Báo chí quốc tế bình luận gì về việc Việt Nam tăng cường quản lý du khách Trung Quốc?

VietTimes -- Nhật báo Trung Quốc ngày 22/7 cho rằng gần đây có thông tin về việc du khách Trung Quốc đến Việt Nam gặp khó khăn về việc cấp thị thực (visa). 
Ngày 22/7/2016, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc vẫn giải quyết thị thực cho khách du lịch Trung Quốc một cách bình thường. Ảnh: Chinanews.
Ngày 22/7/2016, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc vẫn giải quyết thị thực cho khách du lịch Trung Quốc một cách bình thường. Ảnh: Chinanews.

Tuy nhiên, cán bộ ở Lãnh sự quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, từ ngày 20 đến ngày 22/7 hoàn toàn không tạm dừng thụ lý thị thực cho khách du lịch Trung Quốc.

Việt Nam chấn chỉnh hoạt động du lịch


Cán bộ Việt Nam cho hay tình hình thực tế là Chính phủ Việt Nam đã tiến hành chuẩn hóa và chấn chỉnh về quy trình làm thị thực du lịch, đã tiến hành xử lý đối với những công ty du lịch Việt Nam làm thị thực phi pháp, yêu cầu khách du lịch Trung Quốc cung cấp các thông tin trong đó có hành trình cụ thể, khả năng được người thân tiếp đón ở Việt Nam. 

Yêu cầu thực sự chặt chẽ hơn so với trước đây, mục đích là cung cấp dịch vụ du lịch tốt hơn cho khách du lịch Trung Quốc.

Ngoài ra, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải cũng cho biết "hiện giải quyết thị thực đến Việt Nam một cách bình thường".

Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 23/7 thì lại tung tin rằng Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) "trong 1 ngày dừng xử lý trên ngàn đề nghị thị thực". Bài báo cho là nguyên nhân không rõ. Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết không nhận được bất cứ thông báo nào.

Phóng viên Thời báo Hoàn Cầu nhận tin từ các công ty du lịch ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc cho biết Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh đã thực sự tạm dừng hoạt động giải quyết thị thực. 

Dẫn lời cán bộ của Lãnh sự quán Việt Nam cho biết tuần tới mới có thể xác định lúc nào khôi phục việc giải quyết thị thực.

Nhân viên làm thị thực của Công ty lữ hành Bình An, Quảng Tây cho biết, Việt Nam đã kiểm soát chặt chẽ hơn việc cung cấp thị thực cho du khách Trung Quốc. 

Ngoài hộ chiếu, hiện nay khách du lịch Trung Quốc phải cung cấp các thông tin như tình hình "đương chức", công ty du lịch tiếp đón địa phương của Việt Nam và hướng dẫn viên (họ tên, điện thoại và số giấy chứng nhận hướng dẫn), khách sạn, lịch trình. Hơn nữa, du khách muốn đề nghị thời gian ở lại Việt Nam trong vòng 1 tháng, thường chỉ được phê chuẩn 1 tuần. 

Trang tin điện tử của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc chưa đưa ra tuyên bố chính thức về vấn đề này.
Báo Trung Quốc phán đoán, việc Việt Nam làm chặt hơn (và tạm dừng) việc cung cấp thị thực cho khách du lịch Trung Quốc là có liên quan đến việc Tòa trọng tài Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển đưa ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philippines, đồng thời liên quan đến khách du lịch Trung Quốc cầm hộ chiếu "đường lưỡi bò".

Cân nhắc xử phạt

Ngày 22/7/2016, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc vẫn giải quyết thị thực cho khách du lịch Trung Quốc một cách bình thường. Ảnh: Chinanews.
Ngày 22/7/2016, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc vẫn giải quyết thị thực cho khách du lịch Trung Quốc một cách bình thường. Ảnh: Chinanews.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ngày 23/7 cho hay gần đây xuất hiện một clip trên mạng về những hành vi thiếu văn hóa của một số khách du lịch Trung Quốc, những người này đã quấy rối một tiểu thương bán chuối Việt Nam ở Đà Nẵng, gây phản cảm cho người Việt.

Một hướng dẫn viên du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù tình hình Biển Đông gần đây căng thẳng, nhưng du khách Trung Quốc vẫn được tiếp đón ở Việt Nam, hoàn toàn không có sự phân biệt.

