Bàn về nguồn nhân lực - Kỳ cuối: Sự không tương thích về kỹ năng của người lao động với yêu cầu công việc đang gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Nghiên cứu của ADB cách đây vài năm cho thấy sự không tương thích giữa yêu cầu của công việc và kỹ năng của người lao động ở Việt Nam có xu hướng gia tăng.
Tận dụng "cơ cấu dân số vàng" để phát triển đất nước (ảnh: EIMC)
Tận dụng "cơ cấu dân số vàng" để phát triển đất nước (ảnh: EIMC)

Phải xem việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực luôn là Quốc sách

Mới đây Liên Hợp quốc công bố Báo cáo về phát triển nguồn nhân lực năm 2020. Chúng ta rất hoan hỉ khi Việt Nam được xếp vào nhóm nước có chỉ số phát triển nguồn nhân lực (Human Development Index- HDI) cao. Báo cáo năm 2019 thì Việt Nam xếp thứ 118, báo cáo năm 2020 thì Việt Nam xếp thứ 117, tăng một bậc.

Khi tôi hỏi về vấn đề này và muốn được nghe lý giải cho câu chuyện trên, TS Doãn Mậu Diệp phân tích: "Nhìn kỹ các báo cáo này thì thấy gì ? Chỉ số phát triển nhân lực HDI được tính từ ba chỉ số thành phần là Chỉ số sức khỏe (thông qua tuổi thọ), Chỉ số giáo dục đào tạo (thông qua số năm đi học trung bình của những người 25 tuổi trở lên và số năm đi học trung bình kỳ vọng của những người hiện đang đi học) và Chỉ số về Thu nhập quốc dân bình quân đầu người.

Những nước có HDI nằm từ 0.800 trở lên thuộc nhóm nước có Chỉ số phát triển nhân lực rất cao; những nước có giá trị của chỉ số HDI năm từ 0.700 đến 0.800 là nước có Chỉ số phát triển nhân lực cao. Năm 2019, giá trị HDI của Việt Nam là 0.693, thuộc nhóm có HDI trung bình, xếp thứ 118, nằm sau Marshall Island. Năm 2020, giá trị HDI của Việt Nam là 0.704, bằng với Marshall Island, và cả hai cùng xếp thứ 117, nằm cuối cùng của bảng xếp hạng các nước có giá trị HDI cao".

Tiến sĩ Doãn Mậu Diệp

Tiến sĩ Doãn Mậu Diệp

Nói thế để thấy, chúng ta nhích lên được một chút về trị HDI nhưng chưa nhích lên được vị trí xếp hạng trên trường quốc tế. Vì thế, nếu có hoan hỉ, xin đừng quá hoan hỉ!

Câu chuyện Việt Nam có HDI được xếp ở nhóm cao - theo TS Mậu Diệp, nhưng việc bị xếp theo thu nhập quốc dân bình quân đầu người thì ở nhóm trung bình thấp, liệu đặt ra suy nghĩ gì? Ta có thể tự hào, như báo chí và nhiều vị quan chức của ta nói, tuy thu nhập chưa cao nhưng chỉ số phát triển con người lại đạt được nhiều thành tựu, xếp hạng cao trên thế giới (như bài ra kỳ 1 đã đề cập), nhưng, xin hãy bình tĩnh nhớ rằng ta đứng thứ 117, cuối bảng của các nước này.

Có bao giờ ta đặt câu hỏi ngược lại không? - theo TS Mậu Diệp - đó là chỉ số phát triển nhân lực của nước ta xếp ở mức cao trên thế giới, nhưng giá trị do người Việt tạo ra lại ở mức trung bình thấp của thế giới. Liệu có ngại ngùng mà thừa nhận như vậy không?

Quay trở lại câu chuyện chúng ta nói giáo dục là quốc sách hàng đầu. Điều này không sai, nhưng có thể nói sử dụng lao động qua đào tạo là quốc sách trước quốc sách hàng đầu, vì sử dụng hợp lý, hiệu quả quan trọng không kém, thậm chí là quan trọng hơn để không lãng phí. Chuyện này liên quan đến chuyện năm nào Quốc hội cũng chất vấn xung quanh chỉ tiêu lao động qua đào tạo của Việt Nam thấp và nhất là con số tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ lại quá thấp, chỉ 23-24%. Ai cũng nhấn mạnh, từ Quốc hội đến Chính phủ, từ chính khách đến các nhà nghiên cứu đều nói phải nâng tỷ lệ này nữa lên, nhưng nâng lên nữa mà sử dụng lãng phí thì có nên không? - TS Mậu Diệp nêu câu hỏi.

