Bản chất đổi mới sáng tạo trong kinh tế số (kỳ 1): Kinh tế số là gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Kinh tế số là một hình thái cộng sinh trên cơ sở nền tảng các hoạt động kinh tế truyền thống để tạo nên một lớp giá trị gia tăng mới. Đây là một đặc điểm quan trọng, cần nhận thức được, về bản chất của kinh tế số.

Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã đưa đến những tác động tới từng ngõ ngách của đời sống xã hội, từng người dân, từng doanh nghiệp, từng chính phủ và đang tạo nên một tác động phức hợp mang tính toàn cầu.

Sự phát triển nhanh chóng của những tiến bộ khoa học - công nghệ - kỹ thuật đang cho phép công nghệ số và dữ liệu số không ngừng đạt được những thành tựu mới, những đột phá và ngày càng trở nên dễ dàng thương mại hóa, ứng dụng vào đời sống ngày một nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Đứng trước một bối cảnh mới mà kỷ nguyên số đặt ra, nền kinh tế cũng buộc phải có một sự chuyển dịch tương ứng đi cùng với một cuộc cách mạng – Cách mạng công nghiệp lần thứ tư – hình thành nên những nền tảng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đặc biệt là kiến tạo nên những nguồn tài nguyên mới, giá trị mới và cả những phương thức vận hành mới của đời sống kinh tế-xã hội.

giang le 3.png
Ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI)

Kinh tế số là gì?

Có rất nhiều cách tiếp cận để mô tả, định nghĩa, khái niệm hóa cái gọi là “kinh tế số”. Mỗi cách tiếp cận đều có những giả định tiếp cận, những tiền đề, tuy nhiên, có một vấn đề chung, đó là đều tiếp cận theo các chiều kích cụ thể, mà chưa nêu bật được bản chất và chỉ ra được một cách tổng thể cái kinh tế số là (nó là).

Có thể hình dung một cách hình ảnh bằng câu chuyện Thầy bói xem voi để hình tượng về cái cách chúng ta đang tiếp cận về kinh tế số hiện nay.

Do vậy, trong khung khổ bài viết của mình, tôi sẽ không đi vào việc liệt kê các cách tiếp cận đã có, và cũng không phủ định bất kỳ cách tiếp cận nào, bởi bất kỳ cách tiếp cận nào tồn tại được, đều cũng có lý do hợp lý của nó tùy theo chủ thể áp dụng và thừa nhận.

Nguyên nhân của vấn đề là chúng ta đang tiếp cận một chủ thể mới trong một bối cảnh mới (kinh tế số trong kỷ nguyên số) bằng những cách tiếp cận cũ trong một thế giới cũ.

Với cách tiếp cận cũ, truyền thống, những tình thế lưỡng nan sẽ luôn đặt ra, việc giải thích và kiến tạo những cách tiếp cận sẽ bị giới hạn bởi những phương pháp, khung khổ vốn đã không còn phù hợp, và do vậy sẽ luôn bị giới hạn chỉ trong những khoảng hẹp có thể chạm đến được.

Cần phải có một sự thay đổi căn bản về cách tư duy để có thể có một cách tiếp cận mới, phù hợp với chủ thể mới trong bối cảnh mới. Phải chỉ ra được đâu là nền tảng của kinh tế số, cơ chế kinh tế số vận hành và phát triển, cách thức biểu hiện của các loại hình kinh tế số, và từ đó mới xác định được những phương pháp, phương tiện, công cụ và cách thức phù hợp với kinh tế số.

Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể có được những chiến lược, những chính sách, những dự án/hoạt động, và những giải pháp phù hợp để kiến tạo, thúc đẩy và phát triển kinh tế số.

Chúng ta sẽ lần lượt khám phá “kinh tế số” thực sự là gì bằng cách lần lượt bóc những lớp 'củ hành tây' để đi vào được cốt lõi bản chất của kinh tế số.

Nhưng trước hết, cần phải nhận thức rằng kinh tế số là một hệ quả mà tiến trình chuyển đổi số kiến tạo nên thông qua việc chuyển hóa những thành tựu mà cuộc cách mạng kỹ thuật số đem đến trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thông qua việc chuyển hóa nền tảng về bản chất và cơ chế vận hành của đời sống kinh tế - xã hội hiện thời.

Kinh tế số, do vậy, không phải là một “ngành” hay một “lĩnh vực” kinh tế mới tồn tại song song và độc lập với các hình thái kinh tế hiện tại, hay là một kiểu hình mới như kinh tế nông nghiệp, công nghiệp hay dịch vụ.

