực cánh quạt, vận tốc tối đa 750 km, tầm hoạt động 2.490 km, có thể bay quanh một khu vực ở trần bay 500 m liên tục 3 giờ.
Gần đây P-3 Orion còn được Hải quân Mỹ điều sang Anh bay dò tìm tàu ngầm lạ lảng vảng ở phía bắc Scotland.
Theo: Tinnong.Thanhnien