Ở đây lại quay lại chỉ số HDI một chút. HDI của Việt Nam được xếp ở mức cao trong khi thu nhập quốc dân bình quân đầu người còn thấp, thì ắt hẳn chỉ số về sức khỏe và chỉ số về giáo dục phải cao, mà đúng là cao thật. Tại sao chỉ số giáo dục cao mà tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ lại thấp. Có cái gì sai sai ở đây vậy? Liệu có nên thẳng thắn thừa nhận có gì đó cần hoàn thiện trong công tác thống kê của chúng ta không?

Cách đây mấy năm, có một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á - Asian Development Bank (ADB) về sự không tương thích giữa trình độ được đào tạo của người lao động với yêu cầu kỹ năng mà công việc người đó đang làm đòi hỏi. Nghiên cứu đưa ra kết luận : tất cả các nước trên thế giới không nước nào có sự tương thích hoàn toàn, mà ta nói là sự ăn khớp giữa đào tạo và thị trường lao động. Con số thống kê chung là 30% công việc đang sử dụng lao động trình độ cao hơn yêu cầu của công việc, 40% công việc đang sử dụng đúng lao động có trình độ mà công việc yêu cầu, và khoảng 30% công việc đang buộc phải sử dụng lao động có trình độ thấp yêu cầu của công việc đó. Việt Nam cũng nằm trong nghiên cứu này.

Cái kết luận đáng chú ý của nghiên cứu này là trong khi các nước đều có xu hướng tăng tỷ lệ công việc sử dụng đúng lao động có trình độ như yêu cầu thì ở Việt Nam, tỷ lệ nhóm công việc sử dụng lao động có trình độ cao hơn và tỷ lệ nhóm công việc buộc phải sử dụng lao động có trình độ thấp hơn lại gia tăng, hay nói cách khác sự không tương thích giữa yêu cầu của công việc và kỹ năng của người lao động ở Việt Nam có xu hướng gia tăng.

Mà như nói ở trên, điều này có hại cho cả người lao động, cả doanh nghiệp và vả nền kinh tế. Nếu không cải thiện được điều này thì việc Quốc hội, Chính phủ cứ mong muốn nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, nhất là nhóm có bằng cấp-chứng chỉ để làm gì?

Vì vậy chúng tôi mới nói, có lẽ sử dụng hợp lý, hiệu quả lao động qua đào tạo có lẽ phải là quốc sách trước quốc sách hàng đầu là giáo dục và đào tạo. Đã ít (tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp) mà sử dụng không hợp lý, không hiệu quả thì là lãng phí cực lớn.

Nhiều người trẻ tuổi tốt nghiệp Đại học nhưng không tìm được việc làm (ảnh: VnExpress)

Nhiều người trẻ tuổi tốt nghiệp Đại học nhưng không tìm được việc làm (ảnh: VnExpress)

Quay trở lại một vài ví dụ nhỏ đang hiện hữu sau đây là đủ thấy, đội ngũ chạy xe GrabCar và GrabBike hiện nay ở nước ta được biết không chỉ là nguồn nhân lực trẻ, mà khá nhiều người được đào tạo có trình độ đại học, chứ không hề xoàng chút nào. Nó rất khác với người chạy xe tương tự bên Nhật, bên Hàn Quốc hoặc ngay cả bên các nước châu Âu thường là người cao tuổi, nhỡ nhàng khi đi xin việc, hoặc là người đã hết tuổi làm việc ở các công sở, nhà máy, nay đã nghỉ và đi làm thêm để thêm để cải thiện đời sống cho gia đình.

Vậy nếu tình trạng nói trên kéo dài vài ba năm thì liệu rằng những cử nhân, kỹ sư nói trên với kiến thức học được trong nhà trường sẽ còn đâu để làm việc thực thụ khi muốn quay về nghề từng được đào tạo? Rồi ngay như các trình dược viên họ đi gõ cửa từng hiệu thuốc như hiện nay cũng vậy. Có nhiều người trong số họ đã tốt nghiệp ĐH ngành Dược đàng hoàng, nhưng hãy thử hỏi làm sao có thể vào phòng nghiên cứu để làm việc thực thụ, đúng nghề sau vài năm bỏ đi tiếp thị thuốc? TS Mậu Diệp thừa nhận như thế là cực lãng phí. Chỗ của các bạn ấy đáng lẽ là ở chỗ khác. Rất nhiều vị trí cần trình độ đại học, cao đẳng đang phải sử dụng những lao động không có trình độ đó.

Người tốt nghiệp Đại học đi chạy xe công nghệ vì thu nhập trước mắt, vì những điều kiện sống tốt hơn ở khu vực thành thị? Nhưng nếu cứ như vậy mãi thì Việt Nam liệu có thể trở thành rồng nếu ta nói nhiều về khát vọng, nhưng thực trạng sử dụng lao động lại như vậy? - TS Mậu Diệp nói.

