Tối 21/6, tại Hà Nội diễn ra Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 18.
Tham dự lễ trao giải có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Về phía Hội Nhà báo Việt Nam có ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia.
Phát biểu tại lễ trao giải, ông Lê Quốc Minh cho biết 99 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự tin yêu, đùm bọc của nhân dân, báo chí cách mạng Việt Nam luôn gắn bó, đồng hành với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Trong các giai đoạn lịch sử của đất nước, từ khi có Đảng, báo chí cách mạng luôn là lực lượng đi đầu, là vũ khí tinh thần sắc bén của Đảng và Nhà nước trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, là diễn đàn của nhân dân, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng.
Theo ông Lê Quốc Minh, báo chí trong năm qua đã phản ánh nỗ lực của Đảng, Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược phát triển đất nước nhiệm kỳ Đại hội 13 của Đảng; công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng…
“Số lượng tác phẩm dự giải lần này đạt mức cao nhất trong những năm gần đây, với hơn 1.900 tác phẩm. Điều đó cho thấy sức hút mạnh mẽ của giải và sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các hội viên trong cả nước”, ông Lê Quốc Minh nói.
Hội đồng chung khảo đã chấm 165 tác phẩm tiêu biểu được chọn từ vòng sơ khảo và quyết định trao 10 giải A, 26 giải B, 45 giải C, 41 giải Khuyến khích cho những tác phẩm xuất sắc nhất, có tính phát hiện đề tài, nội dung tư tưởng tốt, mang tính chiến đấu cao, có sáng tạo trong cách thức thể hiện.
Đặc biệt, có nhiều tác phẩm không chỉ ở cơ quan báo chí trung ương mà ở các cơ quan báo chí địa phương đã lựa chọn công nghệ làm báo hiện đại, tạo ra trải nghiệm mới hấp dẫn công chúng báo chí.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, trong quá trình đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng của Đảng, báo chí và đội ngũ những người làm báo đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, tích cực tuyên truyền, động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, khơi dậy khát vọng cháy bỏng phát triển đất nước độc lập, phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường.
Nhấn mạnh những nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị tập trung xây dựng đội ngũ những người làm báo thực sự là những người lính trên mặt trận văn hóa tư tưởng, có tâm sáng, lòng trong, bút sắc, vừa hồng vừa chuyên.
Đồng thời, phải luôn luôn thường trực lời Bác dạy: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết; khi không có gì cần nói, không có gì cần viết cũng chớ nói, chớ viết càn”, “tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc, chính trị phải làm chủ, đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”.
Kiên định lý tưởng, giá trị cao đẹp của nghề báo, tuân thủ nguyên tắc, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái sai, bảo vệ cái đúng, cái tốt, luôn hết lòng, hết sức vì sự nghiệp chung.
Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ, phải phát huy cao độ vai trò của báo chí - công cụ đấu tranh xã hội, đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, thực sự là vũ khí sắc bén, công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng; phải có nhiều hơn nữa các tác phẩm báo chí có tính lý luận và chính luận cao.
Tập trung tuyên truyền, cổ động, tập hợp quần chúng thực hiện đường lối lãnh đạo của Đảng; giáo dục, hướng dẫn các giai tầng trong xã hội hành động theo chuẩn mực, đạo đức xã hội chủ nghĩa; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Báo chí phải tham gia tích cực trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục tình trạng thông tin thuần túy, công cụ giải trí đơn thuần; không ngừng khơi dậy, khích lệ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí vượt qua khó khăn, thử thách và niềm lạc quan, ý thức tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, xây đắp và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực vươn lên cho sự phát triển của đất nước.