Tuy nhiên, do hoạt động chui của một bộ phận du khách Trung Quốc, Việt Nam đã yêu cầu công an tỉnh Khánh Hòa trục xuất 66 công dân Trung Quốc, trong đó có hướng dẫn viên. 

Bài báo còn cho biết, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đang thảo luận biện pháp "xử phạt thật nặng đối với những du khách Trung Quốc có hành vi ngạo mạn, không tôn trọng phong tục tập quán, văn hóa lịch sử Việt Nam". 

Đây là phát biểu của ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh trong một hội nghị vào ngày 14/7/2016.

Từ chối đóng dấu vào hộ chiếu "đường lưỡi bò"

Tờ ETtoday Đài Loan ngày 23/7 cho rằng sau phán quyết của Tòa trọng tài vụ kiện giữa Trung Quốc và Philippines, Việt Nam đã nỗ lực bác bỏ yêu sách chủ quyền "đường chín đoạn" vô lý, phi pháp của Trung Quốc, từ chối đóng dấu vào hộ chiếu (có in hình "đường chín đoạn/đường lưỡi bò") của du khách Trung Quốc.

Tuy nhiên, cán bộ Việt Nam cho biết Việt Nam không hề tạm dừng xử lý thị thực cho khách Trung Quốc, song phải làm chặt chẽ hơn rất nhiều so với trước đây.

Đa Chiều, tờ báo của người Hoa tại Mỹ ngày 22/7 cũng dẫn thông tin từ một công ty du lịch Việt Nam cho biết Việt Nam tiến hành xử lý hộ chiếu "đường lưỡi bò" của Trung Quốc.

ETtoday Đài Loan còn cho biết sau khi Trung Quốc thua kiện Philippines, từ ngày 19/7 Trung Quốc đã tổ chức tập trận bắn đạn thật quy mô lớn ở Biển Đông, điều vài chục lượt máy bay chiến đấu J-11BH, bắn vài trăm quả đạn, mô phỏng điều kiện chiến đấu thực tế, dùng hỏa lực tấn công các mục tiêu trên biển và bờ biển. 

Hành vi thiếu văn hóa đe dọa "sức mạnh mềm" của Trung Quốc

Hành vi thiếu văn minh của du khách Trung Quốc. Ảnh: Đa Chiều.
Hành vi thiếu văn minh của du khách Trung Quốc. Ảnh: Đa Chiều.

Đa Chiều ngày 14/7 cho hay theo thống kê của công ty tư vấn McKinsey, hơn 70 triệu người dân Trung Quốc đi ra nước ngoài du lịch trong năm 2015. Tuy nhiên, một loạt phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh cho thấy du khách Trung Quốc có các hành vi tùy tiện, lỗ mãng. 

Điều này thúc đẩy Chính phủ Trung Quốc công bố cuốn sách Hướng dẫn du lịch văn minh, thậm chí đưa những nhân viên có hành vi thiếu văn hóa vào danh sách đen du lịch.

Tờ The Financial Times Anh cho rằng, có nhà lãnh đạo Trung Quốc công khai bày tỏ lo ngại: du khách thiếu văn hóa đang gây thiệt hại cho "sức mạnh mềm" do Trung Quốc nỗ lực xây dựng trên toàn cầu. Một cuốn hướng dẫn đi du lịch của Chính phủ đã nói lên sự quan ngại này.

Cuốn hướng dẫn này cấm du khách Trung Quốc khạc nhổ, hút thuốc ở nơi không đúng quy định, chen ngang nơi đông người, to tiếng gây ồn ào, tranh lợi, làm bẩn khu vệ sinh công cộng, "đuổi bắt, đánh đập, làm động vật sợ".

Theo thống kê của McKinsey, 80% du khách Trung Quốc đi mua sắm trong thời gian rảnh rỗi, gần 30% căn cứ vào việc mua sắm để lựa chọn, quyết định đi du lịch ở đâu. 

Du khách Trung Quốc là du khách có sức mua lớn nhất hiện nay, bất kể là tính theo giá trị tuyệt đối hay bình quân đầu người. Mặc dù kinh tế Trung Quốc hiện có vấn đề, nhưng độ nóng mua sắm không giảm.

Khả năng tiêu dùng này đã làm thay đổi những trải nghiệm du lịch ở các khu vực, rất nhiều nước đã tăng cường khả năng tiếp đón du khách Trung Quốc như ở các sân bay.

Khách Trung Quốc thường có thói quen ăn các món ăn Trung Quốc tại nhà hàng Trung Quốc ở các khu du lịch của nước khác.