Kinh tế số là một hình thái cộng sinh trên cơ sở nền tảng các hoạt động kinh tế truyền thống để tạo nên một lớp giá trị gia tăng mới. Đây là một đặc điểm quan trọng, cần nhận thức được, về bản chất của kinh tế số.

Chính đặc điểm quan trọng của kinh tế số này đã làm cho người ta thực sự “bối rối” khi tiếp cận với kinh tế số và tìm cách đo lường, tính toán các giá trị kinh tế số.

kinh te so 3.jpg

Cách đo lường giá trị kinh tế số

Những phép đo đã bao gộp tất cả những giá trị của “truyền thống” và “số” vào một trở thành một trạng thái phổ biến khi đo lường giá trị kinh tế số. Tách bạch được các cấu phần giá trị trở thành một yêu cầu quan trọng để nắm bắt được thực sự bản chất và giá trị thực sự mà kinh tế số đem lại.

Nhưng làm thế nào để tách bạch được các cấu phần giá trị này (!?). Đây thực sự là một câu hỏi lớn, mà trong bối cảnh của bài viết này, tôi chỉ giới thiệu một cách vắn tắt.

Để trả lời câu hỏi này, trước hết chúng ta phải trả lời số (digital) là gì (?). Số (digital) là một trạng thái mà trong đó mọi “sự vật, hiện tượng” đều đo được (measurable), đếm được (numerical), và tính toán được (computable).

Vậy cuộc cách mạng kỹ thuật số đã tác động thực sự đến đời sống và mọi thứ xung quanh chúng ta như thế nào (?).

Nhờ các tiến bộ của khoa học-công nghệ-kỹ thuật hình thành nên các công nghệ số và dữ liệu số, cuộc cách mạng kỹ thuật số đã làm cho chúng ta:

(i) “Đo được” thông qua cuộc cách mạng phân giải (resolution revolution) thông qua việc kiến tạo các năng lực “nhìn thấy và cảm nhận” (see and sense) ngày một chi tiết hơn bao giờ hết, sau đó hiểu và kiểm soát chính xác hơn các sự vật, hiện tượng và các kết quả;

(ii) “đếm được” nhờ sự chuyển đổi tư duy mà theo đó những thay đổi số (digital change) đã cho phép chúng ta tiệm cận được các tác động liên hợp và phức hợp (combined and complex effects) giữa các thành phần và cấu phần từ đó nhận diện (đếm được) những hiện tồn trong một tiến trình;

(iii) “tính toán được” thông qua việc xóa nhòa ranh giới giữa các bên liên quan trong một tiến trình, cho phép giảm thiểu sự bất đối xứng thông tin, giúp các bên liên quan trong một tiến trình giao dịch có thể đồng kết nối, đồng thu thập, đồng phân tích, đồng xử lý, đồng sử dụng dữ liệu để khớp nối các giao dịch một cách tối ưu nhất với thời gian ngắn nhất và hiệu quả nhất.

Nhờ số (digital) chúng ta bước vào một công cuộc số hóa (digitize) mọi sự vật, hiện tượng xung quanh chúng ta và chính bản thân chúng ta, tạo thành một môi trường mới với sự kết hợp của người-máy (human to machine), cho phép mọi sự vật, hiện tượng trở nên đo được, đếm được và tính toán toán được, hình thành nên dữ liệu số (digital data).

Dữ liệu số, trở thành một nguồn “nguyên, nhiên, vật liệu” mới cho một tiến trình kiến tạo giá trị (value chain) thông qua việc ứng dụng công nghệ số và dữ liệu số (digitalize), tạo ra những công cụ, phương tiện và phương cách mới cho hoạt động và vận hành của đời sống hàng ngày. Từ đó cũng hình thành nên một loại hình giá trị mới đến từ việc vốn hóa dữ liệu (data-capitalize) gọi là giá trị mặc định (default value).

Dữ liệu, do vậy cũng hình thành một nền tảng tài nguyên mới gồm: (i) tài nguyên tính toán; (ii) tài nguyên lưu trữ, phân phối dữ liệu hiệu quả; (iii) tài nguyên dữ liệu lớn; (iv) tài nguyên giá trị mặc định.

Như vậy, có thể khái niệm hóa kinh tế số, đó là: Tổng thể các hoạt động của nền kinh tế hình thành nên giá trị dựa trên nền tảng vốn dữ liệu làm chủ đạo./.

(*) Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số (DTSI)