Cần những đòn bẩy về kinh tế, về tiền lương, thu nhập, sinh hoạt gì để bố trí, sắp xếp và sử dụng đúng những con người mà gia đình, xã hội, nhà trường đã đào tạo? Câu hỏi lớn này tôi nghĩ rất cần được các cơ quan có trách nhiệm giải đáp sớm.

Về lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ), nếu như chúng ta có những quyết sách mạnh mẽ và bài bản hơn, chỉ cần quyết tâm đặt ra chỉ tiêu bằng 200% mức XKLĐ đã và đang làm thì cũng có nghĩa dân mình sẽ mang về mỗi năm gấp đôi số ngoại tệ từng mang về nước cho gia đình. Tuy nhiên, dân số hiện đã tăng chậm dần nên để tăng số người đi LĐXK là cả một vấn đề không hề đơn giản. Liệu có lúc nào ta phải tính giải pháp chuyển hướng dần chiến lược, thay vì đưa nhiều người đi lao động ở nước ngoài, chúng ta nên tính đến giải pháp kéo nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm việc?. Nếu làm như vậy thì sẽ có nhiều cái lợi và phải chăng, quốc sách về chiến lược nguồn nhân lực cần phải tính?

Theo một tính toán có cơ sở, mỗi năm chúng ta đưa 100 ngàn lao động đi xuất khẩu chính tắc thì cũng góp phần cùng số người cũ mang về 3,5-4 tỷ USD/ năm và con số ngoại tệ sẽ có khả năng nhích lên rất đáng kể.

Người viết bài này từng chứng kiến trong một chuyến vào Nghệ An năm trước nhằm thăm hỏi và làm công tác từ thiện với 5 người đã mất trong tổng số 39 người bị chết trong xe lạnh bên Anh Quốc. Khi về Hà Nội, tôi đã đã không khỏi đau xót và day dứt. Họ đã ra đi bằng lối dùng hộ chiếu giả và sang đến bên kia thì thường làm những nghề không được công khai, trốn chui, trốn lủi rất đau xót. Có việc làm phải chui dưới lòng đất cả tuần không được lên khỏi mặt đất vì họ trồng cây anh túc trái luật. Điều đáng buồn cho chúng ta là tại những vùng quê nói trên của người đi trái phép này, nhờ người ra đi trái phép nói trên mà gia đình họ giàu có. Nhiều nhà đã có biệt thự, còn ô tô ở quê thì không còn có gì lạ lẫm.

Nhưng thử hỏi, giàu có khi lao động bất hợp pháp như vậy thì đâu có gì hãnh diện. Rất may khi tôi kể câu chuyện nói trên cho TS Mậu Diệp nghe thì được ông cho biết con số 3,5-4 tỷ USD tôi dẫn trong bài kia, chúng ta không tính những đối tượng ra nước ngoài bằng đường đi bất hợp pháp và làm ăn phi pháp...

Việt Nam sắp bước qua thời kỳ "dân số vàng" (ảnh: Asia News)

Việt Nam sắp bước qua thời kỳ "dân số vàng" (ảnh: Asia News)

Hiện tại, với Việt Nam, nhân lực đã qua đào tạo vốn đã ít. Nếu lại sử dụng không hợp lý thì thật lãng phí. Lao động qua đào tạo cũng chưa tới mức được coi là “hiền tài” nhưng ít nhất về chiến lược, họ cũng được xem là tốt hơn lao động không qua đào tạo. Người xưa gọi, “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, nhưng nếu "hiền tài" mà không sử dụng, hoặc sử dụng lãng phí, không đúng chỗ thì cũng chỉ là "thường tài" và từ đó, thứ gọi là "nguyên khí" cũng chỉ là "thường khí" - TS Mậu Diệp trăn trở.

Cá nhân tôi cho rằng, nên chăng Đảng và Nhà nước, cho dù chúng ta đang quyết liệt tinh giản bộ máy trong hệ thống chính trị theo Nghị quyết 18 và 19 của BCH Trung ương Đảng, thì những gì phục vụ cho tăng năng suất lao động vẫn cần tăng cường. Cần có các cơ quan nghiên cứu và quản lý nguồn nhân lực. Chúng ta không nên hạn chế máy móc và tính toán cơ học quá. Vì như vậy sẽ khó có thể làm tốt những gì mà Đảng và Quốc hội mong mỏi vào bộ máy thừa hành công vụ với mục tiêu xây dựng một đất nước an bình, dân giàu và nước mạnh.